Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiếc drone thuộc loại đa chức năng nhất của Mỹ rơi xuống Biển Đen

Chiếc MQ-9 Reaper, bị rơi xuống Biển Đen hôm 14/3, được coi là máy bay không người lái đa chức năng nhất của Mỹ, với khả năng trinh sát và tấn công.

Một chiếc MQ-9 Reaper thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam Afghanistan. Ảnh: Không quân Mỹ.

Chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã rơi xuống Biển Đen sau khi bị hệ thống kiểm soát không phận Nga phát hiện. Điều này đã làm dấy lên lo ngại, theo Guardian.

Vào sáng ngày 14/3, máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ đã mất kiểm soát và rơi xuống Biển Đen sau khi ngoặt gấp, TASS đưa tin. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các máy bay chiến đấu của họ không sử dụng vũ khí, cũng như không tiếp xúc với chiếc UAV trên.

Trong khi đó, quân đội Mỹ nói hai máy bay phản lực Su-27 của Nga đã có hành động đánh chặn và bay phía trước chiếc UAV một cách không an toàn. Sau khoảng 30-40 phút, một trong hai máy bay phản lực đã va chạm với UAV, quân đội Mỹ nói.

Đặc điểm của máy bay MQ-9 Reaper

MQ-9 Reaper là loại máy bay không người lái cỡ lớn do nhà thầu quân sự General Atomics sản xuất.

UAV Reaper được trang bị cảm biến hình ảnh và camera giúp chúng thực hiện nhiệm vụ trinh sát một cách hiệu quả. Chúng được điều khiển từ xa bởi phi công và người vận hành cảm biến trên mặt đất, thường cách xa UAV.

Phi công điều khiển quá trình cất cánh, đường bay và hạ cánh, trong khi người điều khiển cảm biến vận hành camera và thiết bị giám sát.

Máy bay này dài 11 m với sải cánh hơn 22 m. Không quân Mỹ cho biết mục đích sử dụng chính của nó là thu thập thông tin tình báo, đồng thời nêu bật khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào "những mục tiêu có giá trị cao và nhạy cảm với thời gian".

Reaper có thể mang theo tới 16 tên lửa Hellfire, tương đương với tải trọng của một trực thăng Apache.

Reaper, giống như các UAV khác, có thể bay ở độ cao 15 km và lảng vảng quanh các mục tiêu trong khoảng 24 giờ, khiến chúng trở nên hữu ích cho các nhiệm vụ giám sát.

Trong năm 2018, MQ-9 Reapers đã bay tổng cộng 325.000 giờ cho Không quân Mỹ, 91% trong số đó là hỗ trợ các hoạt động chiến đấu.

MQ-9 Reaper được coi là máy bay không người lái đa chức năng nhất của Mỹ. Nó có thể đạt tốc độ tối đa hơn 400 km/h, cũng như ở trên không trong 24 giờ, theo TASS.

Mặc dù Reaper có thể thả bom và phóng tên lửa, tốc độ chậm và việc thiếu vũ khí phòng thủ khiến nó tương đối dễ bị bắn hạ, theo New York Times.

Máy bay không người lái phổ biến như thế nào?

UAV đã được sử dụng thường xuyên từ năm 1995, khi Predator - tiền thân của Reaper - được triển khai để hỗ trợ các cuộc không kích của NATO ở Serbia. Predator được nhiều người biết đến trong các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, với “những cuộc tấn công chính xác”.

Predator đã bị ngưng sử dụng vào năm 2017, khi Reaper trở thành máy bay không người lái chủ lực của Không quân Mỹ.

Việc sử dụng UAV hiện phổ biến đến mức vào năm 2017, số nhân sự vận hành UAV của Không quân Mỹ nhiều hơn số lượng phi công vận hành những loại phương tiện khác.

Vào thời điểm đó, có 1.000 phi công điều khiển máy bay không người lái, so với 889 phi công lái máy bay vận tải C-17 và 803 người lái máy bay F-16.

Máy bay không người lái được sử dụng như thế nào?

Máy bay không người lái Reaper được Mỹ triển khai tới khu vực Biển Đen chỉ được sử dụng để giám sát. Tuy nhiên, vào năm ngoái, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Không quân đang xem xét bán máy bay không người lái Reaper cũ hơn cho Ukraine.

Những lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm và nguy cơ một số sẽ bị bắn hạ đã khiến những cuộc thảo luận về vấn đề đó "đóng băng".

Việc sử dụng UAV bên ngoài các vùng xung đột - vốn được đẩy mạnh dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - đã gây tranh cãi.

Theo Cục Báo chí Điều tra (BIJ), đã có tổng cộng 563 cuộc không kích, phần lớn bằng máy bay không người lái, ở Pakistan, Somalia và Yemen trong hai nhiệm kỳ của ông Obama, so với 57 cuộc không kích dưới thời ông George Bush.

Những quốc gia nào sử dụng UAV Reaper?

Cho đến nay, chính phủ Mỹ mua nhiều máy bay không người lái Reaper nhất. Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, không quân nước này đã ký hợp đồng mua 366 chiếc Reaper kể từ năm 2007, với chi phí trung bình là 28 triệu USD.

Anh cũng đã triển khai Reaper và Predator để hỗ trợ các chiến dịch của họ trong nhiều năm. Không quân Hoàng gia Anh có 9 Reaper đang hoạt động.

Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản và Hà Lan cũng vận hành máy bay không người lái Reaper.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác đã triển khai UAV với những thiết kế khác nhau. Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển các chương trình của riêng họ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay không người lái uy lực để chống lại các nhóm người Kurd.

Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp máy bay không người lái của riêng mình cho một loạt quốc gia, bao gồm UAE, Ai Cập, Nigeria, Saudi Arabia và Iraq.

Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine

Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.
Bài liên quan

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm