Bamboo Airways của Việt Nam vừa trở thành hãng hàng không giá rẻ mới nhất cất cánh trong năm 2019 tại châu Á và thời gian tới dự kiến tiếp tục có nhiều tay chơi mới gia nhập thị trường.
Tính riêng tại Đông Nam Á, các hãng hàng không giá rẻ có 1.400 máy bay đã đặt hàng đang chờ nhận, so với con số 400 máy bay của các hãng hàng không truyền thống, theo số liệu từ CAPA.
Với nguồn cung phi công đang tụt lại phía sau, các hãng bay đang chật vật để tìm được đội bay giỏi - Bloomberg nhận định.
Số phi công không theo kịp số máy bay
"Thời điểm nhạy cảm đang đến gần", theo ông Peter Harbinson, Chủ tịch CAPA, chia sẻ. "Với các hãng bay mới, việc tuyển phi công đang rất khó và sẽ là thử thách thật sự".
Vấn nạn thiếu phi công đang làm khó các hãng bay khắp châu Á. Ảnh: Bloomberg. |
Lượng khách bay dự kiến tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới với tăng trưởng lớn nhất đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được cho là sẽ có thêm 4 tỷ lượt khách, theo ước tính từ IATA.
Boeing cũng dự đoán khu vực này sẽ cần thêm 16.930 máy bay mới và khoảng 261.000 phi công từ nay tới năm 2037. Điều này đồng nghĩa đội bay và đội phi công của các hãng sẽ cần tăng thêm gấp đôi trong giai đoạn này.
Rào cản đã bắt đầu xuất hiện. IndiGo, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á tính theo giá trị vốn hóa, tháng trước đã phải hủy khoảng 12 chuyến bay mỗi ngày cho tới hết tháng 3/2019 vì phi công của hãng đã hết giờ bay theo quy định.
China Airlines của Đài Loan cũng phải giải quyết khủng hoảng trong tháng này bằng cách đồng ý cải thiện điều kiện làm việc của phi công, tương đương mức chi phí 4 triệu USD, sau khi công đoàn phi công đình công 7 ngày liên tiếp do các phi công phàn nàn họ bị hãng vắt kiệt sức lực.
Thậm chí vấn nạn này còn lan ra ngoài châu Á. Emirates, hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới, chia sẻ vào tháng 4/2018 rằng việc thiếu phi công khiến hãng phải cắt giảm số chuyến bay.
"Quá trình đào tạo phi công đòi hỏi thời gian nên tăng trưởng nguồn cung đang không thể theo kịp nhu cầu thị trường", ông Đặng Tất Thắng, CEO của Bamboo Airways, chia sẻ. "Khó khăn của chúng tôi là phải tuyển được phi công giỏi, có kinh nghiệm cho các tuyến bay mà chúng tôi sẽ tiếp tục mở trong tương lai".
Vietjet Air trong nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất
Để giải quyết tình trạng này, nhiều hãng đã tự lập các trường đào tạo phi công để chủ động lượng phi công mới. Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, AirAsia, IndiGo và Lion Air đều đang thiết lập các học viện đào tạo phi công riêng.
"Nếu nhìn lại 5-10 năm trước, chúng ta không được nhìn thấy nhiều trường đào tạo phi công như hiện nay", bà Wendy Sowers, giám đốc marketing thương mại của Boeing, cho hay. "Quy luật cung - cầu đang cho thấy hiệu ứng. Chúng ta đang nhìn thấy hệ thống phản ứng lại".
Một vài hãng hàng không khác cũng đang "lặng lẽ" giảm tiêu chuẩn nâng hạng cơ trưởng khi quá khó để tìm cơ trưởng trong thời gian ngắn, ông Steven Greenway, chủ tịch của Swoop, một hãng hàng không "giá siêu rẻ" thuộc WestJet Airlines tại Canada, tiết lộ.
Người phát ngôn của Jeju Air thì cho hay vấn đề thiếu phi công đã có từ lâu, nhưng đang trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Ông Harbison, Chủ tịch CAPA, đánh giá Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vấn nạn thiếu phi công. 4 hãng chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là AirAsia, IndiGo, Lion Air và Vietjet Air, hãng bay giá rẻ Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng tham vọng nhất so với các đối thủ trong khu vực.
Benyamin Bin Ismail, CEO của AirAsia X, cho hay vấn đề phi công tại hãng không tệ như những hãng bay khác, và việc có trường đào tạo riêng "đã giúp chúng tôi có được nguồn nhân lực cần thiết".
Lion Air thì cho rằng hãng không thấy vấn đề lớn khi trường đào tạo bay của hãng đang cho ra lò đủ số lượng. IndoGo thì cho rằng hãng "tự tin sẽ không đối mặt với tình trạng thiếu phi công" và có "đủ những yếu tố cần thiết để tự duy trì tốc độ tăng trưởng lượng phi công". Vietjet Air là hãng duy nhất chưa đưa ra phản hồi.
Cùng lúc, đội bay của các hãng này đang mở rộng nhanh chóng. IndiGo nhiều khả năng sẽ có thêm 40 máy bay từ nay tới cuối tháng 3/2020, sau khi tiếp nhận khoảng 62 máy bay trong năm nay, theo CAPA. Hãng hiện có khoảng 430 máy bay dòng A320 đang đặt hàng cùng với thương vụ mua 100 máy bay thân hẹp trước đó. AirAsia cũng đang đặt hàng 375 máy bay thân hẹp, trong khi con số này của Vietjet Air là 216 theo thống kê của Airbus và Boeing.
Một giải pháp khả thi cho các hãng để giảm nhẹ vấn đề thiếu phi công là chuyển sang dùng một phi công bay chặng ngắn thay vì hai, dù các liên đoàn phi công có thể phản đối chiến lược này, theo nhận định của ông Harbion.
"Nếu chúng ta có thể dùng xe tự lái thì việc máy bay chỉ có một phi công là điều hoàn toàn khả thi", ông nói. "Đây là vấn đề có thể khiến cả ngành sụp đổ hoặc kìm hãm tốc độ phát triển".