Trung Quốc dự tính ép Mỹ đảo ngược nhiều chính sách nhắm vào Bắc Kinh từ thời Tổng thống Donald Trump, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai bên kể từ khi Tổng thống Biden đắc cử.
Cuộc gặp tại Alaska ngày 18/3 là cơ hội để hai nước khôi phục mối quan hệ đã trải qua nhiều sóng gió, theo Wall Street Journal.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đối đầu trong hầu hết lĩnh vực, từ phát triển công nghệ, nhân quyền, thương mại cho đến ảnh hưởng quân sự ở châu Á.
Chương trình nghị sự khác biệt
Các quan chức Mỹ nói cuộc gặp là cơ hội để phàn nàn về hành động của Trung Quốc, như cắt giảm quyền tự do ở Hong Kong, tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông, gây áp lực kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ, vi phạm sở hữu trí tuệ và xâm phạm an ninh mạng.
Mỹ cũng có kế hoạch đánh tiếng với các quan chức Trung Quốc về cách hai nước có thể hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình trong kỳ họp Lưỡng hội vào tuần trước. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đưa ra một chương trình nghị sự khác, hầu như không hề có điểm chung với Washington. Đây là dấu hiệu cho thấy hai bên đang cách xa thế nào và việc sửa chữa mối quan hệ sẽ khó khăn ra sao.
Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương, và Ngoại trưởng Vương Nghị dự tính thúc giục Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan hủy bỏ những lệnh trừng phạt và hạn chế đối với các thực thể và cá nhân Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc cũng có kế hoạch đề xuất nối lại các cuộc gặp cấp cao thường xuyên giữa hai bên và sắp xếp hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden vào tháng 4, trong khuôn khổ hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Chương trình nghị sự rộng của Trung Quốc phản ánh sự tự tin lớn hơn ở Bắc Kinh, vốn trước đây chủ yếu thông qua các cuộc gặp cấp cao để phản ứng với các chính sách của Mỹ.
"Trung Quốc cảm thấy rằng con thuyền của họ đang được gió đẩy đi, phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang lụi tàn", Daniel Russel, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nói.
Các chính sách mà Trung Quốc muốn đảo ngược bao gồm việc hạn chế bán hàng cho các công ty Trung Quốc như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies và nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC); hạn chế thị thực đối với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, sinh viên Trung Quốc và các nhà báo làm việc cho truyền thông nhà nước; cũng như việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách đánh vào thực thể và cá nhân Mỹ với các chính sách tương tự.
Những người hiểu biết về kế hoạch của Trung Quốc nói nếu những hạn chế đó được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, Trung Quốc sẽ xem xét loại bỏ các chính sách trả đũa của họ.
Ông Dương và ông Vương, hai nhà ngoại giao cấp cao nhất Trung Quốc, dự định đề xuất khuôn khổ mới để thiết lập các cuộc gặp định kỳ, hàng năm giữa hai nước, nhằm khắc phục những bất đồng về kinh tế, thương mại, an ninh, cũng như trong lĩnh vực khác.
Dưới thời Tổng thống George W. Bush, hai nước đã thiết lập cơ chế gọi là "đối thoại chiến lược". Cơ chế này được duy trì trong những năm Obama, khi ông Blinken và ông Sullivan là những quan chức hàng đầu về chính sách đối ngoại.
Tổng thống Trump hủy bỏ cơ chế này vì các cố vấn của ông nói Trung Quốc đã sử dụng cơ chế để trói buộc người Mỹ vào các cuộc thảo luận bất tận. Chính quyền Biden cho đến nay chưa thể hiện bất cứ sự quan tâm nào trong việc nối lại các cuộc gặp.
Dàn xếp hội nghị thượng đỉnh
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden đã hạ thấp kỳ vọng rằng cuộc họp ở Alaska sẽ dẫn đến bất kỳ thỏa thuận nào. Quan chức này nói đây là cuộc gặp diễn ra một lần, không báo hiệu "việc nối lại cơ chế đối thoại cụ thể hay bắt đầu quá trình đối thoại".
Ông Russel, cựu quan chức thời Obama, hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết Bắc Kinh cũng có thể không mong đợi bất kỳ kết quả cụ thể nào. Thay vào đó, người Trung Quốc "sẽ cố gắng hiểu rõ hơn về việc người Mỹ đang nghĩ mối quan hệ sẽ đi đến đâu và điều gì có thể xảy ra", ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn tiếp tục một số chính sách của ông Trump, bao gồm việc mở rộng trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc hôm 16/3 vì vấn đề Hong Kong.
Hôm 17/3, Bộ Thương mại Mỹ đã tống đạt trát hầu tòa đối với nhiều công ty Trung Quốc, trong nỗ lực nhằm vào những công nghệ và dịch vụ có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Các quan chức Trung Quốc có kế hoạch sắp xếp hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden nhân dịp hai nhà lãnh đạo cùng tham gia hội nghị toàn cầu về khí hậu vào ngày 22/4, Ngày Trái Đất.
Cả hai bên đều cho biết họ sẵn sàng làm việc cùng nhau để chống lại sự nóng lên toàn cầu và các vấn đề khác liên quan đến khí hậu, mặc dù Mỹ cảnh giác trước việc Trung Quốc lợi dụng vấn đề khí hậu để khiến Mỹ lùi bước trong các lĩnh vực khác.
Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện một lần kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc nói chuyện kéo dài hai giờ, theo ông Biden.
Trung Quốc cũng có kế hoạch đề xuất hai nước xây dựng "hộ chiếu vaccine" để xác minh bằng chứng của việc tiêm chủng. Các quan chức Trung Quốc hy vọng điều này có thể giúp tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước.