5 năm qua, Hiếu đã cho ra đời hơn 200 tác phẩm sách đóng thủ công bằng tay và cộng tác với một số nhà xuất bản lớn ở Hà Nội trong nhiều dự án đặc biệt. Không kể, công việc đóng sách của Hiếu đã lan tỏa khi tìm thêm được những người đồng hành để truyền kinh nghiệm và chia sẻ công việc...
Trần Trung Hiếu say mê với nghề đóng sách thủ công truyền thống. |
Đem lại sức sống lâu bền cho sách
Tháng 4/2021, Hiếu hoàn thiện việc khâu và bọc lại bìa cho một tập thơ chép tay đã khá cũ kỹ, có từ năm 1980 của một cựu chiến binh lớn tuổi ở Hà Nội. Khi thấy cha mình, chủ nhân của cuốn sổ, giữ gìn trong tiếc nuối những trang sách đang dần bị thời gian tàn phá, con trai ông đã mang chúng đến giao cho người thợ trẻ Trần Trung Hiếu.
Tập thơ lưu giữ những kỷ niệm hào hoa, sôi nổi một thời đã khiến Hiếu thực sự xúc động. Anh chọn cách bọc giản dị mà trang trọng với một nửa là da dê màu đen, một nửa là vải buckram màu xám tro. Tiêu đề sách được mạ bạc ở sau gáy và các đường viền được mạ với nét cong nhỏ. Một số chi tiết bị hư hại cũng đã được dỡ ra và vá lại trước khi khâu toàn bộ các tay sách với 2 đai ruy băng hỗ trợ và được xỏ vào với bìa để có liên kết chắc chắn.
“Tôi đã trực tiếp mang tập thơ hoàn thiện trao cho chủ nhân. Ông vui mừng khi gặp lại người bạn quý nay được “sống lại” chắc chắn hơn nên giữ tôi lại trò chuyện. Tôi được ông kể cho nghe nhiều câu chuyện thú vị về Hà Nội xưa, trong đó có nghề in sách”, Hiếu nhớ lại.
Trước đó, tháng 3/2021, anh vinh dự tham gia một dự án đặc biệt của công ty sách Nhã Nam khi lần đầu tiên cho ra mắt công chúng ấn bản sử dụng chất liệu da thật, cuốn Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim. Ấn bản quý đã hơn 100 tuổi này được Hiếu và các cộng sự lựa chọn làm bìa bằng da bò được thuộc thủ công bằng thảo mộc.
Điểm độc đáo và thú vị nhất ở ấn bản Việt Nam sử lược bìa da thật là cấu trúc bề mặt, các vân da trên bìa mỗi cuốn hoàn toàn khác nhau. Nhờ sự gia công tỉ mỉ và những sáng tạo không giới hạn của những người thợ trẻ như Hiếu, mỗi cuốn sẽ là dấu ấn riêng, mang lại giá trị với người sưu tầm. 5 năm theo nghề, Hiếu đã cho ra đời hơn 200 tác phẩm sách đóng thủ công bằng tay và cộng tác với một số nhà xuất bản lớn ở Hà Nội trong nhiều dự án đặc biệt.
Đam mê học hỏi
Cùng số phận như nhiều nghề truyền thống khác, nghề đóng sách thủ công được du nhập vào nước ta từ châu Âu, nhưng đã dần mai một và biến mất trước những bước tiến của công nghệ. Đóng sách công nghiệp cho năng suất lớn và giá thành rẻ; tuy nhiên, sức sáng tạo, dấu ấn riêng, đặc biệt là độ bền bỉ của cuốn sách vẫn là thách thức mà các sản phẩm làm bằng máy chưa thể tạo ra được. Đó cũng chính là lý do mà ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành mỹ thuật tại Hà Nội, Trần Trung Hiếu đã “phải lòng” nghề đóng sách thủ công truyền thống.
Mỗi cuốn sách đóng hoàn chỉnh cần qua 5 công đoạn chính, gồm đánh giá sách, dỡ sách, tạo dựng cấu trúc sách, bọc bìa và trang trí, đòi hỏi thời gian hoàn thiện từ 3 đến 5 ngày, thậm chí kéo dài 1 - 2 tháng. Tự mày mò học hỏi từ những nghệ nhân đi trước, anh say mê tìm tòi, nghiên cứu và dần hoàn thiện các kỹ thuật đóng sách, trang trí cổ điển, trong đó chú trọng bọc bìa da và mạ vàng các hoạt tiết trên gáy hoặc bìa sách. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, Hiếu cũng thử nghiệm thêm kỹ thuật hiện đại trên chất liệu truyền thống.
“Tôi đã mất khoảng 2-3 năm tìm hiểu những kiến thức cơ bản của nghề đóng sách. Còn kỹ thuật nâng cao thì phải học rất lâu, thậm chí học cả đời. Một trong những động lực khiến tôi luôn muốn cải thiện kỹ năng, đó là được ngắm nhìn những tác phẩm của nghệ nhân thời xưa… Theo nghề mình được sáng tạo, được học hỏi và lao động với nhiều công đoạn đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và tĩnh lặng tuyệt đối, đó cũng là lựa chọn của riêng tôi”, Trần Trung Hiếu tâm sự.
Nhiều tín hiệu vui đã đến khi trong hành trình theo đuổi đam mê, anh thợ trẻ đã không còn đơn độc. Từ xưởng tại gia đình, nay đã chuyển tới địa điểm rộng hơn, xưởng đóng sách của Hiếu luôn sáng đèn. Sách vẫn được gửi tới từ những người yêu sách trong cả nước, từ các nhà xuất bản với mong muốn duy trì sự sống vĩnh cửu cho báu vật của mình.
Do khối lượng công việc ngày một nhiều, Hiếu đã tìm thêm những người đồng hành để truyền kinh nghiệm và chia sẻ công việc. Xưởng đóng sách thủ công có tên gọi Sao Bắc nằm trong ngõ 300 Nguyễn Xiển giờ là nơi anh được sống, làm nghề và chia sẻ đam mê của mình với khách hàng và những người thợ trẻ học việc.
“Mục tiêu của tôi là tạo ra những cuốn sách có chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao nhất, đưa nghề đóng sách vốn từ châu Âu về với Việt Nam, nay đưa tên đất nước Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Điều này cần rất nhiều thời gian, sự tâm huyết và tiếp thu học hỏi không ngừng”, anh Trần Trung Hiếu tâm niệm.