Được tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn với hơn 250 công ty phát triển nhanh nhất thế giới, cuốn sách Global Class - Doanh nghiệp vươn tầm thế giới của hai tác giả Klaus Wehage và Aaron Daniel đã chia sẻ những bí quyết giúp các công ty vươn tới quy mô toàn cầu nhanh chóng hơn, đồng thời tận dụng tốt hơn các nguồn lực, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Klaus Wehage và Aaron McDaniel đều là những doanh nhân, cố vấn khởi nghiệp tại Mỹ. Klaus Wehage thường được gọi là “Đại sứ thung lũng Silicon” chuyên huấn luyện các giám đốc điều hành công ty, doanh nhân và lãnh đạo chính phủ, còn Aaron McDaniel là người sáng lập của hàng loạt công ty khởi nghiệp, trong đó có hệ sinh thái đổi mới toàn cầu 10X Innovation Lab.
Mười sai lầm khi mở rộng quy mô toàn cầu
Trong cuốn sách, Klaus Wehage và Aaron McDaniel cho biết “vươn toàn cầu” là điều không mới ở các doanh nghiệp nhưng vấn đề nay đã khác xưa. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần một cách tiếp cận mới để xây dựng tổ chức có quy mô toàn cầu. Ví dụ, trước đây, trong một thời gian dài, “vươn ra toàn cầu” được hiểu là “thuê ngoài”. Cách làm phổ biến là tìm kiếm một địa phương với lao động lành nghề giá rẻ (để hỗ trợ cho CNTT, sản xuất hoặc dịch vụ khách hàng). Đó là cách làm để giảm chi phí, chủ yếu tận dụng sự khác biệt lớn trong thị trường tiền lương.
Sách Global Class - Doanh nghiệp vươn tầm thế giới. Ảnh: APB. |
Trong vài thập niên trở lại đây, khi các nền kinh tế trên toàn thế giới đã tăng trưởng đều đặn và nhanh chóng thì việc hướng tập trung vào những thị trường quốc tế (ngoài những thị trường truyền thống) đem đến một cơ hội lớn hơn nhiều, từ lao động (đặc biệt là khoảng cách tiền lương đã giảm) cho đến khách hàng mục tiêu.
Ngày nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia nỗ lực mở rộng quy mô toàn cầu cũng đã thay đổi, họ không còn hoạt động đơn độc ở các thị trường địa phương nữa. Những công ty có ý thức về văn hóa đã xây dựng các nhóm điều hành ở địa phương và cân bằng hiệu quả giữa yêu cầu của trụ sở chính với đội ngũ ở thị trường địa phương.
Mặt khác tư duy của công ty toàn cầu ngày nay cũng thay đổi. So với tư duy truyền thống tư duy toàn cầu bao gồm việc áp dụng một tầm nhìn (tư duy toàn cầu ngay từ đầu), quan điểm mới về nhân tài và văn hóa (chiến lược làm việc phân tán), vai trò của trụ sở chính (trao quyền và hỗ trợ) và một chiến lược tổng thể (cách thức làm việc của địa phương).
Tuy nhiên, theo hai tác giả, việc mở rộng quy mô kinh doanh trên toàn cầu là một quá trình phức tạp. Phức tạp trong đo lường, theo dõi và thực hiện việc mở rộng một cách đúng đắn. Các công ty đang phải tự tìm lối đi cho mình để tìm kiếm những phương pháp, tuy nhiên họ vẫn không tránh những sai lầm khi mở rộng quy mô toàn cầu.
Trong cuốn sách, Klaus Wehage và Aaron McDaniel đã chỉ ra 10 sai lầm thường thấy khi mở rộng quy mô toàn cầu (hoặc ít nhất là khiến các công ty tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn) đó là: Cố gắng ra mắt nhiều thị trường cùng một lúc; Không có sự ủng hộ của lãnh đạo cao cấp hoặc các bộ phận liên chức năng; Sai lầm trong xây dựng nhóm; Duy trì tâm lý đối kháng giữa trụ sở chính và các đội ngũ ở địa phương;
Không xem xét lại quá trình phát triển của khách hàng và phương pháp agile khi nội địa hóa; Không quản lý những vấn đề phức tạp; Không điều chỉnh các kênh giao tiếp để phù hợp với lực lượng lao động làm việc phân tán; Không đầu tư thời gian và nguồn lực thích đáng cho tăng trưởng toàn cầu; Không xây dựng các cấu trúc và tạo động lực; Không phổ cập các giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp.
Klaus Wehage chỉ ra những sai lầm thường gặp trong quá trình mở rộng quy mô vươn tầm toàn cầu. Ảnh: APB. |
Ba chiến lược lớn của quá trình mở rộng quy mô toàn cầu
Từ việc phân tích những sai lầm khi mở rộng quy mô toàn cầu, hai tác giả đã đưa ra những cách thức xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu, cụ thể là ba chiến lược lớn của quá trình mở rộng quy mô toàn cầu (tương ứng với ba phần của cuốn sách): Đổi mới, Tăng trưởng quy mô, Trao quyền.
Ở Phần 1 “Đổi mới”, bạn đọc sẽ được học về tư duy của những công ty toàn cầu đang đi đầu trong kỷ nguyên kinh doanh mới, cũng như các doanh nhân toàn cầu, chất xúc tác đằng sau thành công của những công ty này.
Ở Phần 2 “Tăng trưởng quy mô”, cuốn sách vạch ra những cam kết mà các công ty toàn cầu phải thực hiện để hỗ trợ các kế hoạch tăng trưởng quốc tế; nêu bật tầm quan trọng của việc tận dụng một phiên bản toàn cầu của phương pháp agile để nội địa hóa các chiến lược tiếp cận và hoạt động thị trường; cũng như cách thức quản lý sự phức tạp và tạo ra cấu trúc tổ chức thuận lợi cho việc đạt được công ty phù hợp thị trường.
Phần ba “Trao quyền”, cuốn sách khám phá các trụ cột chính hỗ trợ tăng trưởng: xây dựng nhóm hiệu quả, mô hình quản lý trao quyền cho các nhóm địa phương và chiến lược để cân bằng văn hóa khi tiến tới tăng trưởng quy mô toàn cầu.
Từ thâm nhập thị trường đến tăng trưởng quốc tế, Global Class - Doanh nghiệp vươn tầm thế giới đã cung cấp một kế hoạch chi tiết về cách xây dựng và quản lý một doanh nghiệp toàn cầu và cung cấp một cuốn cẩm nang giúp các công ty vươn tới quy mô toàn cầu nhanh chóng và hiệu quả hơn.
John Brandon, cựu Phó chủ tịch mảng Kinh doanh Quốc tế Apple nhận định đây là “cuốn sách hướng dẫn hoàn hảo giúp bạn vượt qua những thách thức khi mở rộng ra thị trường toàn cầu”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.