Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hoãn tăng lương là hy sinh cho quốc gia, dân tộc'

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra sử dụng vào những mục tiêu nào.

Hôm nay (13/6), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp trong 2 ngày 13 và 15/6 để cử tri cả nước theo dõi.

Như thường lệ, trong các phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, và nhiều vấn đề bức thiết ở các địa phương được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường.

  • Ủng hộ chưa tăng lương cơ sở

    Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chưa có thống kê cụ thể, nhưng cuộc chiến chống Covid-19 chắc chắn đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của cả nước và chắc chắn giai đoạn phục hồi sau dịch cũng sẽ cần rất nhiều nguồn lực. Do đó, ông Thắng ủng hộ việc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 1

    Đây là quyết định ảnh hưởng tới thu nhập của hàng triệu người dân nhưng theo đại biểu Thắng đây là sự hy sinh cần thiết.

    “Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, tôi tin rằng quyết định chưa tăng mức lương cơ sở để dành nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách khác, dù còn có những băn khoăn, nhưng sẽ được ủng hộ”, ông Thắng nói.

    Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động của vấn đề này và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở sẽ kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào những mục tiêu nào để nhân dân được biết và ủng hộ.

    Ông khẳng định cần xem nguồn lực này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, song chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách khác phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu.

  • “Biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa mới bằng NSNN là không cần thiết”

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tập trung vào đánh giá Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2018 về đổi mới chương trình phổ thông và sách giáo khoa phổ thông. Về hạn chế, bà Thúy cho biết để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

    “Việc biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách Nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, bà nói.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 2

    Hai là, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, nhưng theo phản ánh, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền này không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau.

    Đại biểu Đà Nẵng đề nghị cần triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác; xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý; bảo đảm về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, đồng ý với việc chấp thuận không tổ chức biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa mới bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

    Đề xuất để tư nhân biên soạn sách giáo khoa

    Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) tiếp lời về nội dung biên soạn sách giáo khoa. Bà đồng ý ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng ngân sách Nhà nước để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Thay vào đó, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện để góp phần hạn chế độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong việc biên soạn sách giáo khoa.

    Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian tới tăng cường biện pháp đảm bảo chất lượng của sách giáo khoa một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, xây dựng, tính đến cơ chế về giá.

  • Tránh việc doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn

    Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng thời kỳ hậu Covid-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động. Ông cho rằng dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

    Ông đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần các có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả…

  • Mơ ước hệ thống giao thông kết nối ĐBSCL với TP.HCM

    Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay việc phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề được người dân tại đây hết sức quan tâm với mơ ước có hệ thống cao tốc kết nối khu vực với TP.HCM. Ông Hòa chia sẻ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tới cuối năm 2020 có thể thông tuyến là tín hiệu mừng. Tuy nhiên dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km đang có nguy cơ chậm tiến độ, khó kết nối vùng với TP.HCM.

    Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để lưu thông toàn tuyến bằng phương thức đầu tư công, bảo đảm công khai minh bạch, có cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả.

    Ông Hòa cũng đề nghị Chính phủ có quy hoạch về dự trữ nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long để đối phó biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn cũng như bảo đảm đời sống và sản xuất cho 20 triệu cư dân trong vùng. Đại biểu từ Đồng Tháp cũng cho rằng nên có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn trong nước vì sau dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương đã mất trắng đàn lợn. Có nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn lợn nhưng thiếu vốn, không có giống chất lượng. Nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ, ông tin rằng đến đầu năm 2021, đàn lợn sẽ được phục hồi về mức trước khi có dịch tả lợn.

  • Đảm bảo quốc phòng an ninh gắn với nền tảng công nghệ số

    Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sau đại dịch Covid-19, thì xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội đang bùng nổ và trỗi dậy mạnh mẽ. Tại Việt Nam, nền tảng số cũng đang trở thành thành phần chính đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ở hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ cho hình thái kinh tế - xã hội mới.

    Công nghệ đang chuyển sang nền công nghệ số, nền tảng online, nhưng lại chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và rủi ro cao. Đại biểu Bạc Liêu đề nghị khẩn trương ra nghị quyết riêng để phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh gắn với nền tảng công nghệ số.

    Thứ hai, đại biểu Tạ Văn Hạ có ý kiến về tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Cụ thể, đề nghị ưu tiên sắp xếp dự án này là dự án quan trọng, cấp bách, bố trí đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

  • Đề xuất cắt giảm chi tiêu thường xuyên tối thiểu 10%

    Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) đề cập vấn đề nguồn thu ngân sách Nhà nước bị giảm trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, cần tích cực thanh tra, kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tài sản công, chống thất thu. Đặt mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.

    Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, cả của từ năm 2019 chuyển sang, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.

    Đại biểu Hưng Yên cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, tính toán, đánh giá lại tài sản Nhà nước để có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

  • Phát triển y tế thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề cập đến nhiều bất cập, tiêu cực trong tình hình kinh tế xã hội sau dịch Covid-19. Như việc các hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh, nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ như giá bán, thông tin, chất lượng sản phẩm… khiến người tiêu dùng hoài nghi. Tình hình trục lợi của cá nhân tổ chức khi đất nước chiến đấu với dịch bệnh nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại hành hóa dịch vụ bị đẩy giá lên cao nhiều lần.

    “Lương thực, thực phẩm, thuôc chữa bệnh dù không khan hiếm vẫn bị một số thương nhân lợi dụng dịch bệnh, cấu kết đẩy giá lên cao làm thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông nói.

    Vị đại biểu cho rằng qua dịch Covid-19, cho thấy khả năng chuyên môn, nghiệp vụ rất cao và tiềm năng to lớn của ngành y tế Việt Nam. Vị thế, uy tín y tế Việt Nam qua đây được nâng tầm. Ông đề nghị cần có chính sách, chiến lược phát triển nganh y tế hơn nữa, từ chăm sóc sức khỏe nhân dân có thể trở thành ngành kinh tế chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế quan trọng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước.

  • Nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch

    Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nhiều hoạt động phá rừng có dấu hiệu được che chắn, bảo kê. “Phần lớn vi phạm có báo chí ở xa nhưng phát hiện, lên tiếng cảnh báo, còn cơ quan quản lý ở gần không nhận thấy, không phát hiện, xử lý”, ông Phương bức xúc.

    Ông Phương cũng cho hay dù dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, vẫn có những thành phần gây khó dễ cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vẫn có tình trạng bị nhũng nhiều, gây phiền hà, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó khăn.

    Ông đề nghị phải có sự vào cuộc kiểm tra nguyên nhân các doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản để phát hiện liệu có cá nhân, tổ chức nào gây khó khăn, cản trở dẫn tới doanh nghiệp phá sản hay không và tập trung xử lý.

  • Quốc lộ phục vụ Đồng Tháp Mười xuống cấp nghiêm trọng

    Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) truyền đạt nguyện vọng cử tri vùng Đồng Tháp Mười, cho biết người dân rất kỳ vọng về 3 tuyến quốc lộ. Trong đó quốc lộ 62 kết nối Long An và vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Dù là tuyến rất quan trọng, huyết mạch có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, nhưng ông Liên cho rằng đã xuống cấp trầm trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

    Ông đề nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm đầu tư, nâng cấp tuyến quốc lộ này đảm bảo phát triển kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, tuyến đường N2, đã được đầu tư tương đối đồng bộ nhưng ở một số đoạn chỉ đi được 2 làn xe, xuống cấp mà lưu lượng tham gia giao thông vẫn rất đông. 

  • Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nhìn nhận chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nước ta là 6,8%, nhưng do các tác động của dịch, dự báo từ các tổ chức quốc tế cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ còn 4,8%, 4,9%. Thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo chỉ 2,7%. Do đó ông đề nghị Chính phủ xem xét có cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu, phân bổ ngân sách, nguồn lực cho hợp lý, dự báo chi tiết khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.

    Về các chính sách hỗ trợ người ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Hải đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát công tác chi trả này. “Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”, đại biểu nói.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 3

    Ông cũng nhìn nhận ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành “cứu cánh”. Ông nói cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp. Ông đề xuất cần tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư linh vực này, bớt, bỏ các rào cản, thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng.

    Bên cạnh đó, đại biểu Tiền Giang đề nghị Chính phủ, địa phương xem xét sớm có giải pháp điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang dự án khác. “Nhưng cần tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tránh cơ chế xin - cho, tiêu cực có thể xảy ra”, ông Hải nói.

  • Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về giá thịt lợn cao, lúng túng trong xuất khẩu gạo

    Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quan trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo. Bà cho rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trong việc này.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 4

    Dù nhất trí với đề xuất dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức, nhưng bà cho rằng đây chưa phải giải pháp căn bản và phần đông cán bộ không yên tâm. Bà đề xuất Chính phủ có giải pháp cắt giảm chi tiêu, đầu tư công cần có trọng điểm, hiệu quả, thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn này.

    Nhắc đến vấn đề an ninh nguồn nước, đại biểu Đắk Lắk cho hay người dân Tây Nguyên đang chịu cảnh thiếu nước dù trong thời tiết nóng “cháy da cháy thịt”. “Vườn, nương, rẫy cà phê, điều, tiêu của người dân Tây Nguyên đang xơ xác vì đói nước”, bà nói và cho hay tình trạng này có ở nhiều nơi.

    Bà cho rằng Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước, nhất là từ các hệ thống sông chảy qua nhiều quốc gia. Bà đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp điều tra, xử lý đảm bảo tài nguyên nước từ đó xây dựng đề án, chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước.

  • Cần giải ngân sớm gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hàng không, du lịch

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng năm 2020 có nhiều biến động lớn như đại dịch Covid-19 cùng thiên tai, hạn hán, Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, tạo niềm tin cho cử tri và cộng đồng quốc tế... Ông cũng đánh giá việc các chỉ số kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức gần 3% trong những tháng đầu năm là dấu ấn rất quan trọng, trong đó có 13 tỉnh vẫn cam kết giữ mức tăng trưởng như kế hoạch.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 5

    Ông Lâm Thành bày tỏ nhất trí với Chính phủ về các giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là việc giải ngân các dự án đầu tư công, dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc Chính phủ cần sớm giải ngân gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, du lịch cũng như các ngành liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

    Ông Thành cũng chất vấn về tiến độ của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ghi nhận nhiều quyết tâm của Thủ tướng cũng như của các bên liên quan tới dự án, tuy nhiên tới hiện tại dự án vẫn gặp nhiều trở ngại khi nhiều hợp phần vẫn khó khăn về bố trí vốn. Ông đề xuất cần có chuyển đổi sang đầu tư công - tư để công trình sớm hoàn thành kịp dự kiến, đưa vào khai thác sử dụng.

  • Đề xuất không cần nhập khẩu thịt lợn

    Đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết giá lợn hơi hiện neo ở mức cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg. Bà cho rằng cần có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi và giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân tái đàn lợn. Bên cạnh đó, cần kích cung trong nước để đảm bảo nguồn cung, không cần nhập của các nước để tự chủ được nền kinh tế.

  • Đề nghị lập chốt kiểm tra nồng độ cồn gần quán nhậu

    Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bảy tỏ sự đồng tình của cử tri, cũng như đại biểu đến sự chỉ đạo của Chính phủ đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Bà cho hay cả nước đang bước vào giai đoạn mới, dồn toàn lực vào phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch. Sự ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm có thể thấy rõ, đặc biệt là sự đình trệ của các hoạt động ăn uống, thương mại, dịch vụ, giải trí…

    Nhưng gần đây, vị đại biểu cho rằng sau giãn cách xã hội, tình trạng người dân tham gia giao thông, uống rượu bia có chiều hướng gia tăng. Bà đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm đặc biệt là các hành vi lái xe khi có nồng độ cồn.

    “Có thể thiết lập chốt chặn gần các quán nhậu hoặc đầu các tuyến cao tốc”, nữ đại biểu đề xuất.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 6

    Bà Dung cũng đề cập đến việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở một số tỉnh thành, trong đó bà cho rằng Long An có nhiều thế mạnh, nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thông liên vùng. Chính vì vậy, người dân rất mong đợi trục giao thông động lực kết nội TP.HCM, Tiền Giang và Long An.

    Bà đề nghị Thủ tướng sớm quy hoạch tuyến đường này vào mạng lưới giao thông quốc gia và có chính sách hỗ trợ cho các địa phương thực hiện dự án này.

  • Đề nghị thông qua chính sách đặc thù

    Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

    Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

    Các đại biểu Quốc hội sẽ có 2 ngày để thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Quân.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 7

    Các đại biểu Quốc hội sẽ có 2 ngày để thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Quân.

    Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

    Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

    Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

    Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

    Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

  • Xin điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

    Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội vào phiên khai mạc (hôm 20/5), người đứng đầu Chính phủ cho biết toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

    Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội vào phiên họp khai mạc ngày 20/5. Ảnh: VGP.

    Chinh phu xin dieu chinh muc tieu tang truong anh 8

    Song Thủ tướng nêu rõ những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.

    Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

    Ông nhắc nhở phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu.

    Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp, đối sách mạnh, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”.

    So với cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

    Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm