Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.
Sau một ngày thảo luận về nội dung này hôm 13/6, đã có 40 đại biểu phát biểu ý kiến, 9 đại biểu tham gia tranh luận, 59 đại biểu đăng ký nhưng chưa đến lượt phát biểu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia phát biểu.
-
Đề xuất xây dựng thể chế, hệ thống học liệu liên quan đến học trực tuyến
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học, phần mềm ứng dụng và hệ thống học liệu còn thiếu, chưa đảm bảo cho dạy và học trực tuyến. Bà Ánh đề xuất Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội nghiên cứu mô hình đào tạo trực tuyến giảng dạy tại cơ sở đào tạo; hoàn thiện các thể chế liên quan đến đào tạo trực tuyến; xây dựng các hệ thống học liệu và đa dạng các phần mềm ứng dụng, phục vụ giảng dạy trực tuyến; bổ sung, đầu tư trang thiết bị…
Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính để giúp các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được các gói tín dụng; bổ sung các gói hỗ trợ thất nghiệp cho các đối tượng giáo viên mầm non tư thục bị mất việc sau Covid-19.
Ngoài ra, đại biểu Hà Nội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để thực hiện phân luồng học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
-
-
Bội chi ngân sách tại 8 địa phương chưa tốt, trách nhiệm thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng có nhiều ý kiến phản ánh việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chưa tốt. Bà đề nghị cần điều tiết, quản lý kịp thời, thông suốt và hiệu quả hơn nữa việc kiểm soát giá.
Đối với quyết toán ngân sách năm 2018, bà Thủy băn khoăn bội chi ngân sách Nhà nước chưa tốt, chưa nghiêm theo luật. Cụ thể, vẫn còn 8/63 tỉnh, thành phố bội chi ngân sách địa phương có tỷ lệ 14-28%.
“Trách nhiệm người đứng đầu các tỉnh thành này như thế nào? Có phải vẫn còn tồn tại cơ chế xin cho không?, bà Thủy nói.
Vị đại biểu Hậu Giang yêu cầu Bộ Tài chính có giải trình làm rõ thêm.
-
Đề nghị có ưu đãi mới để thu hút các tập đoàn toàn cầu
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đồng ý với ý kiến điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam.
Thứ hai, bà cho biết nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy đất nước có cơ hội và nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Đại biểu đề nghị nhân cơ hội này, cần có hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Đại biểu Nam Định cho rằng cần có ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác, đề nghị xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng ở mức cao hơn để chủ động phương án đàm phán với nhà đầu tư. Đi kèm là trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là về đầu tư công, đất đai, quy hoạch; đề xuất sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến.
Bà Hoa cũng đề xuất dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử.
-
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về chứng cứ phạm tội của Hồ Duy Hải
Được mời phát biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập đến các vấn đề của nền tư pháp và dành phần lớn thời gian nói về vụ án Hồ Duy Hải - vụ án được nhiều ĐBQH nêu ý kiến trước đó.
“Đây là vụ án xảy ra từ 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không. Tôi sẽ trả lời Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không”, ông Bình đặt vấn đề.
Tóm tắt vụ án, Chánh án tòa tối cao cho biết Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Tối 13/1/2008, Hải đến đây chơi. Cô Vân đang trực, cô Hồng đang nghỉ. Quá trình nói chuyện thì nam, nữ có việc tán tỉnh giữa các bên. Sau đó Hải có ý định quan hệ tình dục với cô Hồng nên đã đưa tiền cho cô Vân đi ra ngoài mua trái cây. Hải dẫn cô Hồng vào buồng ngủ khiến cô gái phản ứng, đạp vào bụng Hải rồi bỏ chạy. Hải đuổi theo khiến cô Hồng ngã gần cái thớt, Hải cầm thớt đập vào đầu cô gái. Cô Vân sau khi đi mua trái cây về cũng bị Hải sát hại.
Chánh án nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hải phạm tội. Thứ nhất cơ quan điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường, Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại hiện trường. “Nếu không có mặt thì không thể miêu tả được”, ông Bình nói. Chứng cứ thứ hai là diễn biến hành vi. Hải khai quá trình sờ soạng Hồng không nói gì, nhưng khi đè cô gái ra đã bị phản ứng và đạp vào bụng. Sau đó, do nạn nhân bị Hải đập đầu bằng thớt nên hiện trường có thớt dính máu nằm bên cạnh đầu cô Hồng. Đỉnh đầu nạn nhân có một vết thương, kết luận pháp y xác định là do tác động của vật cứng, mặt phẳng.
Chứng cứ thứ ba là giám định pháp y trong âm đạo của cô Hồng có dịch, cơ chế hình thành dịch được giám định pháp y kết luận do quá trình kích dục có đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của cơ thể.
Về tài sản cướp được, ông Bình cho biết Hải khai sau khi giết 2 cô gái có lấy của bưu điện một số tiền và một số SIM card, lấy của 2 cô gái một số tiền và nữ trang gồm vòng tay, nhẫn…
“Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết Hải lấy được gì, nhưng khi bắt được Hải, Hải khai chi tiết lấy của ai cái gì, cơ quan điều tra hỏi gia đình nạn nhân thì họ mô tả đúng đồ vật các cô gái có. Bưu điện cũng nói rõ họ mất bao nhiêu tiền. Chi tiết đáng lưu ý là Hải khai lấy của cô Hồng dây chuyền có mặt, còn của cô Vân dây chuyền không có mặt”, ông Bình nêu rõ.
-
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về các dự án giao thông trọng điểm khắp cả nước
Xin tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu về vấn đề của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể xin làm rõ về 25 dự án trọng điểm được các đại biểu quan tâm. Ông thông tin năm nay ngành giao thông được giao 37.500 tỷ đồng, đến ngày 30/5 đã giải ngân được 12.000 tỷ.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đã giải ngân được 2.700 tỷ (khoảng 27% tổng vốn đầu tư cần giải ngân trong năm nay). Ông cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ giải ngân nốt vốn trong năm nay.
Còn về 3 dự án trọng điểm chuyển sang đầu tư công mà Quốc hội đang thảo luận, ông Thể cho biết ngành GTVT sẽ cần thêm 5.000 tỷ để triển khai tiếp.
Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ, Quốc hội đã bố trí số vốn là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 30/5, dự án mới giải ngân được 1.200 tỷ. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng GTVT nói trước Quốc hội sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay.
Giải đáp các thắc mắc của đại biểu về khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Thể cho rằng sẽ ưu tiên cho đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh.
Về trục dọc, ông cho hay sẽ tập trung cho tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60 trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.
Bên cạnh đó, ông Thể cho biết bộ sẽ tập trung thêm 4 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long là quốc lộ 62, quốc lộ 30, cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Sóc Trăng và cao tốc Kiên Giang đi Bạc Liêu.
Khu vực Đông Nam Bộ, ông cho hay sẽ đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc song song với quốc lộ 22 nối TP.HCM với Tây Ninh, cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm khác…
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ trưởng Thể cho hay sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - TP.HCM khoảng 1.700 km. Ngoài ra, bộ cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có một số dự án kết nối từ Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…
Khu vực phía đông Hà Nội, trước mắt sẽ được đầu tư để hoàn thành cao tốc tới cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường ven biển đồng bằng bắc bộ.
Khu vực phía Tây Bắc, đang nghiên cứu tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Hà Nội - Lào Cai… Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh đây đều là các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, kết nối các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Nghiên cứu thì nhiều, nhưng quyền quyết định vẫn là của Quốc hội, rất mong các đại biểu nghiên cứu, xem xét các dự án trọng điểm để đẩy nhanh trong thời gian tới”, ông Thể nói.
-
“Ngành tư pháp có sai cũng không nên đánh giá tệ hại như vậy”
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) dùng 2 phút thực hiện quyền tranh luận với các ý kiến đánh giá về nền tư pháp. Theo ông, các cơ quan, kể cả cơ quan tư pháp, có sai thì sửa. “Tuy nhiên, dù có sai, cũng không nên đánh giá về cơ quan tư pháp tệ hại như một ý kiến đánh giá”, ông Quyền nói.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng ngành tư pháp có cái sai, làm chưa tốt nhưng tổng thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp vừa qua, đến nay đã có nhiều thành tựu, góp phần ổn định xã hội. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các cơ quan sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Bởi vậy, nếu chỉ vì việc này việc kia mà đánh giá cơ quan tư pháp như vậy thì không nên.
Vấn đề được ông Quyền đặt ra là làm tốt hơn trong lĩnh vực tư pháp, làm sao tránh được oan sai, để lực lượng tư pháp tốt hơn. Theo ông Quyền, bản thân các đồng chí trong lĩnh vực tư pháp và trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cũng cần có suy nghĩ làm thế nào đưa nền tư pháp tốt hơn lên.
-
"Ai lên kế hoạch tham nhũng thì nên dừng lại ngay"
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Chính phủ xem xét, dừng tất cả các dự án không cần thiết, không có giá trị đối với nền kinh tế. Về vấn đề này, ông kiến nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng có ý kiến.
Ông Nhưỡng cũng phản ánh thực trạng cán bộ câu kết, tham nhũng ngay cả trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 và cho rằng không thể chấp nhận được.
“Cán bộ nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị chúng ta phải dừng lại ngay”, vị đại biểu nói.
Đề cập thêm đến một số vụ án thời gian gần đây có vi phạm tố tụng như vụ Hồ Duy Hải, ông Nhưỡng cho biết ông thấy nhiều vấn đề trong các vụ án này. Ông đề nghị Quốc hội có chuyên để riêng để xử lý các vụ án nghiêm trọng và cần thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý hoạt động điều tra, xét xử thời gian tới.
-
'Làn sóng thứ hai dịch Covid-19 vẫn lơ lửng trên đầu nhiều nước'
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tranh luận với Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất mở cửa dần dần với các nước, công bố hết dịch theo 3 tiêu chí.
Ông Hiếu cho rằng cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ 2 vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta, ví dụ, bên cạnh chúng ta là Trung Quốc. Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Chính vì vậy, theo ông Hiếu, ta cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học, có ngành y tham vấn. Ví dụ cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam hay quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh để không mang dịch vào Việt Nam.
Cuối cùng, ông Hiếu nhắc đến vai trò của hệ thống y tế công cộng. Đây là hệ thống đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua, nhưng đang có nguy cơ suy yếu nếu không được đầu tư. Ví dụ trong chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỷ. Ông nhấn mạnh nâng cao chất lượng nhân viên y tế là nhu cầu cấp bách, cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể có điểm sáng trên bản đồ thế giới.
-
'Xuất khẩu gạo đạt kết quả tốt dù điều hành chưa thực sự thông suốt'
Đánh giá chung về tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng nhiều khu vực trên thế giới đã tác động tiêu cực đến toàn cầu hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong hoạt động thương mại quốc tế.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, doanh nghiệp đối mặt với vấn đề về nguồn cung ứng lao động, cung ứng đầu vào và thị trường.
Trước tình hình đó, Chính phủ liên tục chỉ đạo để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, các bộ ngành cũng đã đều vào cuộc. Cụ thể, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch hành động, ban hành ngày 3/6, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp; tập trung thúc đẩy xuất khẩu và tận dụng các cơ hội; tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước và phát triển thương mại điện tử.
Về điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng cho rằng chưa thực sự thông suốt, nhưng kết quả xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt kết quả tốt. Việt Nam được nhận định trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Liên quan đến các dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải có nhiều điều chỉnh, thay đổi để đảm bảo yêu cầu cân đối cung cấp điện trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2024-2025 là giai đoạn thiếu điện. Bộ Công Thương đánh giá điện mặt trời là nguồn năng lượng quý báu để bù cho lượng điện năng thiếu hụt trong thời gian qua.
-
Đề nghị quan tâm chế độ cán bộ y tế các cấp
Đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) đề cập vấn đề trạm y tế xã ở các địa phương vùng cao, miền núi vẫn khó khăn để người dân tiếp cận, vị trí xa. Bà con vẫn còn tập quán tự chữa bệnh, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, đúng quy chuẩn. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập…
Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát các chính sách, nghị định về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ và chế độ đối với cán bộ ở các trạm y tế các cấp.
-
'Dọn tổ cho đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ'
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá thời điểm sau dịch, cả nước cần ưu tiên cao việc khôi phục phát triển kinh tế, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài, đa quốc gia trong thời gian qua được “trải thảm đỏ”, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn vướng mắc bởi các thủ tục phức tạp, kéo dài. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp nước ngoài nhưng không bỏ quên doanh nghiệp trong nước.
"Dọn tổ cho đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ", ông nói.
Đại biểu nêu trực trạng nhiều doanh nghiệp mất trung bình 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước qua các thủ tục này khiến họ cảm thấy hụt hơi, nản chí. Qua đó, ông nhấn mạnh cần tạo niềm tin về sự công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Ủng hộ các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại biểu Hải Phòng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, mở rộng nhóm được hưởng hỗ trợ như học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình, thu nhập thấp…
Vấn đề nữa vị đại biểu đề cập là triển khai Luật Quy hoạch hiện nay còn nhiều vướng mắc, nhiều quy hoạch có tính chất “gối đầu” cho giai đoạn 2021-2025 chưa triển khai khiến các dự án hạ tầng xã hội quan trọng cũng bị kéo chậm theo. Ông đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo về vấn đề này.
-
Đề nghị xử lý nghiêm hành vi trục lợi từ gói hỗ trợ phòng chống Covid-19
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần phân tích, đánh giá sâu thêm về chất lượng tăng trưởng GDP và tính bền vững, cụ thể như vấn đề cần phân tích như giải quyết việc làm, môi trường, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công…
Thứ hai, đại biểu Kon Tum nhắc đến vấn đề trục lợi từ những biện pháp, gói hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Ông Tám đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi này.
-
Đề xuất lắp đặt camera ở đường mòn, lối mở
Đại biểu Dương Ngọc Hà (Hà Giang) nêu trong thời gian giãn cách xã hội, công tác cách ly, quản lý đường biên giới ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang khó khăn, phức tạp. Bà cho rằng các khu vực này địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, cán bộ tuyến đầu chống dịch phải rải quân ở các đường mòn, lối mở, cửa khẩu.
Đại biểu đề xuất trong công tác quản lý, giám sát cần được đầu tư thêm camera quan sát tại các khu vực trọng yếu, trọng điểm, hay xây dựng các chốt cứng cho biên phòng ở đường biên sẽ tiết kiệm được sức người, sức của. Bên cạnh đó, quốc lộ 279 đi qua 10 tỉnh miền núi, có vị trí quan trọng, chiến lược.
Dự án được triển khai phê duyệt rất lâu nhưng chưa hoàn thành. Bà kiến nghị Chính phủ sớm giải ngân vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện 24 dự án trong đó có dự án này.
-
Đề nghị lập lộ trình mở cửa với 17 đối tác quan trọng của Việt Nam
Nhắc đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.
Về việc cần làm, ông Nhân phân tích Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nền kinh tế có quan hệ đối tác quan trọng nhất.
“17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên”, Bí thư TP.HCM đề nghị.
Theo ông, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Đức, Australia… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.
7 nền kinh tế còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì cần theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay. Một dự báo “không tốt lắm”, song theo Bí thư TP.HCM, Việt Nam cần quan tâm, đó là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 15% và du lịch giảm 50%. Ông cho rằng cần tính tới các dự báo này để có điều chỉnh phù hợp.
-
Thu hút đầu tư nước ngoài hậu Covid-19
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề cập đến vấn đề đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài thời hậu Covid-19. Ông đề nghị cần có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư, trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể, chủ động.
-
Tranh luận thẳng thắn, xây dựng
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định phát biểu của các đại biểu Quốc hội khá sôi nổi, chất lượng, tranh luận rất thẳng thắn, mang tính xây dựng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trùng nhau.
Để các đại biểu có thể phát biểu hết, Đoàn Chủ tịch đề nghị trong ngày 15/6, các đại phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút. Các bộ trưởng tham gia phát biểu không quá 7 phút, cố gắng tập trung vào các nội dung còn ít được đề cập để thảo luận toàn diện, đầy đủ và có chất lượng.
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 13/6 nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội về các vấn đề dân sinh gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân như giao thông, giá thịt lợn, tăng lương cơ sở…
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo. Bà cho rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trong việc này.
Giải trình trước trước Quốc hội về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy trong nước là nguyên nhân cơ bản làm biến động giá. “Quy luật cung cầu chưa gặp nhau thì giá tăng”, ông Cường nói.
Theo ông, không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. “Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, Bộ trưởng Nông nghiệp nêu quan điểm.
3 nhóm giải pháp bình ổn giá thịt lợn được ông đưa ra gồm tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc đến vấn đề muôn thuở là “giao thông miền Tây”. Theo ông, việc phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề được người dân tại đây hết sức quan tâm. Họ luôn mơ ước có hệ thống cao tốc kết nối khu vực với TP.HCM nhưng nguy cơ chậm tiến độ ở cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ lại đang hiện hữu.
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để lưu thông toàn tuyến bằng phương thức đầu tư công, bảo đảm công khai minh bạch, có cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả...