Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given đăng mắc kẹt tại kênh đào Suez kéo dài, các tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu mất thêm 2 tuần, đẩy chi phí vận tải gia tăng đáng kể.
“Với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao vì đại dịch Covid-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Hiện tại Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải trên toàn thế giới. “Các tàu chở hàng xuất sang châu Âu và bờ Đông Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Giá cước sẽ tăng và thời gian hành trình dài thêm đáng kể”, đại diện Cục thông tin.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 43,7 tỷ USD hàng hóa sang châu Âu và nhập khẩu 18,5 tỷ USD từ thị trường này. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu của Việt Nam là 7,5 tỷ USD và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 18% và 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tàu Ever Given của hãng vận tải Ever Green chắn ngang kênh đào Suez. |
Tàu Ever Given dài 400 m đã chắn ngang kênh đào Suez, một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, từ ngày 23/3 do gió lớn, gây ra vụ “tắc đường” tốn kém nhất lịch sử.
Theo Bloomberg, dự kiến sớm nhất vào ngày 31/3, kênh đào Suez mới có thể được khai thông. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 tàu vận tải đi qua kênh đào Suez, mang theo 10 tỷ USD hàng hóa, chiếm 12% tổng giá trị thương mại toàn cầu.