Màn trình diễn của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 đến lúc này đã vượt ngoài mong đợi của giới chuyên môn. Các học trò của HLV Park Hang-seo ghi bàn dẫn trước trên sân Saudi Arabia, chỉ thua trận sau thẻ đỏ của Đỗ Duy Mạnh. Ở trận gặp Australia, tuyển Việt Nam chơi tốt, tạo ra 11 tình huống dứt điểm, khiến đối thủ phải thừa nhận “rất khó khăn mới giành chiến thắng”.
Tuy nhiên, vẫn có điểm chưa hoàn thiện trong cách chơi. Đó là điều tất yếu trong lần đầu đội tuyển bước ra biển lớn để va chạm với những ngọn sóng dữ. Một trong số đó là chất thủ lĩnh cùng sự cứng cỏi của các cầu thủ - yếu tố mà nếu không gặp những đội mạnh như Australia, Saudi Arabia, ta khó nhận ra mình đang thiếu thế nào.
Tuyển Việt Nam có hàng công đồng đều và bùng nổ, nhưng chưa có một ngôi sao đủ cá tính, bản lĩnh, kinh nghiệm và đẳng cấp để dìu dắt tập thể. Ảnh: Minh Chiến. |
Từ chuyện của Quang Hải
Bàn thua duy nhất của tuyển Việt Nam trước Australia đến từ nhiều nguyên nhân: sự xuất sắc của Ajdin Hrustic với quả tạt điểm rơi nhạy cảm, loại bỏ hoàn toàn tuyến phòng ngự của chủ nhà, cự ly đội hình bất hợp lý khi dâng lên bắt việt vị, thua thiệt về thể hình của hậu vệ cùng pha áp sát thiếu quyết liệt của Nguyễn Quang Hải.
Trước khi Hrustic tạt bóng, Quang Hải lựa chọn lùi về bọc lót cho Nguyễn Hoàng Đức ở tình huống bóng bổng. Đây là quyết định sai, bởi khi lùi thêm 3 mét, Quang Hải đã bỏ lại khoảng trống lớn trước mặt. Khi Hrustic tạt bóng, cầu thủ Việt Nam phòng ngự bằng cách quay lưng, thay vì lăn xả ngăn đối thủ tạt bóng.
Quy hết trách nhiệm phòng ngự cho một ngôi sao tấn công liệu có công bằng? Để nói về Quang Hải, trước hết phải bàn đến vai trò của anh trong các tình huống cụ thể. Khi tuyển Việt Nam tấn công, Quang Hải kéo bóng, kết nối để luân chuyển bóng nhịp nhàng. Nhưng khi phòng ngự, Hải “con” phải bảo vệ tuyến hai, ngăn các cầu thủ Australia rót bóng vào trong. Nói cách khác, Quang Hải lúc này là một tiền vệ thủ.
Ai là người sẽ hô hào, chỉ cho Quang Hải điều cần phải làm nếu tiền vệ này đứng sai vị trí, hoặc mất kiểm soát về định hướng không gian khi tham gia phòng ngự?
Mấu chốt của bóng đá là đồng bộ và kỷ luật. Hai khẩu lệnh mà HLV Park thường sử dụng trong các buổi tập chuyên môn là “ngẩng đầu quan sát” và “mở rộng người khi tiếp bóng”. Ông đòi hỏi các cầu thủ phải quan sát liên tục. Tuy nhiên, chỉ quan sát thôi là chưa đủ.
Trong trận đấu căng thẳng, diễn biến liên tục cùng những âm thanh hỗn tạp, đan xen trên sân, cầu thủ không thể quan sát mọi tình huống (cũng là lý do Quang Hải mắc sai lầm trong bàn thua). Khi ấy, vai trò của người thủ lĩnh, điều phối đồng đội rất quan trọng. Cầu thủ này sẽ hò hét, nhắc nhở, khuyên bảo và vực dậy tinh thần nếu đồng đội có dấu hiệu mất tập trung.
Tuy nhiên, khâu chỉ huy hiện nay chỉ tạm ổn ở hàng thủ. Trong ban cán sự tuyển Việt Nam hiện tại, hàng thủ góp tới 2 thành viên là đội trưởng Quế Ngọc Hải và đội phó Đỗ Duy Mạnh. Ngọc Hải cùng Duy Mạnh và thủ môn Văn Lâm là những người hô hào, chỉ đạo đồng đội đứng vị trí phòng ngự.
Còn trên hàng công, tuyển Việt Nam đang thiếu một thủ lĩnh để điều phối đồng đội như thế. HLV Park có 2 đội phó là Lương Xuân Trường và Phạm Đức Huy, nhưng cả hai đều không có suất đá chính. Trong các cầu thủ tấn công được HLV Park ưa dùng, Quang Hải, Hoàng Đức, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tiến Linh hay Phan Văn Đức đều xấp xỉ tuổi nhau. Không ai thực sự là đầu tàu tinh thần.
“Tuyển Việt Nam đang có dàn cầu thủ tấn công đồng đều, không ai là thủ lĩnh. Lối chơi tấn công cũng không xoay xung quanh ai, mà chỉ chơi theo chiến thuật chung, chủ yếu cầu thủ xoay tua bảo ban lẫn nhau để đá. Cầu thủ hợp vai trò thủ lĩnh cần có thâm niên, hoặc nổi trội về chuyên môn. Tuy nhiên, các cầu thủ tấn công hiện nay có trình độ rất đều, tuổi tác cũng ngang ngửa nhau nên không nhìn ra ai là người dẫn dắt”, BLV Vũ Quang Huy phân tích với Zing.
Một số cầu thủ ít nhiều thể hiện được tư chất thủ lĩnh ở cấp độ CLB, trong đó có Tuấn Anh, nhưng vụt lên giữa tập thể đồng đều của ĐTQG là điều khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Minh Chiến. |
Tìm kiếm thủ lĩnh
Trở lại với tuyển Việt Nam. Đành rằng không phải cầu thủ nào cũng có tư chất lãnh đạo, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn như Quang Hải, Hoàng Đức, Tuấn Anh đã là rất tốt. Nhưng nhìn chung, ở mỗi tuyến trên sân, tuyển Việt Nam đều cần ít nhất một điểm tựa tinh thần.
“Vấn đề hàng công Việt Nam chưa có người chỉ huy một phần thuộc về tính cách cầu thủ. Nhiều tiền vệ, tiền đạo của HLV Park hiện tại thuộc mẫu thầm lặng, ít 'vung chân vung tay', nên dù trên sân họ vẫn trao đổi, giao tiếp với nhau nhưng chưa chắc người xem nhận diện được khí thế".
"Tuy nhiên, cần nhấn mạnh khi tuyển Việt Nam gặp những đối thủ vượt trội, các cầu thủ khó đáp ứng chất lượng chuyên môn, dẫn đến những cầu thủ mà chúng ta kỳ vọng, chờ đợi để trở thành ngôi sao dẫn dắt lối chơi thì họ lại không thể hiện được nhiều”, BLV Ngô Quang Tùng chia sẻ.
Như vậy, có hai khía cạnh khiến đội tuyển chưa có một thủ lĩnh hàng công thực sự, đó là thiếu một cầu thủ nổi trội về chuyên môn và thâm niên, đồng thời thiếu một cá tính hơn. Ở hàng thủ, Quế Ngọc Hải (28 tuổi) đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để dẫn dắt Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh (25 tuổi). Nhưng với những ngôi sao tấn công sàn sàn từ 23 đến 25 tuổi, khó nói ai đã ở độ trưởng thành để làm chỗ dựa cho các đồng đội khác.
Đỗ Hùng Dũng là mẫu tiền vệ xông xáo, giỏi chỉ huy điển hình của tuyển Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Đôi khi, sự đồng đều là điểm mạnh của tập thể. “Italy vô địch EURO 2020 với một hàng tấn công sàn sàn nhau. Từ Nicolo Barella, Lorenzo Insigne đến Ciro Immobile, không ai là thủ lĩnh. Một số đội bóng đi theo xu thế này. Đội bóng đoàn kết, đều quân cũng có điểm hay”, BLV Quang Huy phân tích.
Tuy nhiên, một tập thể quá đều và “tĩnh” về tâm lý, trình độ, rất khó tạo ra một điểm nhấn ở những thời điểm khó khăn. 3 năm trước, U23 Việt Nam vào tới chung kết U23 châu Á 2018 nhờ Xuân Trường bao quát, bảo ban đồng đội rất tốt. Tầm nhìn và kinh nghiệm giúp Xuân Trường không chỉ chơi tốt, mà còn là điểm tựa tinh thần, mang lại sự yên tâm cho đồng đội.
Sau này ở cấp độ đội tuyển, HLV Park có một tiền vệ giỏi chỉ huy khác thế chỗ Xuân Trường, đó là Đỗ Hùng Dũng. Không chỉ chơi xông xáo, di chuyển liên tục theo chiều dọc sân, Hùng Dũng còn tích cực giao tiếp. Anh chỉ cho đồng đội cách chạy chỗ, phối hợp, đứng vị trí phòng ngự hay phối hợp kèm người.
Đó là phẩm chất của một “nhạc trưởng”, mà cây baton để quan sát và điều tiết hệ thống chính là các khẩu lệnh. Nhờ sự xông xáo của Hùng Dũng, tuyển Việt Nam chơi hiệu quả, gắn kết từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 đến giai đoạn đầu của vòng loại World Cup 2022. Ở SEA Games 2019, bản lĩnh của Hùng Dũng là xúc tác cần thiết để U22 Việt Nam vượt qua nhiều trận khó trước Indonesia, Thái Lan để lên ngôi vô địch. Khi Hùng Dũng nghỉ hết năm 2021 để điều trị chấn thương, hàng tấn công của tuyển Việt Nam đang thiếu một đàn anh chín chắn để chỉ bảo, định hướng cho đàn em.
“Tinh thần tập thể là điều quan trọng nhưng không dễ đạt được. Rất dễ để gắn kết tinh thần toàn đội khi trận đấu diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, nhưng khi gặp vấn đề hay 'đứt gãy' lại là chuyện khác. Người thủ lĩnh cần giao tiếp tốt, biết tạo cảm hứng và thấu hiểu tâm lý đồng đội”, John Mills và Ian Bradley viết trong bản nghiên cứu về tâm lý cầu thủ Premier League.
Tìm kiếm thủ lĩnh cho hàng công có thể chưa phải bài toán cấp thiết của HLV Park thời điểm này nếu đặt cạnh những vấn đề về chuyên môn, lực lượng. Nhưng về lâu dài, ít nhất một cầu thủ như thế sẽ giúp chất lượng đội tuyển có sự chuyển biến. Hoặc ít nhất, là có sự vững vàng và dày dạn ở khía cạnh lối chơi.
Các cầu thủ đã nỗ lực với hơn 100% khả năng và đáng được ngợi khen vì những cố gắng bền bỉ. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam luôn cần những cầu thủ bản lĩnh sẵn sàng dìu dắt, bảo ban và khích lệ đồng đội trong những thế trận khó khăn, ngặt nghèo như 2 cuộc so tài vừa qua ở vòng loại World Cup 2022. Đạt đến sự hoàn thiện hơn nữa là điều cần thiết để đội bóng của HLV Park vượt ngưỡng.