Giới chức thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh hôm 3/5 tuyên bố việc xét nghiệm toàn diện sẽ được tiến hành hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5/5.
Bên cạnh đó, thủ đô Bắc Kinh, thành phố Trịnh Châu, Thâm Quyến hay Hàng Châu cũng có động thái xét nghiệm diện rộng sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động tại Trung Quốc.
Những thành phố trên là ví dụ điển hình cho việc Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid-19" với các quy định hạn chế và xét nghiệm nghiêm ngặt để ngăn sự lây lan của biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, việc này có thể kìm hãm nền kinh tế, thách thức tham vọng đạt tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm 2022 của chính quyền Bắc Kinh, theo South China Morning Post.
Tao Chuan, trưởng nhóm phân tích vĩ mô tại công ty chứng khoán Soochow, cho biết nếu các thành phố loại 1 và loại 2 ở Trung Quốc (với khoảng 505 triệu dân) được xét nghiệm hàng loạt trong một năm, chi phí có thể lên đến 1.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 257 triệu USD), tương đương 1,5% GDP của Trung Quốc trong năm 2021.
"Chi phí hơn 100 tỷ nhân dân tệ một tháng cho các quy trình xét nghiệm Covid-19 là không nhỏ", ông Tao Chuan nói.
Các nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh ngày 2/5. Ảnh: Reuters. |
Fitch Ratings - tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, có trụ sở tại Mỹ và Anh - đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, từ 4,8% xuống còn 4,3%, nhận định nước này sẽ theo đuổi "Zero Covid-19" đến năm 2023.
Ông Tao Chuan cho biết xét nghiệm diện rộng vẫn sẽ ít tốn kém hơn so với việc phải phong tỏa thành phố.
Trong cuộc họp ngày 29/4, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero Covid-19", nhưng nhấn mạnh những nỗ lực ngăn chặn phải "phù hợp với đặc điểm mới trong sự biến đổi và lây lan của virus", nhằm giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát đối với phát triển kinh tế xã hội.
Theo Ủy ban Y tế Nhà nước, đến giữa tháng 4, Trung Quốc đã có hơn 13.000 cơ quan xét nghiệm Covid-19, có thể xét nghiệm hơn 51 triệu mẫu mỗi ngày.