Các thành viên Taliban “bắt đầu dí điện vào người tôi, trên vai, trên mặt, trên cổ, mọi nơi mà họ có thể”, một sinh viên đại học tại Afghanistan kể lại. Cô bị lăng mạ, đe dọa và đánh đập khi bị bắt hồi đầu năm nay, với lý do xuất hiện tại nơi công cộng mà không có người thân là nam giới đi cùng (hay còn gọi là mahram).
“Một người cầm súng nói rằng: 'Tôi sẽ giết cô, và không ai có thể tìm thấy xác của cô đâu'”, nữ sinh viên kể lại với nhóm nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Những chi tiết gây sốc này đến từ báo cáo dài 98 trang công bố ngày 27/7 của Tổ chức Ân xá Quốc tế với tiêu đề: “Những cái chết đến chậm: Phụ nữ và trẻ em gái dưới sự cai trị của Taliban”. Nhóm nghiên cứu đã đến Afghanistan vào tháng 3 để khảo sát, hỗ trợ cho cuộc điều tra kéo dài 9 tháng từ tháng 9/2021 đến tháng 6 vừa qua.
Sau khi phỏng vấn 90 phụ nữ và 11 bé gái trong độ tuổi 11-74, báo cáo nhấn mạnh mức độ lạm dụng và những hạn chế đối tượng này phải đối mặt dưới thời Taliban. Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luật Afghanistan đã chứng kiến bạo lực gia tăng trên cơ sở giới, nạn tảo hôn và ép buộc kết hôn ở trẻ em gái kể từ khi Taliban tiếp quản, theo South China Morning Post.
Taliban cũng bỏ tù hàng chục nhà hoạt động nữ quyền, hạn chế quyền tiếp cận giáo dục với phụ nữ và trẻ em gái, cấm phụ nữ đi làm vì không muốn họ ở gần nam giới.
Đàn áp đến nghẹt thở
Theo 4 nguồn tin tại trung tâm giam giữ do Taliban điều hành, ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị bắt và giam giữ vì các "vi phạm" nhỏ.
Phụ nữ không chỉ bị cấm xuất hiện ở nơi công cộng mà không có người thân là nam giới, một số người còn bị phạt khi đi cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp là đàn ông. Nhìn chung, Taliban chỉ cho phép phụ nữ đi với người thân là nam giới.
“Nếu họ nhìn thấy phụ nữ không đi cùng mahram, cô ấy sẽ bị bắt”, một nhân viên tại nhà tù cho biết. “Trước đây, những trường hợp thế này sẽ không bị bỏ tù. Nhưng giờ con số đang tăng lên mỗi tháng”.
Nhiều người bị bắt thường bị buộc cái tội gọi là “băng hoại đạo đức”. Nhưng định nghĩa về cụm từ này rất mơ hồ. Thậm chí, trong một số trường hợp, Taliban hứa những người trải qua bạo lực gia đình sẽ được đưa đến trại tạm trú, nhưng thay vào đó lại bỏ tù họ.
Bất chấp lời hứa duy trì quyền của phụ nữ và trẻ em gái, Taliban ngày càng phân biệt giới tính có hệ thống. Chế độ đàn áp này gây ra làn sóng phẫn nộ và phản đối. Tuy nhiên, những người phụ nữ biểu tình lại phải chịu cảnh quấy rối, cưỡng chế, mất tích, cũng như bị tra tấn về thể chất và tâm lý.
Taliban chỉ cho phụ nữ đi cùng nam giới là người thân khi ra ngoài, cấm gặp cả bạn bè hay đồng nghiệp là đàn ông. Ảnh: AFP. |
Một người biểu tình bị bắt và giam giữ trong nhiều ngày cho biết cô bị đánh đập và đe dọa, sau đó thành viên Taliban giơ ảnh gia đình cô trước mặt cô.
“Họ bắt đầu hét vào mặt tôi”, cô kể lại, nói rằng một thành viên Taliban đã lăng mạ cô là “đồ đàn bà tồi tệ”.
“Sau đó, anh ta đá tôi. Cú đá mạnh đến mức lưng tôi bị thương. Anh ta cũng đá vào cằm tôi. Đến giờ tôi vẫn thấy đau ở trong miệng. Mỗi khi tôi muốn nói chuyện, tôi lại cảm thấy đau”, cô nói.
Hai người phụ nữ khác nói các thành viên Taliban đã áp dụng “chiến lược” mới để ngăn những người bị tra tấn đăng ảnh lên mạng xã hội.
“Chúng tôi bị đánh vào ngực và giữa hai chân. Họ làm điều này để chúng tôi không thể cho cả thế giới thấy”, một người nói.
Nhiều phụ nữ cũng bị buộc ký thỏa thuận, nêu rõ họ và các thành viên trong gia đình sẽ không phản đối, cũng như không nói công khai về trải nghiệm của mình.
Tuy nhiên, điều còn kinh khủng hơn nữa là các cựu tù nhân sẽ bị kỳ thị suốt đời do phụ nữ thường bị bạo hành tình dục trong tù. Một nhà hoạt động xã hội nói khi bị bắt, điều duy nhất cô nghĩ tới là việc phải đối mặt với sự kỳ thị thế nào.
“Vào tù là vấn đề lớn. Sau này, bạn sẽ không còn chút phẩm giá nào vì mọi người sẽ rêu rao là bạn đã bị hãm hiếp", cô nói.
Agnès Callamard, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết “các chính sách hà khắc của Taliban đang tước đi quyền của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái nhằm có được cuộc sống an toàn, tự do và viên mãn”.
“Cuộc đàn áp nghẹt thở nhằm vào phụ nữ đang tăng lên từng ngày”, bà Agnès Callamard ghi. "Nhìn chung, những chính sách này tạo thành hệ thống đàn áp phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái trong gần như mọi khía cạnh cuộc sống. Mọi thứ hàng ngày - từ đi học, làm việc, ra khỏi nhà - đều bị kiểm soát và hạn chế".
“Cộng đồng quốc tế cần khẩn trương yêu cầu Taliban tôn trọng và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái”, bà nhấn mạnh.
"Nếu trường học không mở cửa, tôi đành phải gả con gái đi"
Nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế - được chứng thực bởi các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội - cũng tiết lộ tỷ lệ trẻ em kết hôn sớm và bị ép lấy chồng ở Afghanistan tăng dưới sự cai trị của Taliban.
“Afghanistan là ‘cơn bão hoàn hảo’ (perfect storm) cho nạn tảo hôn”, Stephanie Sinclair - Giám đốc Too Young to Wed - nói.
Bà dùng từ “cơn bão hoàn hảo” - cụm chỉ tình huống tồi tệ hội tụ nhiều điều xấu xảy ra cùng một lúc - để mô tả về cuộc sống tại Afghanistan.
“Một chính quyền độc đoán, một đất nước chiến tranh, nghèo đói, hạn hán, trẻ em gái không được đi học. Tất cả yếu tố này kết hợp lại khiến chúng tôi nhận ra nạn tảo hôn sẽ ngày càng phổ biến”, bà nói.
Một phụ nữ 35 tuổi đến từ miền Trung Afghanistan cho biết nghèo đói đã buộc cô phải gả con gái 13 tuổi cho người hàng xóm 30 tuổi vào tháng 9 năm ngoái. Đổi lại, cô nhận được khoảng 660 USD.
Cô cũng có một đứa con gái khác 10 tuổi. Nhưng người mẹ đang chần chừ, trì hoãn việc kết hôn của đứa con vì muốn bé gái được “học nhiều hơn, có thể đọc, viết và nói tiếng Anh”.
“Tôi hy vọng cô con gái này sẽ trở thành một ai đó, hỗ trợ cho gia đình”, người mẹ nói. “Nhưng tất nhiên, nếu họ không mở lại trường học, tôi sẽ phải gả con đi”.
Taliban kiểm soát hoạt động của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gắt gao. Ảnh: AP. |
Những quy định mới đã hạn chế quyền làm việc và học tập của phụ nữ. Đại đa số nữ sinh trung học không được phép đến lớp, trong khi ở cấp đại học, Taliban gây khó dễ cho sinh viên, đưa ra hạn chế về ăn mặc, sử dụng mạng xã hội và các cơ hội khác.
Nhiều quy tắc này đã được thực thi. Tuy nhiên, việc giám sát không chỉ từ Taliban và tại các trạm kiểm soát, mà còn bởi cả những người hàng xóm và các thành viên trong cộng đồng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi Taliban dỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ.
"Các chính phủ và tổ chức quốc tế, bao gồm tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phải khẩn trương phát triển và thực hiện chiến lược mạnh mẽ nhằm gây áp lực buộc Taliban phải thay đổi”, báo cáo nêu.
Những phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn đã kêu gọi Taliban cải thiện mức sống của người dân Afghanistan, thay vì "đóng mọi cánh cửa với phụ nữ".
Nhiều người cũng cảm thấy thất vọng về cộng đồng quốc tế.
"Tôi mệt mỏi khi thế giới cảm thấy tiếc hay nói lời cảm thông với chúng tôi. Đừng cảm thấy tiếc nếu quý vị không muốn hành động", một phụ nữ bị giam giữ sau khi biểu tình ôn hòa chia sẻ.