Sau các trận ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, lực lượng của tuyển Việt Nam sứt mẻ nghiêm trọng khi nhiều cầu thủ tái phát chấn thương. Đình Trọng phải nghỉ thi đấu 1 tháng sau đúng 34 phút trước tuyển Saudi Arabia, Thành Chung có một vết rách cơ 12 cm khi cơ thể đã có dấu hiệu quá tải.
Trường hợp của Đoàn Văn Hậu khiến nhiều người lo lắng hơn cả. Anh sớm phải rời đội tuyển từ cuối tháng 8. Sau khi được kiểm tra lại một lần nữa, CLB Hà Nội xác định hậu vệ sinh năm 1999 tiếp tục phải lên bàn mổ để điều trị dứt điểm chấn thương.
Vấn đề là vì sao một cầu thủ được quan tâm đặc biệt như Hậu, từng được tổ chức một buổi hội chẩn riêng với đủ mọi ban bệ mà vẫn liên tiếp tái phát chấn thương?
Văn Hậu thi đấu các trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 với đầu gối băng bó. Ảnh: Quang Thịnh. |
Cầu thủ Việt Nam chưa biết tự bảo vệ mình
“Tôi cho rằng một bộ phận cầu thủ và cả các vận động viên thể thao Việt Nam đôi khi vẫn để cảm giác đánh lừa bản thân. Họ biết thể trạng mình không tốt nhưng vẫn cố thi đấu. Có rất nhiều lý do để việc này xảy ra một phần bởi tính chuyên nghiệp chưa cao. Chúng ta khao khát cống hiến nhưng đó là khi đủ khả năng”, bác sỹ Dương Tiến Cần, thành viên Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020, nói với Zing.
Ở vòng loại World Cup vừa qua, tuyển Việt Nam hứng chịu hàng loạt chấn thương. Ngoài Văn Hậu, Đình Trọng, Thành Chung và Bùi Tiến Dũng đều bị đau. Họ đều gặp chấn thương và phải nghỉ thi đấu sau quá trình làm việc tại đội tuyển quốc gia. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả từ đội ngũ y tế của đội tuyển.
Ông Cần tiếp tục: “Các bác sĩ của đội tuyển và ban huấn luyện biết mức độ chấn thương của các cầu thủ. Tôi tin ban huấn luyện có giáo án tập luyện phù hợp với cầu thủ. Nhưng trong bóng đá, có những trường hợp rất khó nói. Trên thực tế, có những chấn thương đã hồi phục thật, nhưng vì nhiều lý do, chấn thương tái phát khi cầu thủ vào sân và phải chơi vượt cường độ cho phép. Rủi ro luôn rình rập”.
Trong sự nghiệp của mình, bác sĩ Cần nhớ từng có cầu thủ nói rằng hãy làm mọi cách để anh ta được vào sân trong một trận đấu quan trọng. Trường hợp này không hiếm, nhiều cầu thủ Việt Nam khát khao được vào sân trong những trận đấu đặc biệt. Nhưng không nhiều người lưu tâm tới hậu quả họ phải nhận sau đó.
Ông Cần trầm ngâm: “Đôi khi, tình thế của huấn luyện viên cũng rất khó. Có những cầu thủ quá quan trọng, không ai thay thế được. Tôi nghĩ khi thầy hỏi bạn có thể chơi được không mà cầu thủ nói không thì HLV sẽ không mạo hiểm. Nhưng khi cầu thủ chỉ đạt 70% phong độ hoặc họ vẫn thấy đau nhưng họ vẫn gật đầu thì HLV có thể sử dụng. Nhiều cầu thủ vẫn tin rằng họ sẽ không sao sau trận đấu đó”.
Hậu quả sau đó là những chấn thương nghiêm trọng hơn, dài hơn. Đình Trọng và Văn Hậu đều từng phải nghỉ thi đấu thời gian dài sau khi cố gắng đá thêm ở đội tuyển.
Đình Trọng, Tiến Dũng đang chạy đua thời gian để bình phục chấn thương cho trận gặp tuyển Trung Quốc. Ảnh: Minh Chiến. |
Hãy thi đấu khi cơ thể sẵn sàng
“Tôi nói với các vận động viên rằng chỉ nên thi đấu khi cơ thể sẵn sàng, đừng thi đấu mà chờ cơ thể thích nghi. Hãy biết lắng nghe cơ thể. Đôi khi, có một số dấu hiệu cảnh báo rủi ro như đau nhẹ ở vị trí nào đó trong quá trình hồi phục, chỉ cần họ dùng một viên giảm đau hoặc các loại kem xoa nóng, mọi thứ sẽ qua đi. Điều ấy vô tình đánh lừa vận động viên rằng họ ổn”, bác sĩ thể thao này phân tích.
Trong một số trường hợp, việc vội vàng thi đấu khi thể trạng “tạm ổn” để lại hậu quả lâu dài mà phải sau này, cầu thủ hay vận động viên mới nhìn ra. Chẳng hạn, một số cầu thủ tại V.League bắt buộc phải quấn các loại băng cực chặt để giữ cứng phần cổ chân trước khi ra sân.
Chỉ cần quấn băng ít hoặc lỏng hơn, họ lập tức bị lật cổ chân. Đây là hệ lụy từ việc cầu thủ thường xuyên tiêm giảm đau khi gặp vấn đề ở vùng cổ chân. Cảm giác đau qua đi, cơ thể bị đánh lừa và cầu thủ cứ thế thi đấu.
Trường hợp của Trần Đình Trọng là minh chứng tiêu biểu. Trọng vốn thi đấu ổn định ở mùa 2016 và 2017 khi chưa tới 20 tuổi. Nhưng các chấn thương liên miên và việc không được nghỉ ngơi đầy đủ khiến anh trở thành một trung vệ đặc biệt mẫn cảm, có thể gục ngã bất kỳ lúc nào trước các va chạm nhẹ. Sau năm 2018, Đình Trọng chưa từng đá chính quá 5 trận mỗi mùa ở V.League.
Theo bác sĩ Cần, vẫn có những cách để giảm thiểu nguy cơ cho cầu thủ. Nhưng cầu thủ phải là người tự ý thức được chuyện đó và có trách nhiệm hơn cả với chấn thương của mình.
“Cầu thủ phải rất, rất kiên nhẫn khi gặp chấn thương. Tâm lý nôn nóng là nguyên nhân chính khiến vận động viên vội vàng nâng cao khối lượng tập luyện, thi đấu rồi lại chấn thương. Tất cả đều đã có lộ trình riêng. Cầu thủ đừng nên tiếc một trận đấu để rồi bị ảnh hưởng kéo dài tới cả sự nghiệp dài. Tôi cho rằng có thực sự khỏe mạnh thì cầu thủ mới đủ khả năng cống hiến hết khả năng cho bóng đá”, bác sĩ này giải thích.
Ông Cần cung cấp ví dụ tiêu biểu mang tên Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ của Mỹ từng từ bỏ cả Olympic: “Tôi tìm hiểu thì biết rào cản về phong độ và tâm lý khiến cô ấy mất đi sự tự tin. Cô ấy nói rằng cảm thấy chấn thương sẽ rình rập trong mỗi động tác. Vậy là Biles quyết định nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng”.
Người còn lại chính là Luke Shaw của CLB Manchester United. Năm 2015, anh gặp chấn thương gãy chân kinh hoàng. Có lúc cầu thủ này tưởng chừng phải giải nghệ nhưng vẫn rất kiên trì tập luyện. Anh không bỏ cuộc nhưng không vội vàng. Shaw chỉ vào sân khi trải qua các bài kiểm tra và cũng rất lâu mới lấy lại phong độ. Nhưng đó là một lộ trình an toàn. Kết quả là Shaw đang tỏa sáng và chứng minh mình vẫn là một trong những hậu vệ cánh hay nhất thế giới.
“Vận động viên phải biết yêu chính cơ thể, đôi chân của mình. Hãy lắng nghe và cân nhắc thật kỹ mọi thứ khi chấn thương. Không ai hiểu cơ thể, hiểu vết đau hơn chính vận động viên”, bác sỹ Dương Tiến Cần nhắn nhủ.
Ngày mai (16/9), tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu tập luyện trở lại. Các cầu thủ chấn thương sẽ có khoảng 3 tuần để hồi phục trước các trận với Trung Quốc và Oman trong tháng 10.