Trong chính sách mới về Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden ưu tiên tập hợp các đồng minh toàn cầu để đối phó với chiến lược "ngoại giao bắt nạt" của Bắc Kinh.
Một ưu tiên khác của Nhà Trắng là bảo đảm Trung Quốc sẽ không giành được lợi thế lâu dài trong các ngành công nghệ cao tối quan trọng.
Nếu nhìn thoáng qua, dường như ông Biden đang đi theo con đường của người tiền nhiệm Donald Trump, đẩy hai cường quốc lớn nhất thế giới đi thẳng tới tình thế đối đầu.
Nhưng soi xét kỹ, chiến lược của chính quyền Biden nghiêng nhiều hơn về phía trực tiếp bác bỏ những quan điểm phổ biến trong gần 30 năm qua, theo New York Times. Điều nhằm chứng minh rằng ràng buộc kinh tế không đủ để xóa nhòa những xung đột căn bản giữa hai bên, như việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự, cũng như tham vọng lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh.
Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Los Angeles năm 2012. Ảnh: AFP. |
"Tiến nhanh hơn Trung Quốc"
Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng cách tiếp cận của người tiền nhiệm Trump - như kết hợp đòn đánh thương mại, nỗ lực cấm vận Huawei và TikTok, hay cuộc chiến truyền thông về virus corona - không thay đổi được hành vi của Bắc Kinh.
Washington dưới thời Biden giờ tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ có vai trò quan trọng với nền kinh tế, và năng lực quân sự trong tương lai lâu dài.
Cách tiếp cận của chính quyền Biden, như miêu tả của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, là "không cố cản bước Trung Quốc, mà tìm cách tiến lên nhanh hơn", thông qua đầu tư của nhà nước vào nghiên cứu công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng.
Cách tiếp cận mới của Washington được thử nghiệm lần đầu tiên khi ông Sullivan cùng Ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc gặp với Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Anchorage, Alaska hôm 18/3.
Cuộc gặp này đáng lẽ diễn ra từ lâu, nhưng được trì hoãn cho đến khi Mỹ đạt được thống nhất về chiến lược chung với các đồng minh, mà đáng chú ý nhất gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.
Mặt khác, cuộc gặp tại Alaska là cơ hội đầu tiên để Trung Quốc thể hiện quyết tâm sẽ cứng rắn với chính quyền mới của Mỹ. Đại diện Trung Quốc tận dụng cơ hội này để phản đối việc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.
Cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska hôm 18/3. Ảnh: Reuters. |
Một ngày trước khi cuộc gặp diễn ra, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên 24 quan chức ngoại giao Trung Quốc liên quan tới tình hình Hong Kong. Đây là nước cờ có ý đồ rõ ràng của Washington.
Trước đó, Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại Tokyo rằng Mỹ "sẽ phản ứng nếu cần thiết, khi Trung Quốc hành xử hung hăng hay cưỡng ép". Ông Blinken nói thêm đây là cách Trung Quốc đang hành xử gần như mỗi ngày, từ vấn đề Hong Kong, cho tới các tranh cãi với Australia hay Đài Loan.
Nhận thức mới, chính sách mới
Khi ông Biden còn là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, còn ông Tập Cận Bình vừa tiếp quản ghế lãnh đạo cao nhất đất nước, hai chính trị gia gặp nhau lần lượt ở Trung Quốc rồi Mỹ. Trước công luận, hai ông nói đối đầu là điều có thể tránh được.
Tình báo Mỹ khi đó đánh giá Chủ tịch Tập sẽ hành xử cẩn trọng, tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Nhưng giờ đây, Nhà Trắng kết luận tình báo Mỹ từng có những nhận định sai lầm về toan tính và sự quyết tâm của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đi kèm với nhận thức mới, cách tiếp cận mới của Washington cũng ngày càng rõ nét hơn. Đó là kết hợp giữa cam kết hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung, như biến đổi khí hậu, và đối đầu trực diện hơn về cạnh tranh công nghệ, quân sự trong vũ trụ và không gian mạng.
Hình hài của chiến lược mới hé lộ sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập hồi tháng 2.
Nhà Trắng kết luận tình báo Mỹ đã có những nhận định sai lầm về tính toán và sự quyết tâm của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Nhà Trắng cho biết ông Biden cảnh báo ông Tập không nên tin vào câu chuyện viển vông rằng nước Mỹ là cường quốc đã hết thời và đang dần suy yếu bởi chia rẽ chính trị nội bộ.
Chẳng bao lâu sau cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập nói với các quan chức Trung Quốc rằng Mỹ chính là "nguồn gốc của sự hỗn loạn lớn nhất trong thế giới hiện đại" và là "mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển và an ninh của đất nước".
Theo đánh giá của Washington, thông điệp từ Chủ tịch Tập hé lộ sự bất an của Bắc Kinh. Bất chấp những tiến bộ nhanh chóng về trang bị vũ khí mới và cả trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương bởi Mỹ kiểm soát những nền tảng công nghệ cơ bản.
Kết quả là hai nước đang chạy đua thiết lập chuỗi cung ứng riêng, giảm sự phụ thuộc vào đối phương, đảo ngược hoàn toàn tiến trình hội nhập kinh tế của 40 năm vừa qua.
Nhìn rộng hơn, nó cho thấy cấu trúc thế giới hậu Chiến tranh Lạnh - nơi lợi ích của hai siêu cường đan xen chặt chẽ với nhau - đang đi đến hồi kết.
"Không nghi ngờ gì nữa, quỹ đạo (của hai nước) thay đổi nhanh chóng. Về cơ bản, sự thiếu tin tưởng giữa hai bên là điều cực kỳ khó vượt qua", bà Elizabeth Economy, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Standford, nói.
Cách tiếp cận của chính quyền Biden trái ngược hoàn toàn với các cựu tổng thống tiền nhiệm của đảng Dân chủ.
Hơn 20 năm trước, phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Bắc Kinh, ông Bill Clinton nói một Trung Quốc giàu có hơn, được kết nối Internet, sẽ trở thành một đất nước dân chủ đa nguyên.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Obama nói về cách kiểm soát "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc. Giờ đây, sự trỗi dậy đó không còn "hòa bình" với nước Mỹ nữa.
Hồi kết của cấu trúc hậu Chiến tranh Lạnh
Không chỉ nhất trí rằng quan hệ hai nước đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi nhà nước Trung Quốc hiện đại thành lập, cả Washington và Bắc Kinh đều cảnh báo quan hệ có thể tiếp tục xấu đi.
Không lâu sau khi ông Biden đắc cử, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người đặt nền móng mở ra thời kỳ hợp tác Mỹ - Trung vào cuối thập niên 1970, nói hai nước đang ngày càng tiến tới đối đầu.
"Điều nguy hiểm là một số xung đột sẽ vượt quá phạm vi khẩu chiến mà trở thành xung đột quân sự thực sự", ông Kissinger nói với Bloomberg hồi tháng 11/2020.
Ba năm trước, tạp chí Foreign Affairs đăng tải bài viết có tựa đề "Sự kết thúc của cấu trúc hậu Chiến tranh Lạnh nơi hai siêu cường phải học cách chung sống - và kết quả của thế giới đó".
Trong bài viết, hai tác giả Kurt Campbell và Ely Ratner cho rằng Washington "đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc về sự đối đầu trực tiếp với Mỹ, hay sử dụng sức mạnh kinh tế để viết lại luật chơi thương mại và công nghệ theo hướng có lợi cho mình". Họ nói Mỹ đã không "phát hiện bản chất dân tộc chủ nghĩa độc đoán" của giới lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải.
Chính quyền mới của ông Biden vẫn quyết tâm loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi việc phát triển mạng 5G ở phương Tây. Ảnh: CNN. |
Hôm nay, ông Campbell đang là điều phối viên chính sách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Trong khi đó, ông Ratner phụ trách chính sách châu Á tại Lầu Năm Góc. Ông này đang gấp rút hoàn thành một dự án của Bộ Quốc phòng để đánh giá cạnh tranh quân sự Mỹ - Trung.
Chính quyền mới của Tổng thống Biden chỉ trích người tiền nhiệm Donald Trump không có một chiến lược rõ ràng để xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Khi đó, ông Trump cùng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nhiều lần đe dọa các nước đồng minh đang đàm phán lắp đặt hệ thống viễn thông 5G của Huawei, rằng họ sẽ bị loại bỏ khỏi mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ bởi lo ngại nguy cơ dữ liệu nhạy cảm bị rò rỉ cho Trung Quốc.
Thế nhưng, chính quyền Trump không có giải pháp thay thế nào cho các nước đồng minh, bởi các công ty Mỹ hầu như rời khỏi cuộc chơi 5G.
Chính quyền Biden giờ có một cách tiếp cận khác. Washington đang đề nghị các nước phương Tây, dựa trên phần mềm mã nguồn mở của Mỹ, và các thiết bị phần cứng của Nokia và Ericsson, tạo ra mạng viễn thông an toàn hơn, thay thế mạng viễn thông do các công ty Trung Quôc xây dựng.
Dẫu vậy, sự kết hợp này đòi hỏi hợp tác giữa cả khu vực công và tư - điều hiếm khi xảy ra trong thời bình và cần nhiều thời gian.
Hiện chưa rõ các nước phương Tây có tiếp tục làm ăn với công ty viễn thông Trung Quốc hay không, trong bối cảnh Bắc Kinh đang sử dụng mọi chiến thuật, kể cả ngoại giao vaccine, để giúp Huawei thâm nhập thị trường.
Ông Biden cũng cho rằng nỗ lực của người tiền nhiệm để cấm TikTok và buộc công ty này bán lại hoạt động tại Mỹ là một bước đi hấp tấp, dễ phản tác dụng nếu bị khởi kiện. Ông Biden hiện theo đuổi chiến lược khác, tập trung rà soát các phần mềm sẽ được người Mỹ cài đặt.
"Chiến tranh Lạnh chủ yếu là cạnh tranh về quân sự. Nhưng cạnh tranh thời hiện đại sẽ là về công nghệ", ông Campbell nói. Cuộc chiến hiện nay sẽ là mạng lưới 5G, trí tuệ nhân tạo, máy tính điện tử, robot và khoa học con người.
Cạnh tranh trong những lĩnh vực này đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có tham vọng và đầu tư mạnh tay để bảo đảm giữ được vị trí "dẫn đầu", Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nói.
Một số khía cạnh trong chính sách của ông Trump, gồm thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, sẽ được coi là công cụ để sử dụng khi cần thiết.
Nhưng rõ ràng Tổng thống Biden sẽ không đi theo con đường mà cựu Ngoại trưởng Pompeo từng tuyên bố hồi tháng 10/2020, đó là "nếu tạo ra đủ áp lực, chính quyền Trung Quốc sẽ sụp đổ".