Virus corona chủng mới đang khiến cả thế giới vật lộn để ngăn chặn. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề này, một số quốc gia dường như đang cố gắng giải mã dịch bệnh này bằng cách xét nghiệm cho người dân trên diện rộng.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch virus corona chủng mới lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc phong tỏa một tỉnh 60 triệu dân để ngăn chặn dịch bệnh, Hàn Quốc lại không áp dụng lệnh phong tỏa nào. Thay vào đó, nước này cho xét nghiệm hàng trăm nghìn người ở mọi nơi, từ phòng khám cho đến trạm giao thông.
Biện pháp này dường như có tác dụng khi tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Hàn Quốc thấp hơn mức trung bình. Tại tâm dịch Daegu, sự bùng phát dịch cũng đang được kiềm chế. Trong ba ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc có xu hướng giảm, theo Bloomberg.
Nhân viên khử trùng khu ổ chuột tại Seoul hôm 3/3. Ảnh: Getty. |
Kinh nghiệm từ dịch MERS
Đây là biện pháp rút ra từ kinh nghiệm cay đắng trong lịch sử.
Trong đợt bùng phát dịch MERS năm 2015 khiến 38 người Hàn Quốc tử vong, do không có bộ dụng cụ xét nghiệm nên bệnh nhân đã đi khắp các bệnh viện để được trợ giúp, khiến virus lây lan.
Kể từ đó, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống cấp phép nhanh chóng cho các bộ dụng cụ xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra đại dịch.
Khi Covid-19 mới xuất hiện, hệ thống này cho phép cơ quan quản lý nhanh chóng hợp tác với công ty công nghệ sinh học và giới nghiên cứu để phát triển bộ xét nghiệm, dựa trên chuỗi di truyền của virus do Trung Quốc công bố vào giữa tháng 1. Các công ty sau đó đã được cấp chứng nhận để sản xuất và bán bộ dụng cụ trong vòng vài tuần, trong khi quá trình này thường mất một năm.
Lee Hyukmin, Giám đốc của Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y học Hàn Quốc và là giáo sư tại Bệnh viện Yonsei Severance, cho biết trong khoảng thời gian ngắn, Hàn Quốc sử dụng bộ dụng cụ có độ chính xác trên 95% để tiến hành xét nghiệm virus corona cho hơn 140.000 người.
Cách làm này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia khác như Nhật Bản và Mỹ. Quy trình xét nghiệm tại các nước này không đáng tin cậy và không được triển khai đầy đủ dẫn đến hàng nghìn bệnh nhân bị nhiễm bệnh không được cách ly.
Xét nghiệm trên diện rộng giúp Hàn Quốc xác định được tâm dịch và cho đến nay, họ đã tương đối ngăn chặn được dịch bệnh tiếp tục lây lan ra ngoài tâm dịch Daegu. Tại thủ đô Seoul, nơi sinh sống của 10 triệu người, chỉ có 103 trường hợp nhiễm bệnh.
Lái xe được xét nghiệm Covid-19 tại một chốt giao thông ở Goyang, Hàn Quốc, hôm 29/2. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Moon Jae In hôm 3/3 "tuyên chiến" với dịch Covid-19. Chính quyền ông Moon đang coi việc xét nghiệm cho người dân trên diện rộng là giải pháp.
Chẩn đoán sớm được coi là biện pháp giúp bệnh nhân được điều trị sớm, khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm xuống dưới 1%, thấp hơn so với một số quốc gia có dịch khác.
Giáo sư Lee cho biết: "Virus corona chủng mới rất dễ lây lan. Ngay cả người không có triệu chứng bệnh cũng có thể truyền bệnh. Điều này khiến cho công tác ngăn chặn dịch lây lan là rất khó khăn. Nếu không có đủ khả năng xét nghiệm, tỷ lệ tử vong sẽ cao vì phổi sẽ bị tổn thương nếu không được điều trị kịp thời".
Sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ xét nghiệm
Hồi cuối tháng 2, khi sự bùng phát dịch Covid-19 ở Hàn Quốc bắt đầu tăng tốc, bốn công ty địa phương đã được cấp phép bán bộ dụng cụ xét nghiệm virus. Hiện Hàn Quốc có thể xét nghiệm cho hơn 10.000 người mỗi ngày. Ở nước láng giềng Nhật Bản, chỉ có 2.684 người được xét nghiệm tính đến ngày 3/3.
Xét nghiệm có kết quả sau vài giờ, với tỷ lệ chính xác trên 90% và tương đối dễ quản lý. Các quan chức ở Seoul đã bắt đầu vận hành các trạm xét nghiệm tại các chốt giao thông tại ba quận. Người dân có thể được xét nghiệm mà không cần rời khỏi xe.
Các nhà sản xuất cũng đang xuất khẩu bộ dụng cụ này tới Trung Quốc, Châu Âu và Pakistan.
Công ty Seegene có trụ sở tại Seoul đã bắt đầu phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1.
"Đó là một khoản đầu tư mạo hiểm khi bắt đầu phát triển bộ dụng cụ này, vì chúng tôi không chắc dịch bệnh sẽ lây lan như thế nào vào thời điểm đó. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải đóng góp cho xã hội", ông Park Yo Han, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Seegene, cho biết.
Bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 do công ty Seegene sản xuất. Ảnh: Seegene. |
Trong khi các đại gia dược phẩm như Roche Holding AG cũng đã phát triển bộ xét nghiệm cho Covid-19, Seegene sử dụng hệ thống sản xuất tự động với trí tuệ nhân tạo để tạo ra bộ dụng cụ với thời gian xét nghiệm nhanh hơn, theo ông Shin Jae Hoon, nhà phân tích của Hanwha Investment & Securities Co.
Bộ dụng cụ xét nghiệm được sản xuất hàng loạt ở Hàn Quốc cũng phản ánh vị thế của nước này như một cường quốc công nghệ cao, với nhiều sản phẩm như chip điện tử và màn hình OLED. Hàn Quốc ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ hơn so với các nước đối thủ như Nhật Bản và Đức.
Bài học kinh nghiệm cho các nước
Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và kết quả xét nghiệm không chính xác khiến hàng nghìn bệnh nhân không được nhập viện trước khi họ lây truyền virus cho người khác.
"Trung Quốc sử dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội để đối phó với dịch bệnh, nhưng điều đó sẽ khó nhân rộng ở hầu hết quốc gia và có thể gây ra hậu quả kinh tế bất lợi", Ben Cowling, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết.
Nhật Bản đang đối mặt chỉ trích vì không tiến hành xét nghiệm hiệu quả và trên diện rộng. Hai hành khách từ tàu Diamond Princess, "ổ dịch nổi" đậu ngoài khơi cảng Yokohama, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi trở về nhà. Các quan chức địa phương từ Tokyo đến các quận xa hơn như Wakayama cho biết họ không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm.
Xe bus chở hành khách từ du thuyền Diamond Princess tại Yokohama hôm 19/2. Ảnh: Getty. |
Với 126 trường hợp nhiễm bệnh và 12 ca tử vong vì Covid-19, Mỹ đang làm dấy lên nghi ngờ rằng nước này không tiến hành xét nghiệm đầy đủ. New York và Florida phản ánh về các xét nghiệm sai và thiếu nguồn cung y tế. Chưa đến 2.000 người tại Mỹ được xét nghiệm Covid-19 cho tới cuối tuần qua.
Kịch bản tương tự đang diễn ra tại các điểm nóng khác như Iran và Italy. Raina MacIntyre, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales, cho biết xét nghiệm trên diện rộng phản ánh hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra lâu hơn nhận định. "Tại Mỹ, một số ca bệnh không xác định được nguồn gốc lây nhiễm cho thấy lây lan trong cộng đồng là rất đáng lo ngại", bà nói.
Đối với Hàn Quốc, xét nghiệm trên diện rộng giúp nước này kiểm soát được quy mô của dịch bệnh, nhưng một khi được chẩn đoán nhiễm virus, bệnh nhân cần phải được cách ly và điều trị. Ở Daegu, giường bệnh đang cạn kiệt và người dân tỏ ra bức xúc vì thiếu khẩu trang và vật tư y tế.
"Chúng tôi đang xét nghiệm cho người dân ở quy mô lớn nhất, với tốc độ nhanh nhất trên thế giới và công bố kết quả một cách minh bạch và ngay lập tức cho công chúng", Tổng thống Moon nói trong bài phát biểu hôm 3/3. "Chúng tôi tin rằng đây là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm hiện nay để ngăn chặn sự lây lan hơn nữa trong cộng đồng".