Năm 2018, khi tác phẩm Chiếc xe đạp mất cắp (Nguyễn Tú Uyên dịch) của Wu Ming-Yi được đề cử vào danh sách giải International Man Booker, độc giả nhận ra có một nền văn học đã tồn tại và phát triển gần chúng ta đến thế mà cũng xa lạ với ta đến thế.
Chính vì vậy, tiểu thuyết Chiếc xe đạp mắt cắp của Wu Ming-Yi trở thành một đại diện tiêu biểu, bao quát về lịch sử, phong thổ, tâm tính, bằng cách dùng ngôn ngữ tái dựng đời một con người để phóng chiếu ra vạn con người, gắn mình với những biến cố trải dài trong 100 năm từ đầu thế kỷ XX vắt sang đầu thế kỷ XXI.
Lấy chiếc xe đạp mất cắp làm cớ, Wu Ming-Yi bắt đầu hành trình đi tìm kiếm chiếc xe đạp mang tên "Hạnh phúc" để làm mối dây xâu chuỗi các câu chuyện, sự kiện lịch sử xảy ra trên hòn đảo. Từng chương một nối lời nhau để cất lên khúc ca vừa mãnh liệt vừa bi thiết lại trào lộng.
Đài Loan (Trung Quốc) được khắc họa như thể cả quá khứ và đồng hiện, nơi mà thế giới tâm linh và hiện thực ngồn ngộn của đời sống quyện chặt với nhau, bằng bút pháp nhuần nhuyễn chuyển dịch từ không gian hiện thực sang không gian huyền ảo.
Bìa sách “Chiếc xe đạp mất cắp” xuất bản tại Việt Nam |
Độc giả như đứng trên cái lằn ranh hư ảo ấy, với từng không - thời gian chồng chéo lên nhau để nhà văn dẫn dắt qua lại mà vẫn không lạc lối trong những câu chuyện rời rạc như từng mảnh ghép cấu thành bức tranh tổng thể lịch sử, văn hóa Đài Loan.
Không gian mà Wu Ming-Yi miêu tả gợi chúng ta nhớ đến một Đài Loan chuyển mình trong cơn bão lịch sử từng thấy trong các phim điện ảnh: "Bi tình thành thị" (1989), "Hỷ mộng nhân sinh" (1993) và "Hảo nam hảo nữ" (1995) của Hầu Hiếu Hiền; hay tác phẩm kinh điển "A Brighter Summer Day" (1991) và "Nhất Nhất" (2000) của đạo diễn Dương Đức Xương.
Một hòn đảo nơi con người được vây bọc bởi thiên nhiên trong bầu không khí bị đe dọa bởi những biến thiên của thời cuộc.
Trong thế giới ấy, chiếc xe đạp biểu trưng cho sự văn minh, tân thời, rằng có một giai đoạn mà việc một chiếc xe đạp bình thường bị mất trở thành tin tức chấn động, được báo chí đưa tin.
Cái tài tình của nhà văn ở chỗ đã khuếch đại những điều bình thường ấy lên, lộn trái chúng, để thấy ẩn sau mỗi con người, mỗi sự kiện tưởng chừng trôi tuột đi là cả một tự sự đang chờ đợi được lắng nghe.
Nhà văn Wu Ming-Yi tâm sự trong lời cuối sách: "Tôi viết cuốn sách này không bắt nguồn từ nỗi niềm thương cảm hoài cổ, mà xuất phát từ sự tôn trọng dành cho thời đại tôi chưa từng trải qua và tấm lòng dành cho những trải nghiệm không thể lặp lại trong cuộc đời.
Thông qua câu chuyện bắt đầu từ việc tìm xe đạp, vô tình bước vào dòng chảy của một quãng thời gian nào đó, tôi hy vọng người đọc và nhân vật trong sách có thể cảm nhận được tình cảm, nhịp độ khi nhấn bàn đạp, mùi mồ hôi và hơi thở hổn hển, nỗi đau rơi nước mắt và không rơi nước mắt của nhau".