Tin Xuân Trường dính chấn thương nặng phải nghỉ từ 5-6 tháng gây xôn xao với người hâm mộ. Tuy nhiên, với nhiều người trong giới bóng đá, chấn thương dây chằng rất phổ biến và khó lường, có thể đến bất cứ lúc nào và xảy ra với bất cứ ai.
Văn Thanh từng lỡ hẹn AFF Cup 2018 vì chẩn đoán sai mức độ chấn thương. Ảnh: Quang Thịnh. |
Nhiều cầu thủ HAGL đứt dây chằng
Nhắc tới chấn thương đứt dây chằng ở HAGL lúc này là phải nói đến tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh. Cầu thủ trưởng thành từ học viện HAGL-Arsenal JMG đã phải phẫu thuật cả hai đầu gối, dính 12 chấn thương trong vòng 6 năm tập luyện và thi đấu cho đội bóng phố núi.
Nếu cựu GĐKT Chung Hae-seong không kịp thời giới thiệu người bạn là bác sĩ Choi, có lẽ Tuấn Anh cũng có kết quả tương tự người bạn cùng khóa Lê Văn Vũ, thủ khoa của khóa I JMG với lứa Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường. Tuy nhiên, anh sớm trở thành trợ lý HLV sau khi dính chấn thương sụn chêm.
Hậu vệ Vũ Văn Thanh từng bị đứt một phần dây chằng đầu gối phải sau nhiều buổi tập bình thường. Trước đó, cầu thủ này không thể đi lại trong thất bại trước CLB TP.HCM khi trận đấu kết thúc. Văn Thanh được chụp MRI sớm, nhưng kết quả chẩn đoán không chính xác khiến ngay cả cầu thủ và ban huấn luyện cũng chủ quan.
Cầu thủ cùng bay sang Hàn Quốc phẫu thuật với Tuấn Anh là hậu vệ Lê Đức Lương. Anh cũng dính chấn thương dây chằng cổ chân và chỉ thi đấu được 11/26 trận của HAGL ở mùa giải này. Năm 2017, HAGL có 2 ca chấn thương dây chằng khác là của tiền đạo Đinh Thanh Bình và thủ môn Lê Văn Trường.
Sau nhiều lần lên bàn mổ, Tuấn Anh đã hiểu rõ hơn về chấn thương của mình khi điều trị tại Hàn Quốc. Ảnh: HAGL. |
HLV Dương Minh Ninh chia sẻ với Zing.vn: “Chấn thương là một phần trong bóng đá, nói thì cũng rất hên xui, đặc biệt là chấn thương dây chằng ở các cầu thủ. Nhiều khi va chạm nhẹ cũng bị tổn thương hoặc tự gây ra cho mình. Theo tôi, quan trọng vẫn là quá trình phục hồi”.
Tại V.League, không hiếm những trường hợp bị đứt hoặc tổn thương dây chằng khiến cầu thủ phải “dừng cuộc chơi”, sự nghiệp đi xuống. Đây thực sự là vấn đề nan giải của đội bóng phố núi nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Vì vậy, nhiều cầu thủ sau này dè dặt khi bị nhắc đến tiền sử chấn thương dây chằng. Đa số cầu thủ đều muốn mọi người quên đi cơn ác mộng đó, không muốn lên báo cùng chấn thương cũ. Bởi lẽ, nó ảnh hưởng đến việc đàm phán hợp đồng khi chuyển sang đội bóng mới.
Ý thức đi lên nhưng sự thay đổi chậm
Chấn thương dây chằng phổ biến trong thể thao, và rủi ro sự nghiệp do chấn thương này gây ra cũng cao. Vậy nên, phẫu thuật là giải pháp đầu tiên cần can thiệp nhưng giai đoạn phục hồi chiếm gần một nửa sự thành công của ca mổ.
Bác sĩ Trương Công Dũng, chuyên gia dây chằng được mời theo đội U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017, cho biết: “Quá trình vật lý trị liệu hậu phẫu quyết định 40-60% sự trở lại của cầu thủ. Thời gian phục hồi hoàn toàn ít nhất 6 tháng, và tôi chia thành 5 giai đoạn cụ thể để theo dõi quá trình”.
Trở lại với Học viện HAGL JMG, không phải ngẫu nhiên mà ngày đầu tiên làm việc của mình, GĐKT Chung Hae-seong bắt tay vào việc nâng cấp phòng gym và mua thêm trang thiết bị tập luyện.
Dưới con mắt chuyên môn, căn phòng mà Tuấn Anh tập hồi phục sau phẫu thuật còn thiếu nhiều dụng cụ. Học viện chủ yếu tập trung vào dinh dưỡng, chưa chú ý đến vấn đề phục hồi sau chấn thương cho đến khi bác sĩ Choi ghé thăm.
Tiền vệ người Thái Bình từng có quãng thời gian dài trong năm 2017 làm bạn với cục tạ. Ngày trở lại V.Leaguea 2018, anh dính chấn thương sau pha va chạm với đồng đội trên sân Lạch Tray của Hải Phòng.
Có cảm giác, đầu gối của Tuấn Anh chỉ cần đụng vào là có chuyện. Trường hợp như hậu vệ Anh Khoa của Đà Nẵng, dù phẫu thuật thành công ở Singapore nhưng cũng phải giã từ sự nghiệp sau quá trình phục hồi một mình ở Việt Nam.
Công Vinh từng tiêu tốn rất nhiều tiền để phẫu thuật chấn thương dây chằng ở Bồ Đào Nha và thuê chuyên gia về Việt Nam theo dõi. Ảnh: Minh Chiến. |
Chắc chưa ai quên cựu tiền đạo Lê Công Vinh từng bị đứt dây chằng, phải bán xe và được hỗ trợ đi Bồ Đào Nha phẫu thuật. Chân sút nổi tiếng này còn thuê luôn chuyên gia thể lực từ Bồ Đào Nha về Việt Nam để theo dõi quá trình phục hồi.
“Nhiều cầu thủ đã không vượt qua được nỗi ám ảnh chấn thương đó, tôi may mắn làm được sau 8 tháng”, Công Vinh từng hào hứng kể lại như vậy khi lấy lại ánh hào quang trong màu áo ĐT Việt Nam.
Nằm trên cáng rời sân, Tuấn Anh bật khóc. Anh có lẽ đã không hiểu tại sao chấn thương luôn tìm đến với mình. Khi được gặp chuyên gia Choi Ju-young với chuỗi ngày dài ở Hàn Quốc, sự hiểu biết về chấn thương và khả năng tự chăm sóc bản thân của Tuấn Anh sẽ phát triển như đàn anh Công Vinh.
Thiếu chuyên gia ở các CLB V.League
Chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng có chuyên môn trị liệu bằng các biện pháp y học truyền thống lẫn công nghệ tiên tiến, dưới sự hỗ trợ của các lĩnh vực y học liên quan, để hỗ trợ sức khỏe và phục hồi các chức năng, năng lực vận động và nhận thức tâm lý vốn có, đã mất đi, suy giảm hoặc tiềm ẩn của cơ thể.
Không chỉ ở HAGL mà hầu hết CLB ở V.League đều chỉ có chức danh bác sĩ hoặc bác sĩ thể thao. Họ kiêm luôn chuyên môn của những nhà vật lý trị liệu, hoặc có khi đảm nhiệm luôn nhiều khía cạnh khác trong y học vượt ra ngoài phạm vi thể thao, mà chấn thương dây chằng là ví dụ.
Công tác y tế thường được chú ý đầu tư ở các đội tuyển chứ chưa được nhìn nhận đúng mức độ ở cấp CLB. Ảnh: Quang Thịnh. |
Không phải tự nhiên HLV Hoàng Anh Tuấn phải mời thêm chuyên gia chấn thương dây chằng theo đội U20 Việt Nam khi còn chuẩn bị cho đến hết giải U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Lúc đó, đội tuyển U20 đã có 2 bác sĩ phụ trách chuyên môn trong đội là Trọng Thủy và Kim Tuấn.
Khi còn làm quyền chủ tịch CLB TP.HCM, cũng không phải tình cờ mà Công Vinh lại thuê bác sĩ người Nhật Bản về theo dõi chấn thương rách dây chằng đầu gối của tiền vệ Phi Sơn. Kiến thức và ý thức của người có trách nhiệm phải làm điều đó, thay vì giao cho bác sĩ của đội theo dõi như ở HAGL.
Tại HAGL những năm qua, bác sĩ Đồng Xuân Lâm đảm trách công việc ở đội I HAGL. Ông là một trong những công thần dưới trướng bầu Đức, người theo sát thành công của U19 Việt Nam với lứa Công Phượng năm 2014. Tuy nhiên, chưa bao giờ HAGL có một chuyên gia y tế đủ tầm để lo cho cả học viện.
Ca chấn thương của Văn Thanh buộc phải kiểm tra lần thứ 2 tại TP.HCM mới chắc chắn là bị đứt một phần dây chằng. May mắn là sự việc sớm được phát hiện khi Văn Thanh tập luyện, nếu không chấn thương của Thanh còn có diễn biến khó lường hơn.
2 năm trở lại đây, khi các HLV và cầu thủ Việt Nam ngày càng tiếp cận được nhiều kiến thức và khoa học trong bóng đá, họ hiểu hơn giá trị và nguy cơ đối với bản thân cầu thủ. Ngay cả VFF cũng liên tục bổ sung các chuyên gia người Đức và Hàn Quốc suốt những năm qua.
Đến lượt Xuân Trường trở thành nạn nhân của chấn thương dây chằng. Ảnh: Đăng Huỳnh. |
Chuyên gia thể lực Martin Forkel với khả năng của mình sau này khi hết hợp đồng với VFF đã được Công Vinh kéo ngay về làm việc cho CLB TP.HCM. Và khi đội bóng không giữ Martin ở lại, CLB Bình Dương lập tức liên hệ đàm phán nhằm giữ chân chuyên gia này làm việc cho lò đào tạo và đội I của họ.
Mặt bằng y tế ở đa số CLB V.League có tiêu chuẩn chưa cao. Đây vẫn là khoảng trống lớn của bóng đá Việt Nam chứ không riêng gì ở HAGL. Hầu hết cầu thủ chấn thương nặng đều tập trung về Trung tâm Bóng đá PVF để được tư vấn và phục hồi chức năng.
Giờ đây, khi các đồng đội háo hức tập trung lên tuyển, Lương Xuân Trường có cuộc chiến khác. Đó là cuộc đấu tranh với bản thân để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp mà bất cứ cầu thủ nào cũng có thể đối mặt, chính là chấn thương dây chằng.