Ngày 19/6, những người ủng hộ phe ông Macron bàng hoàng khi những thành viên cấp cao trong đảng, bao gồm Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand và Chủ tịch đảng LREM - đảng của ông Macron - Christophe Castaner, mất ghế trong cuộc bầu cử quốc hội nước này.
Điều tương tự cũng xảy ra với Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon và Bộ trưởng Môi trường Amelie de Montchalin. Việc không còn là nghị sĩ quốc hội có thể khiến hai bộ trưởng gặp sức ép phải từ chức.
Liên minh "Ensemble" (ENS) của Tổng thống Macron chỉ giành được 245 ghế, giảm 100 ghế so với khóa trước, trong khi đảng cầm quyền cần 289 ghế để có thể thông qua các dự luật mà không gặp nhiều trở ngại.
Cuộc bầu cử lần này còn thể hiện sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng dành cho những đảng phái cực tả hoặc cực hữu. Liên minh cực tả NUPES đã giành được 131 ghế, trong khi Liên minh Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen - đối thủ chính của ông Macron trong kỳ bầu cử tổng thống hồi tháng 4 - giành được 89 ghế, tăng vọt so với 6 ghế của khóa trước.
Với số ghế tại Quốc hội Pháp khóa mới, liên minh ENS của Tổng thống Macron phải hợp tác với những đảng khác, nếu muốn các cải cách của mình được thông qua.
Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết ENS sẽ làm việc để mở rộng sự ủng hộ trong quốc hội và xây dựng "hành động của đa số". "Điều này nhằm đảm bảo sự ổn định cho đất nước và thực hiện những cải cách cần thiết".
Ông Macron thất thế
Việc đảng cầm quyền của tổng thống Pháp không thể giành đủ 289 ghế là điều chưa từng có tiền lệ trong 40 năm qua. Với 245 ghế, liên minh ENS vẫn là đảng lớn nhất, nhưng sẽ rất khó để hoạt động trơn tru.
Khi vào hoạt động, quốc hội này nhiều khả năng bị tê liệt, và ông Macron sẽ khó thông qua được luật nào, chẳng hạn kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của ông.
Ông Macron gặp người dân bên ngoài phòng bỏ phiếu bầu cử quốc hội ngày 19/6. Ảnh: Reuters. |
Kết quả tại quốc hội buộc ông Macron phải tìm cách liên minh với các đảng đối thủ. Đảng Cộng hòa (LR) - một đảng cánh hữu truyền thống với 61 ghế - được cho là đồng minh tiềm năng và là mấu chốt trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron.
Vào hôm 20/6, những lập trường trái chiều đã xuất hiện trong nội bộ đảng LR về việc có nên liên minh với phe ông Macron. Tuy vậy, Chủ tịch đảng Cộng hòa Christian Jacob cho biết LR “vẫn là đảng đối lập”.
Nếu không lập một liên minh chính thức, ENS có thể thỏa hiệp với đảng Cộng hòa trong các dự luật cụ thể nhằm đạt được đồng thuận.
Ngoài ra, ông Macron cũng có thể "vượt mặt" quốc hội, với việc thủ tướng do ông bổ nhiệm có thể thông qua dự luật mà không cần quốc hội thảo luận. Nhưng quốc hội có thể lật lại điều này nếu có đa số nghị sĩ phản đối.
Trường hợp cuối cùng, tổng thống Pháp có thể giải tán quốc hội và bầu mới lại toàn bộ. Song, việc này mang đến nhiều rủi ro và có thể khiến đất nước bị trì trệ.
Với tình hình hiện nay, ông Macron phải hướng đến cái gọi là “nghệ thuật của việc xây dựng đồng thuận”, theo Reuters.
“Thỏa hiệp là cách chúng tôi sẽ áp dụng, nhưng chúng ta phải dựa vào các giá trị, ý tưởng và quyết sách chính trị rõ ràng cho Pháp”, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói.
Kết quả ngày 19/6 đã khiến quyền lực của ông Macron suy giảm nhiều, dù tổng thống vẫn có ảnh hưởng lớn về chính sách đối ngoại. Tỷ lệ ủng hộ ông Macron đang ở mức thấp nhất trong năm 2022, với chỉ 39%, theo Politico.
Phân cực trong lòng nước Pháp
Kết quả bầu cử đã định hình lại chính trị Pháp, với việc cử tri ủng hộ các đảng cực hữu hoặc cực tả.
Liên minh cực tả NUPES trở thành đảng đối lập lớn nhất - 131 ghế - với sự dẫn dắt của ông Jean-Luc Mélenchon, người thúc đẩy việc Pháp rời NATO và từ chối tuân theo các hiệp ước của EU mà ông cho rằng không có lợi.
Việc không thể giành đa số ghế tại quốc hội có thể khiến các dự luật của ông Macron bị ngưng trệ. Ảnh: AFP. |
Hôm 19/6, ông Mélenchon cam kết liên minh NUPES sẽ trở thành “công cụ chiến đấu” chống lại liên minh của ông Macron, vì “tầm nhìn” của cả hai đối lập nhau.
Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định thực tế các phe cánh hữu lại hoạt động hiệu quả hơn mong đợi, trái ngược với ý kiến cho rằng Pháp đang “nghiêng tả”.
Đảng Liên minh Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đã có bước tiến mạnh mẽ khi giành 89 ghế trong đợt bầu cử lần này, so với 6 ghế của quốc hội khóa trước.
Điều này cho thấy đảng này đã giành nhiều ảnh hưởng quan trọng và nhận nhiều hỗ trợ tài chính - giúp đảng của bà Le Pen giành các chức vụ quan trọng tại quốc hội, đề xuất luật và thách thức các dự luật của chính phủ.
89 ghế cho đảng này cũng phần nào làm dịu các suy đoán rằng ảnh hưởng của bà Le Pen đang yếu dần sau khi lần thứ ba thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.