Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến đấu tính trong một số cổ tục Việt Nam

Những cổ tục này góp phần duy trì, biểu dương và phát huy tinh thần thượng võ, ý chí quật cường, bất khuất của người Việt Nam.

Tranh dân gian Đông Hồ miêu tả đấu vật tại Việt Nam. Nguồn: wikipedia.

Tinh thần đấu tranh của dân tộc ta vững bền trải qua bao nhiêu thế hệ, và chính nhờ tinh thần đấu tranh, dân tộc ta đã vững nuôi ý chí quật cường đủ ngăn chặn mọi cuộc xâm lăng từ phương Bắc và dần dần mở rộng cõi bờ về phương Nam.

Chúng ta đã vùng vẫy chiến đấu, thoát ách đô hộ hơn một nghìn năm của người Tàu, và chúng ta luôn nổi dậy trong tám chục năm thống trị của người Pháp. Dân tộc Việt Nam luôn luôn có tinh thần chiến đấu, và chiến đấu tính đã được thể hiện trong rất nhiều cổ tục của ta, những cổ tục này mỗi năm với dịp hội hè đình đám được biểu diễn lại như nung nấu ý chí quật cường, như nuôi dưỡng sức đấu tranh bền bỉ của dân ta.

Thực vậy, những cổ tục đầy chiến đấu tính, và ta có thể nói thêm, đầy thể thao tính theo danh từ mới ngày nay, đã luôn luôn duy trì, biểu dương và phát huy tinh thần thượng võ, ý chí quật cường, bất khuất của người Việt Nam.

Đọc lại lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy từ ngày lập quốc, lịch sử đất nước luôn là một sự tranh đấu liên tiếp chống lại ngoại bang đe dọa sự sống còn của dân tộc ta. Những cổ tục mang nặng chiến đấu tính, được dân ta gọi là chiến đấu hí, trò chơi đánh nhau, chính là một phương sách để nuôi dưỡng tinh thần thượng võ trong thời bình.

Sự nuôi dưỡng này nhiều khi đã được bộc lộ bằng những trò chơi mạnh mẽ, kịch liệt đến thô bạo như tục Quật bò ở xã Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), hoặc như tục đánh bệt ở xã Kẻ Noi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hải Hưng, hoặc như tục Đánh nhau thật sự của ba xã Yên Lũng, Vân Lũng và Yên Thọ với xã Thượng Ốc, bốn xã này đều thuộc tỉnh Hà Đông, hoặc như tục Đấm nhau của dân Duyên Tục, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình.

Bên những cổ tục với chiến đấu tính biểu lộ một cách kịch liệt đến thô bạo, có những cổ tục công năng mang chiến đấu tính, nhưng chiến đấu tính ở đây được thể hiện dưới hình thức như những cuộc tranh đấu thể thao ngày nay: Tục đánh Phết ở làng Thượng Lạp, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, tục đánh vật tại các Hội hè Vùng Vĩnh Yên Bắc Ninh, Hà Đông (Hà Tây), Nam Định (Hà Nam Ninh), tục đánh Trung bình tiên tại các hội quê, tỉnh Thái Bình, Vĩnh Yên, tục Thi thuyền tại xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên hoặc xã Vân Trung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú)... […]

Chúng tôi cũng xin nói thêm, qua những cổ tục đầy chiến đấu tính này dân tộc chúng ta đã có một tinh thần ganh đua, ganh đua để cầu tiến, không phải ganh đua để thỏa mãn tính hiếu thắng. Có tinh thần ganh đua, tất nhiên ganh đua để sao cho được hơn người, với tinh thần này, chúng ta sẵn sàng chuẩn bị để đối phó với mọi biến cố, nhất là những cuộc xâm lăng của ngoại tộc.

Nói như vậy không phải là dân Việt Nam chúng ta hiếu chiến, dân ta không hiếu chiến mà trái lại rất ưa chuộng hòa bình, sự ưa chuộng hòa bình này đã hiển hiện trên các địa danh của đất nước ta suốt từ Nam ra Bắc: Biên Hòa, Nghệ An, Hòa Bình, Cao Bằng, Kiến An...

Ưa hòa bình nhưng nỗ lực chiến đấu khi cần thiết và để chuẩn bị cho sự nỗ lực này, dân ta nuôi dưỡng tinh thần thượng võ qua một số các cổ tục.

Toan Ánh / NXB Trẻ

SÁCH HAY