Trong Chỉ thị vừa ban hành, Bộ trưởng Công Thương nêu rõ, các Sở Công Thương tỉnh, thành phố phải công khai rộng rãi số điện thoại để người dân phản ánh về những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Các Sở cũng cần có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm tra, phát hiện vi phạm trong hoạt động đa cấp về Bộ định kỳ 3 tháng một lần.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kêu gọi người dân khi thấy bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào của các công ty bán hàng đa cấp thì gọi ngay tới đường dây nóng của Cục Quản lý cạnh tranh (0439387846) để cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý kịp thời.
Cùng với động thái trên, Bộ quyết định thành lập đoàn thanh tra kiểm tra 7 công ty đa cấp lớn trong thời gian tới.
Rà soát mạng lưới đa cấp ở các tỉnh thành
Trước sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt từ Bộ, Sở Công Thương một số tỉnh cũng đã ráo riết, đồng loạt vào cuộc, đặc biệt với những cái tên trong danh sách 7 đơn vị quy mô lớn bị thanh tra.
Trong ngày 8/4, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó chủ tịch tỉnh Phạm Đăng Quyền đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra hoạt động đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận được phản ánh về việc các văn phòng của Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh đa cấp với các hình thức không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo người dân tại thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, huyện Nông Cống.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: CAND. |
Do vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ; kịp thời có biện pháp xử lý những sai phạm của doanh nghiệp này (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 5/4, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ đạo Sở Công Thương vào cuộc kiểm tra cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy khi nhận được phản ánh của người dân rằng đơn vị này lôi kéo, dụ dỗ khách hàng tham gia mạng lưới khám chữa bệnh.
Ngoài Thiên Ngọc Minh Uy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường và cơ quan chức năng kiểm tra 24 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp khác trên địa bàn.
Trước đó, vào tháng 10/2015, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra, xử lý hàng loạt vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy trong hoạt động kinh doanh đa cấp tại cơ sở Phụng Quần 2 (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) như không xuất trình được hóa đơn chứng từ, danh sách khách hàng, công bố sản phẩm, danh sách nhân viên…
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) cho biết, ngày 8/4 đoàn liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra đột xuất tại Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hoàng Long Việt, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – công ty đa cấp núp bóng kinh doanh phân bón.
Công ty này đã 6 lần tổ chức đào tạo khóa kỹ năng sống. Với mỗi suất học trị giá 4,9 triệu đồng thu của khách hàng, công ty sẽ dùng 2,5 triệu để chi ăn ở, tài liệu, quần áo, giảng viên, số tiền còn lại dùng tri ân khách hàng.
Đại diện đoàn liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long cho biết các sai phạm trong vụ việc sẽ được xử lý nghiêm.
Hà Nội rốt ráo với đa cấp
Ngoài các tỉnh thành khác, tại Hà Nội, ngày 1/4, Sở Công Thương Hà Nội cũng thanh tra đột xuất Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam. Công ty này có trụ sở tại số B5-D6 khu đô thị Cầu Giấy.
Đến ngày 5/4, Chánh thanh tra Sở Công Thương cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH đầu tư và thương mại Trường Giang Việt Nam (Phúc La, Hà Đông, Hà Nội). Doanh nghiệp này mắc 9 lỗi trong hoạt động bán hàng đa cấp, bị phạt tổng cộng 420 triệu đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt đơn vị bán hàng đa cấp bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Ảnh minh họa. |
Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, cơ quan này đã xử phạt 2 doanh nghiệp với tổng số tiền 143 triệu đồng. Hai đơn vị bị phạt là Công ty TNHH My Fortuna trụ sở chính ở 37/M2, khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy và Công ty cổ phần thương mại Lotus Việt Nam tại số 2 ngỏ 2 tổ 3 đường Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy.
My Fortuna bị phạt 40 triệu vì hành vi tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chưa có xác nhận bằng văn bản của Sở Công Thương. Còn Lotus bị phạt 103 triệu đồng do kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận, bán hàng đa cấp mà không đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan chức năng cũng giám sát chặt chẽ hoạt động của 2 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Con đường, Công ty TNHH phát triển thương mại Rồng Việt.
Cũng trong quý I/2016, 4 công ty đa cấp bị rút giấy phép gồm: Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Con Đường Việt, Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty Cổ phần XNK và Thương mại Quốc tế TNC và Công ty Cổ phần New Power Việt Nam (đã đổi tên thành Cty CP Trái tim Ngọc Việt).
Năm 2015, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng kiểm tra và xử phạt hành chính 1,1 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh đa cấp đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách nhà nước 55,5 triệu đồng.
Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ cố gắng đi tìm nguyên nhân và tìm cách giải bài toán đối với những đơn vị bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là không đi theo hướng "không quản được thì cấm".