Chất lượng không khí ở Chiang Mai một ngày hồi tháng 3. Ảnh: AP. |
Thống đốc tỉnh Chiang Mai Nirat Pongsittitavorn ra tuyên bố kêu gọi người dân ở trong nhà và làm việc tại nhà để "bảo vệ bản thân và giảm tác động sức khỏe" từ các hạt bụi mịn PM2.5, AFP đưa tin.
Thai PBS World dẫn tuyên bố đưa tin khu vực tư nhân và nhà nước được yêu cầu cho phép nhân viên làm việc tại nhà, đồng thời được khuyến nghị tổ chức các cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến.
Các địa điểm vui chơi giải trí, quán ăn được yêu cầu ưu tiên bố trí phòng máy lạnh cho khách hàng.
Những trung tâm chăm sóc trẻ em không có điều hòa đều được yêu cầu tạm dừng lớp học, trong khi các địa điểm tổ chức hoạt động ngoài trời ở công viên công cộng được yêu cầu đóng cửa.
Khói từ các vụ cháy rừng và do nông dân đốt rơm rạ đã bao phủ điểm du lịch nổi tiếng Thái Lan trong những tuần gần đây.
Vào sáng 7/4, trang web giám sát không khí IQAir đã xếp hạng Chiang Mai là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt xa các điểm nóng thông thường như Delhi và Lahore.
Theo IQAir, nồng độ PM2.5 - các hạt bụi mịn nguy hiểm, nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào máu - cao hơn 66 lần so với hướng dẫn hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thái Lan đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng kể từ đầu năm. Nước này sản xuất mía đường và lúa gạo lớn, nên cứ đến mùa là nông dân lại đốt trên đồng ruộng với nhiều mục đích khác nhau, theo Guardian.
Gần 2 triệu người phải nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí trong năm nay, theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan.
Các quan chức trước đó từng cảnh báo người dân Bangkok ở trong nhà và làm việc tại nhà vào tháng 2 khi thủ đô bị bao phủ bởi khói mù độc hại.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.