Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chạy đua với thời gian để cứu lịch sử thế giới ngầm ở phố Tàu New York

Ông Michael Moy đã vận dụng mối quan hệ ở cả hai giới tội phạm và cảnh sát để làm nên những thước phim phỏng vấn, tái hiện lại lịch sử thế giới ngầm của khu phố Tàu ở Manhattan.

pho tau o My anh 1

Bằng một chiếc iPhone, micrô cùng mối quan hệ vô giá với các cựu cảnh sát và tội phạm, Michael Moy đang chạy đua để ghi lại một phần lịch sử bị lãng quên của thành phố New York, Mỹ.

6 tháng trước, ông Moy đã mở kênh YouTube có tên Chinatown Gang Stories (tạm dịch: Chuyện băng đảng phố Tàu). Kênh này đăng tải các cuộc phỏng vấn dài với những người từng ở trong băng đảng thanh niên khủng bố khu phố Tàu của New York vào thập niên 1970, 80 và đầu 90.

Âm thanh và ánh sáng trong những video này thể hiện rõ sự không chuyên. Nhưng thiếu sót ấy như một lời nhắc nhở rằng đây là dự án tâm huyết của nhà sử học nghiệp dư, đang cố gắng ghi lại lịch sử đã bị lãng quên trong lúc gặp hạn chế về trang thiết bị.

Ông Moy (53 tuổi), không phải là nhà báo hay người chuyên quay phim nhưng vị thế đặc biệt của bản thân đã đem lại cho ông khả năng thu thập những câu chuyện này. Ông là một cựu cảnh sát, đồng thời là cựu thành viên băng đảng.

Sau khi nghỉ hưu, ông Moy đã tận dụng kinh nghiệm từ cả hai thế giới để thuyết phục những người từng là dân giang hồ lên tiếng trước máy quay, thay vì mang câu chuyện của mình xuống mồ.

Mục tiêu của ông là ghi lại lịch sử truyền miệng của các băng đảng này để từ đó vẽ nên bức tranh tổng thể về thời đại và để thế hệ tương lai biết về những cạm bẫy trong cuộc sống băng đảng.

“Nhiệm vụ của tôi là bảo tồn lịch sử và có thể giúp đỡ ai đó trên còn đường này”, ông Moy nói với CNN.

pho tau o My anh 2

Toàn cảnh khu phố Tàu ở Manhattan, thành phố New York, ngày 17/12. Ảnh: CNN.

Dấn thân thế giới ngầm

Ông Moy sinh năm 1969, sống 5 năm đầu tiên trong một căn hộ nhỏ ở East Broadway, cách trung tâm lịch sử của khu phố Tàu Manhattan một quãng đi bộ ngắn. 11 thành viên trong gia đình ông chen chúc trong căn hộ trên tầng cao nhất của tòa nhà 6 tầng.

Hầu hết thành viên trong gia đình ông Moy ngủ trên đệm trải dưới đất. Nằm ở đó, họ có thể nghe thấy tiếng hỗn loạn do các băng đảng ở khu phố Tàu gây ra bên ngoài.

Năm 1972, khi Moy 3 tuổi, có ít nhất 4 vụ xả súng trong khu phố của ông. Hai vụ xảy ra vào tháng 7 và tháng 8. Hai vụ khác, một vào tháng 3 và một vào tháng 11, làm rung chuyển rạp hát ở East Broadway. Các địa điểm chỉ cách căn hộ của Moy vài bước chân.

Trên thực tế, bạo lực băng đảng đã hoành hành ở khu phố Tàu từ những năm 1890, khi các hội người Mỹ gốc Hoa và tổ chức huynh đệ được gọi là "tongs", được thành lập để hỗ trợ người nhập cư từ Trung Quốc bằng cả biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp.

Thời điểm đó, các cuộc xung đột nổ ra để giành quyền kiểm soát nền kinh tế bất hợp pháp của khu phố, như hoạt động ổ thuốc phiện, sòng bạc và đường dây mại dâm.

Cha mẹ của Moy lo sợ cho sự an toàn của con trai. Vì vậy, khi Moy 5 tuổi, gia đình chuyển đến Brooklyn.

“Ở độ tuổi đó, tôi thực sự không hiểu mức độ nguy hiểm và quyền lực của các băng đảng, cũng như sự kìm kẹp của họ đối với cộng đồng”, ông Moy nói.

Vào thời điểm gia đình ông chuyển đến Brooklyn, các băng đảng đã tìm ra cách tạo lớp vỏ bọc hợp pháp để tránh bị truy tố mà không phải từ bỏ khoản thu kiếm được ngoài vòng pháp luật. Đó là thuê các băng nhóm "choai choai" để làm thay công việc bảo kê và vận hành đường dây.

Đến năm 1973, có khoảng 6 băng đảng thanh niên ở khu phố Tàu với gần 200 người, New York Times đưa tin vào thời điểm đó.

pho tau o My anh 3

Ông Mike Moy vào năm 1986. Ảnh: Mike Moy.

Thanh thiếu niên được trao súng và lang thang trên đường phố để làm nhiệm vụ bảo kê. Kết quả của việc giao vũ khí cho những thanh niên bốc đồng là sự gia tăng bạo lực không thể tránh khỏi.

“Cả cộng đồng đều lo sợ về những băng đảng này, nhưng họ không nói về nó trước công chúng”, Moy cho biết.

Chuyển đến Brooklyn đã giúp ông tránh xa nguy hiểm. Tuy nhiên, khi lớn hơn, Moy cảm thấy bị tách rời khỏi cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, đặc biệt là ở trường học.

“Tôi đã trải qua rất nhiều chuyện bắt nạt”, Moy chia sẻ.

Giữa lúc đó, ông cho biết một "dai ma" - tức người chuyên chiêu mộ thành viên cho băng đảng Trung Quốc - đã nhìn thấy ông khi mình còn là cậu thanh niên 16 tuổi thấp bé, gầy gò, thường mặc chiếc áo len quá khổ.

Nhận ra Moy là người yếu thế, một ngày nọ, dai ma đã tiếp cận ông, đề nghị bảo vệ, tôn trọng và xây dựng tình bạn thân thiết mà ông khao khát có được.

Moy sau đó dành 9 năm là thành viên của một băng đảng người Mỹ gốc Hoa.

Động lực thay đổi

Lúc đầu, vị thế là thành viên băng đảng đã mang lại cho Moy sự bảo vệ và cảm giác bản thân được thuộc về một cộng đồng. Những kẻ bắt nạt từng nhắm vào Moy không còn muốn dính dáng gì đến ông nữa.

“Nó cho tôi sự tự tin. Nó cho tôi cảm giác mình có quyền lực”, Moy nói.

Tuy nhiên, dần dần, những nghi ngờ len lỏi. Bạn bè ông bị giết hoặc bị tống vào tù, bị sa vào lưới của các nhà điều tra cùng công tố viên liên bang.

Moy bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn về tương lai sau những lần như vậy. Nhưng động lực chính cho sự thay đổi đến từ câu chuyện của Steven McDonald, một sĩ quan cảnh sát thành phố New York.

Khi đang tuần tra ở Công viên Trung tâm năm 1986, McDonald bị một thanh niên 15 tuổi bắn 3 phát và bị liệt từ cổ trở xuống.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, McDonald đã công khai tha thứ cho cậu thiếu niên suýt giết mình.

pho tau o My anh 4

Mike Moy đã có hơn 20 năm làm việc tại Sở Cảnh sát Thành phố New York. Ảnh: Mike Moy.

Moy đọc trong một bài báo rằng McDonald tin thiếu niên đã bắn ông là “sản phẩm do hoàn cảnh xung quanh tạo ra”.

“Tôi không biết điều đó có nghĩa gì”, Moy nói. “Nhưng tôi đã mổ xẻ từng từ và cố gắng hiểu ý của ông ấy khi nói điều đó. Rồi tôi nhìn lại chính mình. Tôi có phải là sản phẩm của hoàn cảnh không?”

Cuối cùng, vào tháng 1/1989, được truyền cảm hứng để thay đổi hướng đi của cuộc đời, Moy đã tham gia kỳ thi tuyển sinh sĩ quan cảnh sát của Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD).

Khi ông tốt nghiệp và rời khu phố để trở thành cảnh sát, ông không nói với ai trong băng nhóm. Ông chỉ đơn giản là biến mất khỏi thế giới tội phạm ngầm, cắt đứt mối liên hệ với quá khứ.

"Tại sao không phải là chúng ta?"

Moy đã trải qua 9 năm với tư cách là sĩ quan và 16 năm với tư cách là thám tử. Ý tưởng mở kênh YouTube của Moy bắt đầu hình thành vào gần cuối sự nghiệp, khi ông xem video của các cựu xã hội đen khác ở New York.

Ông rất ngạc nhiên khi thấy các cựu thành viên của những băng đảng khác thoải mái nói về trải nghiệm của họ trong những năm 1970 và 1980.

“Tại sao không phải là chúng ta?”, Moy nghĩ. “Có rất nhiều thông tin sai lệch ngoài kia, nhưng không một thành viên băng đảng nào ở khu phố Tàu tại thành phố New York từ thời kỳ đó bước ra và nói về những trải nghiệm của họ”.

Động lực cuối cùng để bắt đầu dự án xuất phát từ lời nhắc nhở bi thảm về cái chết. Moy và một số đồng nghiệp của ông là những người đầu tiên ứng phó với vụ tấn công khủng bố 11/9 ở New York.

Nhiều năm sau, họ phát bệnh liên quan đến thảm kịch. Căn bệnh của Moy được phát hiện không nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng một số bạn bè của ông đã chết vì ung thư.

“Đó là khi tôi bắt đầu nói nếu tôi không làm điều đó bây giờ thì khi nào?”, Moy nhớ lại.

pho tau o My anh 5

Ông Mike Moy (giữa) đứng trước ngôi nhà thời thơ ấu của Moy ở khu phố Tàu của Manhattan. Ảnh: CNN.

Ông đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên khi vẫn còn là cảnh sát. Trong nhiều năm qua, ông đã biên tập hàng trăm giờ phỏng vấn. Moy ước tính ông dành hơn 100.000 USD cho dự án này, đi khắp thế giới để phỏng vấn các cựu thành viên băng đảng người châu Á hoặc người Mỹ gốc Á.

Jimmy Tsui, người có biệt danh “Đầu cá lớn”, là một trong những người trả lời phỏng vấn. Tsui chia sẻ những câu chuyện từ các nghi thức khởi xướng Hội Tam hoàng ở Hong Kong cho đến việc suýt mất máu sau khi bị bắn ở New York.

Vào ngày 2/6, Moy đưa Chinatown Gang Stories lên mạng và chỉ trong hơn 6 tháng, kênh đã thu hút hơn 3.100 người đăng ký và hơn 210.000 lượt xem.

“Chúng tôi không cố gắng tôn vinh cuộc sống băng đảng. Đây chỉ là sự thật. Và sự thật là có bạo lực, có phản bội và có đau khổ”, Moy nói.

“Nếu bạn không lưu giữ lịch sử, bạn sẽ không thể thay đổi cuộc sống”, ông nhấn mạnh.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Quốc gia Trung Mỹ tung 'nắm đấm sắt' với băng đảng

Chiến dịch truy quét các thành viên băng đảng của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã hứng nhiều chỉ trích và gây ra lo ngại về việc nó có thể được nhân rộng ở Mỹ Latin.

Câu hỏi lớn về các băng đảng Trung Quốc siêu giàu ở Thái Lan

Một số nhóm tội phạm Trung Quốc đã xây dựng được khối tài sản khổng lồ bằng hoạt động kinh doanh bất hợp pháp ở Thái Lan, từ đó làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Minh An

Bạn có thể quan tâm