Trong một đoạn video trên mạng hôm nay, Chuẩn đô đốc Denis Berezovsky nói rằng ông tự nguyện rời bỏ chính phủ lâm thời Ukraina.
"Tôi, Denis Berezovsky, nguyện trung thành với người dân nước cộng hòa tự trị Crimea và thành phố anh hùng Sevastopol. Tôi sẽ chấp hành nghiêm những mệnh lệnh từ Tổng tư lệnh của Crimea", RT dẫn lời ông Denis.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Ukraina cách chức Berezovsky và bổ nhiệm Chuẩn đô đốc Serhiy Hayduk vào vị trí Tư lệnh Hải quân. Cơ quan công tố Ukraina quyết định khởi tố Berezovsky vì tội phản quốc.
Ông Denis Berezovsky, Tư lệnh Hải quân Ukraina, tuyên thệ trung thành với chính quyền Crimea trong một đoạn video hôm 2/3. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dùng từ “hành động gây hấn khó tin” để mô tả những động thái quân sự của Nga tại bán đảo Crimea. Theo ông, những biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể bao gồm cấm cấp thị thực cho quan chức Nga, phong tỏa tài sản, cấm vận về thương mại và đầu tư, tẩy chay hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Nga vào tháng 6 tới.
“Tôi đã hội đàm với ngoại trưởng của các nước G8 và một số nước khác hôm 1/3. Họ đang chuẩn bị cô lập Nga về phương diện kinh tế. Đồng ruble của Nga đang mất giá. Nga đang đối mặt với những thách thức kinh tế lớn”, Kerry nói.
Kerry nói thêm rằng Washington “đang chuẩn bị” tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 tại thành phố Sochi, Nga.
“Putin sẽ không có hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi. Thậm chí Nga sẽ không còn là thành viên của G-8 nếu những hành động quân sự của họ vẫn tiếp tục. Họ sẽ phải trả một giá đắt”, ông lập luận.
Yuriy Sergeyev, Đại sứ Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố đất nước ông đang chuẩn bị đối phó với các biện pháp quân sự của Nga, BBC cho biết. Ông cũng thừa nhận Kiev cần sự trợ giúp về quân sự của các nước đồng minh để có thể chống sức mạnh của Moscow.
Những người ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraina mang theo di ảnh của những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống cựu tổng thống Viktor Yanukovych khi họ tập trung trong quảng trường Độc lập, thành phố Kiev hôm 2/3. Ảnh: EFE |
Ngoại trưởng Anh William Hague sẽ tới Kiev để hội đàm với chính phủ lâm thời Ukraina. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu kêu gọi các nước thành viên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình tại Ukraina.
Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại về khủng hoảng tại Ukraina. Ông Tần Cương, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh coi trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia.
"Chúng tôi tôn trọng độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina", ông Tần nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố các cường quốc phương Tây đã chuẩn bị cô lập Nga để phản đối việc Moscow can thiệp quân sự vào Ukraina. Những biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể bao gồm cấm cấp thị thực cho quan chức Nga, phong tỏa tài sản, cấm vận về thương mại và đầu tư, tẩy chay hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Nga vào tháng 6 tới.
Trên lộ trình từ thành phố Sevastopol đến thủ phủ Simferopol, các phóng viên AP thấy 12 xe tải quân sự, một xe bọc thép GAZ 2330-Tiger và 2 xe cứu thương. Mỗi xe tải quân sự chở tới 30 binh sĩ.
Xe quân sự Nga tiến vào thủ phủ của Crimea. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, ông Andriy Parubiy, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraina, thông báo quyết định tổng động viên lực lượng quân dự bị trước giới truyền thông. Ông nói thêm rằng lực lượng dự bị sẽ chuẩn bị chiến đấu ở mức cao nhất, BBC đưa tin.
Quân đội thường trực Ukraina gồm khoảng 160.000 người, nhưng lực lượng quân nhân dự bị của họ lên tới 1.000.000 người.
Những người phản đối chính phủ mới tại Ukraina diễu hành cùng cờ Nga tại thành phố Simferopol hôm 1/3. Ảnh: AP |
Tổng thống tạm quyền của Ukraina yêu cầu chính phủ tăng cường an ninh tại các vị trí chủ chốt - bao gồm những nhà máy điện hạt nhân. Ông nói thêm rằng chỉ phi cơ dân sự được phép bay vào không phận của Ukraina từ hôm 2/3.
Arseniy Yatsenyuk - Thủ tướng tạm quyền Ukraina - cáo buộc Nga tuyên chiến với đất nước ông.
"Chúng tôi kêu gọi Putin rút quân khỏi Ukraina và tôn trọng thỏa thuận song phương. Nếu ông Putin muốn trở thành vị tổng thống gây nên chiến tranh giữa 2 nước láng giềng thân thiện, mục tiêu đã nằm trong tầm tay của ông ấy", AFP dẫn lời Yatsenyuk.
Chính phủ Ukraina kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những yêu cầu sau: cử một nhóm chuyên gia tới Ukraina và bán đảo Crimea để tìm hiểu sự thật, giúp Kiev bảo vệ các cơ sở hạt nhân, tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Ukraina. Quốc hội Ukraina thành lập một ủy ban để đàm phán với Nga.
Trong khi đó, RIA Novosti dẫn nguồn tin riêng cho biết, các quan chức lực lượng vũ trang Ukraina gửi đơn từ chức từ sáng sớm nay. Hiện tại, lực lượng vũ trang tiếp tục giữ gìn trật tự trên các tuyến phố ở Simferpol.
Ông Rustam Temirgaliev, Phó thủ tướng Crimea trước đó công bố rằng, toàn bộ lực lượng vũ trang Ukraina đã đầu hàng. Không đơn vị nào của quân đội Ukraina còn hoạt động trên bán đảo tự trị này. “Quân đội vũ trang Ukraina đóng trên lãnh thổ Crimea đã bị vô hiệu hóa. Một phần nhỏ trong số đó bị giải giáp trong khi phần còn lại bị chuyển sang phía bên kia của bán đảo tự trị”, Interfax dẫn lời ông Temirgaliev cho hay.
Cũng theo ông Temirgaliev, hiện tại, lực lượng an ninh và phản ứng nhanh của Crimea báo cáo trực tiếp với chính quyền địa phương trong khi lực lượng tự vệ kiểm soát tất cả các đường băng và sân bay ở bán đảo tự trị này. Đại biểu các dân tộc thiểu số ở Crimea vẫn được bầu vào Hội đồng tối cao. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ chương trình tái định cư và tái hòa nhập đối với những người từng bị trục xuất.
Trong một diễn biến khác, theo Ria Novosti, 675.000 người Ukraina đã tháo chạy sang 2 tỉnh Rostov và Bryansk của Nga giáp với Ukraina. Hội đồng Liên bang Nga xác nhận thông tin này và cho biết các tỉnh Rostov, Bryansk đang tích cực giúp đỡ chỗ ở và lương thực cho người tị nạn. Cơ quan di trú Liên bang Nga (FMS) hứa sẽ khẩn trương xem xét các yêu cầu xin quy chế tị nạn và quy chế công dân. FSM cũng nói họ nhận được nhiều đơn thư của người Ukraina đang sống tại Nga bày tỏ lo ngại về sự an toàn của thân nhân phía bên kia biên giới.
Lính vũ trang mà xe bọc thép án ngữ một khu vực ở ngoại ô thành phố Balaclava trên bán đảo Crimea hôm 1/3. Ảnh: Reuters |
Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện) hôm qua nhất trí với đề xuất của Tổng thống Putin về việc đưa quân vào bán đảo Crimea để duy trì hòa bình và trật tự "cho tới khi tình hình chính trị, xã hội tại đây trở nên ổn định", RT cho hay.
Diễn biến cuộc tranh luận tại Hội đồng Liên bang Nga cho thấy phần lớn nghị sĩ có quan điểm giống nhau. Họ nhận định rằng sau khi phe đối lập nắm chính quyền ở Kiev, những nhóm cực đoan đang đe dọa sự an toàn của những người chống đối, đặc biệt là người Nga tại các thành phố của Ukraina.
Trước đó, Tổng thống Obama nói chuyện với Tổng thống Putin. Cuộc điện đàm, diễn ra trong 90 phút, là hình thức đối thoại trực tiếp hiếm hoi giữa 2 người đứng đầu Nhà Trắng và Điện Kremlin từ sau Chiến tranh Lạnh.
"Tổng thống Obama bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của ông đối với việc Nga vi phạm rõ ràng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Ông ấy nói với Putin rằng những hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế, những nghĩa vụ của Nga theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và thỏa thuận quân sự 1997 giữa Nga với Ukraina", Nhà Trắng thông báo.
Ông Obama cũng nhấn mạnh quyền tự quyết định vận mệnh của người dân Ukraina, đồng thời khẳng định ông sẽ tập hợp các đồng minh lâu năm như Pháp và Canada để đối phó với Nga.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng dùng cụm từ "thẳng thắn và trực tiếp" để mô tả cuộc nói chuyện giữa Obama và Putin hôm 2/3.
Cũng trong hôm 2/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì một cuộc họp qua video với bà Catherine Ashton, ngoại trưởng Canada, đặc phái viên của Nhật Bản và ngoại trưởng 5 nước châu Âu để thảo luận những hành động phối hợp tiếp theo đối với tình hình tại Ukraina.
Kerry cảnh báo rằng Moscow đang mạo hiểm với hòa bình và an ninh của không chỉ Ukraina, mà còn của cả khu vực xung quanh.
"Nếu Nga không giảm căng thẳng, hành động của họ sẽ gây nên tác động lớn lên mối quan hệ với Mỹ", ông Kerry nhấn mạnh.