Đối với ông Jim Owens, Chủ tịch kiêm CEO hãng sản xuất H.B. Fuller Co. (trụ sở tại bang Minnesota, Mỹ), vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez "giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao".
Những nỗ lực nhằm giải cứu con tàu container khổng lồ Ever Given đang gần đến giai đoạn then chốt. Khoảng 300 tàu thuyền vận chuyển đủ loại hàng hóa vẫn bị kẹt cứng hai bên bờ kênh, dòng thương mại toàn cầu trị giá 10 tỷ USD/ngày bị đình trệ. Con số này tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.
Theo Bloomberg, những lo ngại đối với chuỗi cung ứng chủ yếu hướng đến các nhà sản xuất châu Á và nhập khẩu châu Âu. Những thiệt hại kinh tế tăng lên theo cấp số nhân khi con tàu khổng lồ vẫn chưa nhúc nhích.
Vị trí tàu Ever Given mắc kẹt. Ảnh: CNES. |
Giáng đòn mạnh
"Đây là đòn giáng mạnh vào các chuỗi cung ứng vốn đã đình trệ, vừa phục hồi từ đại dịch Covid-19", Bloomberg dẫn lời ông Rahul Kapoor, Phó chủ tịch phụ trách mảng hàng hải và thương mại tại IHS Global Insight (trụ sở tại Singapore), bình luận. "Nếu sự cố kéo dài hàng tuần, nó có thể biến thành thảm họa", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia Vincent Stamer tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) nhận định tắc nghẽn sẽ gây ra thiệt hại kinh tế toàn cầu. "Nhưng còn quá sớm để định lượng chúng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, các công ty đã sớm lên những kế hoạch khác. Một số tàu container và tàu chở dầu tránh đi bằng đường tắt qua kênh đào Suez. Thay vào đó, chúng vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Điều này kéo dài thời gian di chuyển và làm tăng hàng trăm nghìn USD chi phí nhiên liệu.
Sau khi được hoàn thành vào năm 1869, kênh đào Suez giúp các công ty giảm thời gian và chi phí vận chuyển đáng kể. Chẳng hạn, một con tàu đi từ cảng Italy đến Ấn Độ sẽ cần vượt 4.400 hải lý, mất khoảng 9 ngày, khi di chuyển qua kênh đào Suez. Nhưng nếu đi bằng đường mũi Hảo Vọng với tốc độ tương tự, con tàu có thể cần tới 3 tuần và đi 10.500 hải lý.
Từ tập đoàn đồ nội thất Thụy Điển Ikea đến nhà sản xuất thiết bị xây dựng toàn cầu Caterpillar Inc. (có trụ sở tại bang Illinois, Mỹ), hàng loạt công ty đang cuống cuồng tìm kiếm những giải pháp thay thế.
Đây là đòn giáng mạnh vào các chuỗi cung ứng vốn đã đình trệ, vừa phục hồi từ đại dịch Covid-19. Nếu sự cố kéo dài hàng tuần, nó có thể biến thành thảm họa
Ông Rahul Kapoor tại IHS Global Insight
Bloomberg nhận định trong ngắn hạn, chi phí vận chuyển sẽ tăng cao, nguồn cung bị thắt chặt, nhiều công ty sản xuất và nhà cung cấp phải giao hàng chậm.
Ngay cả trước sự cố ở kênh đào Suez, chi phí đầu vào tại khu vực đồng euro đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 10 năm. Vào tháng 3, tình trạng thiếu nguyên liệu và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ phải chi trả nhiều hơn.
Theo ông Robert Koopman, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva, sự cố ở kênh đào Suez chỉ là một trong những "bài kiểm tra" đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Koopman khẳng định sự cố không có nghĩa là các chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ tan rã. Từ mùa đông khắc nghiệt ở bang Texas, tình trạng thiếu container trên các tuyến đường thương mại xuyên Thái Bình Dương đến hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip ở Nhật Bản, gián đoạn sẽ xảy ra liên tục và doanh nghiệp buộc phải thích nghi.
"Những rủi ro thực sự vẫn nằm ở đó. Chúng ta cần lắng nghe và chú ý đến", ông Koopman cảnh báo.
Chặn đường phục hồi
Theo một báo cáo từ hãng nghiên cứu Allianz Research, tắc nghẽn tại kênh đào Suez trong vòng một tuần có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 0,2-0,4%.
Ngay cả trước khi sự cố của tàu Ever Given xảy ra, tính từ đầu năm, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể cắt giảm đến 1,4% tăng trưởng thương mại, tương đương 230 tỷ USD ảnh hưởng trực tiếp. "Vấn đề là tắc nghẽn ở kênh đào Suez đã chặn đường phục hồi của thương mại toàn cầu", hãng nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo hãng nghiên cứu Sea-Intelligence (trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch), việc tàu thuyền phải di chuyển vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi sẽ khiến công suất sụt giảm 6%, tương đương loại bỏ khoảng 74 tàu container khổng lồ như chiếc Ever Given.
"Việc giảm một lượng công suất lớn như vậy sẽ có tác động toàn cầu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt công suất trầm trọng", Giám đốc điều hành Sea-Intelligence Alan Murphy bình luận. Ông cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến mọi làn đường thương mại.
Các tàu bị chặn không thể đi qua kênh đào Suez phải đứng đợi ở hồ Great Bitter hôm 25/3. Ảnh: CNN. |
Hãng sản xuất H.B. Fuller ở bang Minnesota đạt khoảng 50% doanh thu từ bên ngoài nước Mỹ. Bão tuyết ở bang Texas hồi tháng 2 đã buộc công ty phải đóng cửa một số cơ sở.
Giờ đây, khi chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa gián đoạn vì sự cố ở Suez, công ty phải nhờ đến một đội ngũ giám sát riêng. "Nhóm có nhiệm vụ theo dõi chính xác những vật liệu mà các nhà cung cấp của công ty có thể có trên những con tàu mắt kẹt", ông Owens chia sẻ.
"Họ đang quản lý rất tốt các vấn đề đó. Một con tàu vắt ngang Suez chính xác là những gì nhóm được thành lập để xử lý", ông nói thêm.