Bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ vì chấn thương mà lỡ dở cả sự nghiệp, để lại rất nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ. Trong số ấy, phần lớn là những chấn thương đầu gối.
Để lại nhiều xót xa
Đáng tiếc nhất có lẽ là trường hợp của cựu tiền đạo Trần Minh Chiến, người từng là chân sút hàng đầu của bóng đá Việt Nam. 19 tuổi, Minh Chiến được gọi vào tuyển quốc gia. Bán kết SEA Games năm 1995, Minh Chiến tung cú sút cháy lưới Myanmar qua đó đưa Việt Nam vào chung kết.
Tuy vậy đó lại là khoảnh khắc chói sáng nhất của anh trên cương vị cầu thủ. Trải qua nhiều lần mổ gối, với những lần đứt dây chằng khiến Trần Minh Chiến chính thức giã từ sự nghiệp đỉnh cao ở tuổi 22 - độ tuổi mà cầu thủ còn chưa kịp bước vào độ chín. Minh Chiến giải nghệ khiến bóng đá Việt Nam không khỏi nuối tiếc một tiền đạo mà theo lời danh thủ Hồng Sơn là "khéo léo nhất" anh từng biết.
Cựu tiền đạo Trần Minh Chiến giải nghệ sớm. Anh giờ đã trở thành một HLV có tiếng. |
Sau Trần Minh Chiến, nhiều cái tên khác của bóng đá Việt Nam cũng phải chia tay sự nghiệp vì những chấn thương gối. Cựu hậu vệ Thể Công - Nguyễn Đức Thắng cũng phải giải nghệ khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Anh từng tiết lộ mình bị chấn thương đầu gối nhưng không dám phẫu thuật.
Đặng Thanh Phương của Thể Công cũng là một trường hợp như thế. Anh là em trai của cựu tiền đạo Đặng Phương Nam, từng là cầu thủ xuất sắc tại giải U18 Quốc gia năm 1998 và cùng thời với Văn Quyến, Quốc Vượng. Tuy vậy, chấn thương gối liên tục khiến anh phải sớm giã từ sự nghiệp ở tuổi 24 dù đã được đưa sang Đức chữa trị.
Trường hợp phải giã từ sự nghiệp do chấn thương gối gần đây nhất là tiền vệ Anh Khoa của Đà Nẵng. Sau cú triệt hạ của Quế Ngọc Hải, Anh Khoa đứt dây chằng đầu gối và vĩnh viễn không thể trở lại sân cỏ được nữa. Dù đã được Ngọc Hải đền bù chi phí mổ, chữa trị tại Singapore nhưng tiền vệ của Đà Nẵng đành giải nghệ ở tuổi 26 - giai đoạn đẹp nhất sự nghiệp.
Anh Khoa phải giải nghệ sớm sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải. |
Bên cạnh những trường hợp phải giã từ sự nghiệp, những chấn thương gối cũng khiến nhiều cầu thủ Việt đánh mất phong độ. Tiền vệ Công Minh của SLNA là một ví dụ. Anh từng là quân bài không thể thay thế của HLV Calisto tại SEA Games 2009, nhưng cũng ở giải đấu đó, anh dính chấn thương gối rất nặng sau pha chơi xấu của Arthit (U23 Thái Lan).
Trở lại không dễ dàng
Sau đó, Công Minh vật vã với chấn thương của mình và mất gần 2 năm mới bình phục. Sự nghiệp của anh sau đó khá lận đận khi trôi dạt đến Hòa Phát Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Đắk Lắk nhưng không thể lấy lại phong độ như xưa.
Hay Nguyễn Hữu Thắng - cựu tiền vệ CLB Bình Dương cũng là trường hợp như vậy. Anh bước ra từ SEA Games 22, được đánh giá là một trong những tiền vệ toàn diện nhất khi ấy nhưng chấn thương trước Hàn Quốc năm 2006 khiến sự nghiệp của anh gián đoạn, để rồi mãi không thể trở lại phong độ đỉnh cao như trước. Dù rất nỗ lực trở lại nhưng Thắng "Thòn" cũng chỉ chơi được với 6-7 phần trước đây.
Trước đó, tiền vệ tài hoa Hồng Sơn cũng từng trải qua hàng loạt chấn thương đấu gối. Anh từng chia sẻ: "Chân trái từng phải mổ 1 lần đứt dây chằng chéo và vỡ sụn chêm. Chân phải cũng vỡ sụn chêm phải mổ đầu gối 2 lần... Ngày còn thi đấu bóng đá, những chấn thương ấy đã hành hạ mình khủng khiếp, mỗi khi trái gió trở trời là đau. Rồi có khi đang bước đi thì bị hẫng mà ngã xuống… Đến bây giờ, những cơn đau nhức diễn ra rất thường xuyên".
Sự nghiệp của cựu tiền vệ Hồng Sơn từng gặp không ít trắc trở vì chấn thương gối. |
Nói vậy để thấy, việc trở lại sau những chấn thương đầu gối là không đơn giản chút nào. Chưa nói đến việc tìm lại đỉnh cao phong độ, chỉ cần những chấn thương gối hồi phục hoàn toàn đã là điều rất khó khăn.
Lê Công Vinh - chân sút số 1 của bóng đá Việt Nam cũng từng vật vã với chấn thương đầu gối. Năm 2010, Công Vinh bị đứt dây chằng gối trái khi thi đấu cho Hà Nội T&T. Nói về chấn thương, anh cho hay: "Khi nhận tin đứt dây chằng, tôi cảm giác như đất trời sụp đổ. Một cầu thủ đứt dây chằng khác nào ca sĩ đứt thanh quản hay họa sĩ bị mù".
Sau này, Công Vinh cũng đã hồi phục hoàn toàn và chơi bóng với phong độ cao nhất, nhưng hành trình trở lại của anh cũng không dễ dàng. Công Vinh mất tổng cộng 1,4 tỷ đồng để điều trị chấn thương tại Bồ Đào Nha, con số rất lớn với cầu thủ Việt. May mắn cho Công Vinh khi sau 10 tháng, anh cũng có thể trở lại chơi với 95-100% phong độ.
Tuy vậy, Công Vinh có lẽ là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam có thể trở lại với phong độ đỉnh cao như trước khi dính chấn thương. Phần lớn những trường hợp khác đều phải chia tay sân cỏ khi đang ở độ chín, hoặc không thể tìm lại đỉnh cao như trong quá khứ.
Công Vinh là trường hợp hiếm hoi trở lại với phong độ đỉnh cao sau chấn thương đứt dây chằng gối. |