7 công ty đa cấp gồm các tên tuổi lớn như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway, Unicity, Nhượng quyền Thăng Long… sắp bị cơ quan thanh tra "sờ gáy".
Bình luận về thông tin này, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương - ông Vũ Quốc Hùng - cho hay, ông rất hoan nghênh và ủng hộ hoạt động trên của Bộ Công Thương.
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: KV. |
“Mọi hoạt động kinh doanh đa cấp phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra đúng mục đích yêu cầu, quy trình là hoạt động trị bệnh cứu người, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không riêng gì đa cấp, mọi hoạt động đều cần phải được kiểm tra, giám sát. Dần dần, nên có các quy chế, thể chế để dân cùng tham gia giám sát”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng, vấn đề đặt ra là phải thanh tra như thế nào để đảm bảo tính trung thực, khách quan, không có tiêu cực.
Đa cấp biến tướng đã thành căn bệnh lây lan, di căn, làm khổ dân
Trong những năm qua, đa cấp biến tướng nở rộ, hoạt động khắp cả nước. Để xảy ra tình trạng này theo ông Hùng là do “công tác thanh tra yếu kém”.
Khi nói tới thực trạng trên, nhiều người hay đổ hết mọi “tội lỗi” lên Bộ Công Thương. Nhưng theo ông Vũ Quốc Hùng, lỗi một phần cũng do nhiều cơ quan chức năng, tổ chức khác chưa chung tay vào cuộc.
“Các công ty đa cấp thuộc sự quản lý của nhiều cấp, ngành. Ngoài ngành công thương, chính quyền, hệ thống chính trị ở đó làm gì khi thấy người dân nhất là những người nghèo hàng ngày say sưa đi kinh doanh đa cấp, cuối cùng bị thất bát? Họ nghèo, họ cần tiền, tưởng béo bở nên tham gia. Do vậy, đừng trách họ, cũng đừng trách mỗi Bộ Công thương mà hãy trách cả các tổ chức chính quyền ở đó”, ông Vũ Quốc Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, một tổ chức được "đẻ ra" phải có người chăm sóc. Tương tự như đứa trẻ, đa cấp cũng cần được đưa đi tiêm phòng.
“Thời gian qua, người ta đã để đa cấp nhiễm bệnh rồi mới đưa đi tiêm, trong khi đó là căn bệnh dễ lây lan, di căn và làm khổ dân. Giờ thanh tra là đi khắc phục hậu quả, nhưng vẫn còn hơn là bỏ qua căn bệnh này. Muộn còn hơn không, thanh tra hãy nhảy vào đi và làm cho tốt, nhưng đừng tiêu cực trong quá trình thanh tra nữa”, ông Hùng nêu quan điểm.
Cho rằng tiêu cực trong quá trình thanh tra thường xảy ra khi nghiệp vụ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của thanh tra viên không tốt, quy trình tiến hành không đầy đủ hoặc họ nhân việc này để kiếm chác, ông Hùng nhấn mạnh, việc thanh tra đa cấp tới đây cần thực hiện đúng quy trình, trung thực, khách quan, lành mạnh theo đúng tinh thần trị bệnh cứu người chứ không phải để moi móc, đe nẹt.
“Thanh tra chỉ là bước đầu tiên”
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công Thương tỉnh Thái Bình – nơi từng được xem là điểm nóng về bán hàng đa cấp cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được tiến hành thường xuyên để môi trường kinh doanh đa cấp trở nên lành mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công thương tỉnh Thái Bình. Ảnh: NVCC. |
“Tôi nghĩ Bộ Công Thương đã có kế hoạch cụ thể về việc này, vấn đề là làm thế nào và đến đâu thôi. Để dẹp biến tướng đa cấp có nhiều bước và thanh tra chỉ là bước đầu tiên”, ông Hoàng chia sẻ quan điểm.
Tuy vậy, ông cho hay, đến nay, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình vẫn chưa nắm được quy trình, kế hoạch của Bộ để cùng phối hợp thực hiện.
Với cuộc thanh tra tới đây của Bộ Công Thương, ông Vũ Quốc Hùng kỳ vọng, nếu kiểm tra "ra tấm ra món" thì đây sẽ là một cuộc răn đe, rút dây động rừng ngành kinh doanh đa cấp.
“Chưa cần triển khai tràn lan, Bộ hãy thanh tra cho tốt, có kết luận rõ ràng và công khai kết quả, đồng thời rút kinh nghiệm sau mỗi lần thanh tra để những lần tiếp theo gọn nhẹ, có hiệu quả hơn”, ông Hùng nhắn nhủ.