Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Á ra sao trong năm 2023

Năm 2023, tình hình bán đảo Triều Tiên hay Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục nóng lên. Tại Đông Nam Á, nước chủ tịch ASEAN Indonesia cũng đối mặt nhiều nhiệm vụ thách thức.

2023 được dự báo vẫn là năm có nhiều biến động với châu Á. Ảnh: Reuters.

Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở đa số quốc gia châu Á, cả cuộc sống của người dân lẫn bức tranh chính trị khu vực đều tiến tới giai đoạn “bình thường mới”.

Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hay Đông Nam Á vẫn là những khu vực được quan tâm hàng đầu. Xu thế phát triển của tình hình các khu vực này được dự báo sẽ còn có nhiều diễn biến chưa thể lường trước hoàn toàn.

Bán đảo Triều Tiên

Trong năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện hơn 60 vụ phóng tên lửa - bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đây là con số kỷ lục tính từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng tăng cường các cuộc tập trận chung. Tàu sân bay USS Ronald Reagan lần đầu tiên thăm Hàn Quốc sau 5 năm và tham gia cuộc tập trận Vigilant Storm với không quân Hàn Quốc.

Hai nước cũng tổ chức một cuộc diễn tập vượt sông, động thái được cho là chiến dịch quy mô lớn để đối phó với nguy cơ từ Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng lên án các cuộc tập trận này là hành vi khiêu khích, chuẩn bị cho xâm lược.

Giới chuyên gia dự đoán tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục nóng lên trong năm 2023, khi Triều Tiên sẽ không ngừng phóng tên lửa và hai bên không có kênh đối thoại.

Trong khi đó, lập trường cứng rắn với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng hành động mạnh mẽ hơn.

chau a 2023 anh 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được cho có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên hơn người tiền nhiệm Moon Jae In. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà quan sát đã đặt ra khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện vụ thử tên lửa thứ 7. Từ giữa năm nay, giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo này, dựa trên hình ảnh vệ tinh.

“Thái độ của Triều Tiên sẽ vẫn không đổi. Nếu họ muốn tiếp tục có các hành động khiêu khích ở quy mô nhỏ để giữ căng thẳng, biến việc sở hữu vũ khí hạt nhân thành ‘sự đã rồi’ và đặt ra các điều kiện đàm phán, họ sẽ cần tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân”, ông Kwak Gil Sup, Chủ tịch Trung tâm Một Triều Tiên (One Korea Center), nói với CNA.

Eo biển Đài Loan

2022 là năm nhiều biến động với tình hình hai bờ eo biển Đài Loan. Đầu tháng 8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trở thành lãnh đạo quốc hội Mỹ đầu tiên thăm đảo Đài Loan kể từ năm 1997.

Để đáp trả, đại lục đã tổ chức một chuỗi tập trận lớn bao quanh đảo Đài Loan, cũng như đình chỉ một số kênh liên lạc, hợp tác với Mỹ.

Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc quanh đảo Đài Loan dường như cũng đang dần được “bình thường hóa”. Ngày 25/12, Chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc một lần nữa thông báo tập trận quanh Đài Loan, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2023 - vốn dành ra hàng tỷ USD viện trợ cho Đài Bắc.

Theo giáo sư Da-Jung Li tại Đại học Đạm Giang, Đài Loan, chuyến thăm của bà Pelosi đã làm gia tăng áp lực lên Đài Bắc.

“Áp lực từ máy bay quân sự, tàu hải quân Trung Quốc mạnh mẽ hơn trước đây”, ông nói với DW, chỉ ra điều này sẽ khiến Đài Bắc khó hành động hơn.

chau a 2023 anh 2

Một binh sĩ Trung Quốc theo dõi một tàu của lực lượng đảo Đài Loan trong cuộc tập trận hồi tháng 8. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong khi đó, chuyên gia Amanda Hsiao tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group (ICG), nguy cơ đụng độ sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra nếu nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy - người nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ khóa tới - thăm Đài Loan trong năm 2023, tình hình có thể còn nóng lên.

“Trung Quốc tối thiểu sẽ phản ứng cùng mức độ so với chuyến thăm của bà Pelosi”, bà Hsiao dự đoán. “Họ cũng có thể cảm thấy mình phải phản ứng mạnh mẽ hơn”.

Đông Nam Á

Sang năm 2023, nhiệm vụ chủ tịch ASEAN sẽ thuộc về Indonesia - quốc gia đứng đầu ASEAN cả về diện tích, dân số tới quy mô nền kinh tế. Theo Nikkei Asia, Indonesia sẽ đứng trước ba thách thức lớn: Bất ổn tại Myanmar, tình hình Biển Đông và quá trình kết nạp Đông Timor vào ASEAN.

Gần hai năm sau vụ chính biến tháng 2/2021, tình hình chính trị tại Myanmar vẫn chưa có chiều hướng cải thiện. Trong khi giới quân sự kiểm soát chính quyền trung ương, các phe phái vẫn hoạt động trên khắp đất nước.

chau a 2023 anh 3

Tình hình Myanmar vẫn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Ảnh: Reuters.

Trong năm chủ tịch của Indonesia, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng kêu gọi hoàn thành thỏa thuận này trong năm 2021. Mục tiêu này đã bị trễ ít nhất hai năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, các nước ASEAN cũng đã nhất trí về nguyên tắc việc kết nạp Đông Timor - nước láng giềng của Indonesia - làm thành viên thứ 11 của khối. Indonesia là một trong những nước tích cực ủng hộ việc kết nạp Đông Timor.

Jakarta tin tưởng sự ổn định tại Đông Timor sẽ giúp nước này tăng cường an ninh. Indonesia được cho là đang vận động để Đông Timor được kết nạp trong năm 2025.

“Chưa lúc nào năng lực dẫn dắt trong đề ra chiến lược tăng cường an ninh tổng thể của khu vực lại cần thiết như lúc này”, cựu Bộ trưởng Tài chính Indonesia Muhamad Chatib Basri viết trên East Asia Forum.

Những cuốn sách nên đọc về ASEAN

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Dân số thế giới sẽ cán mốc 7,9 tỷ người vào ngày đầu tiên của năm 2023

Vào hôm 29/12, Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết dân số toàn cầu sẽ đạt mức 7,9 tỷ người vào ngày đầu tiên của năm 2023, tăng 73,7 triệu người so với một năm trước đó.

Các thiên đường du lịch châu Á 'lấy đà' trước giờ Trung Quốc mở cửa

Các nước châu Á đang chuẩn bị kế hoạch chào đón lượng lớn khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, sau thông báo nước này sẽ dỡ bỏ biện pháp cách ly người nhập cảnh từ ngày 8/1/2023.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm