Nhà văn Trần Thị Trường thời trẻ và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: cand. |
Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường được đồng nghiệp nhận xét là một người năng động, tích cực trong cuộc sống. Bà viết văn, vẽ tranh, tổ chức biểu diễn âm nhạc, làm chuyên gia tác quyền. Nhờ vậy mà bà quen biết nhiều người trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, đồng thời biết được nhiều mặt của người nghệ sĩ qua góc nhìn về đời sống và nghề nghiệp.
60 gương mặt của văn hóa nghệ thuật Việt Nam
Cuốn sách Những người muôn năm “chưa” cũ của bà mới xuất bản gần đây là tập hợp 60 gương mặt của văn hóa nghệ thuật Việt Nam mà bà có dịp được gặp gỡ, trò chuyện và thưởng thức những tác phẩm của họ.
Trong số những gương mặt dù không hoàn toàn là đại diện, nhưng làm nên và đóng góp vào lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà này, có người còn, người mất, nhưng họ đều là người đương thời, đã sống, đang sống, làm việc với tác giả và tham gia đối thoại với chúng ta.
Sách Những người muôn năm "chưa cũ". Ảnh: A.P.B. |
Trong cuốn sách này chúng ta bắt gặp rất nhiều cái tên quen thuộc. Có thể kể đến các ca sĩ như: Lê Dung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Vũ Mạnh Dũng…; các nhà thơ: Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Mai Hạnh, Bế Kiến Quốc…
Hay các dịch giả: Đào Tuấn Ảnh, Phan Hồng Giang, Dương Tường…; các nhà văn: Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Huy Thiệp, Xuân Phượng…; các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng, Chu Minh, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Nghiêm Bá Hồng, Nguyễn Tài Tuệ...; các nhạc trưởng: Lê Phi Phi, Trần Nhật Minh…; các họa sĩ, nhiếp ảnh gia: Hải Kiên, Lê Vượng…
Cũng trong cuốn sách chúng ta cũng được biết được rõ hơn về một người nghệ sĩ (sống, làm việc, yêu thương, thành công hay thất bại), đồng thời sẽ hình dung được môi trường sống của các văn nghệ sĩ trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Đặc biệt, thông qua mỗi câu chuyện trong cuốn sách chúng ta sẽ hiểu hơn về những đau khổ không đáng có mà những người nghệ sĩ phải chịu đựng, cũng như hiểu hơn, hoặc cảm thông với sự thất bại của văn nghệ sĩ, nhưng biết họ đã sống, đã vượt qua thời gian khó khăn đó như thế nào để làm nên tác phẩm chất lượng, và nhờ đó chúng ta được hưởng thụ những tác phẩm của họ.
Bên cạnh đó, qua các câu chuyện, chúng ta cũng thấy sự chân thành tận đáy trong tình yêu - một đặc điểm nổi bật của tất cả nguyên mẫu trong các chân dung văn nghệ sĩ nữ. Và trong cái đặc điểm nổi bật đó, mỗi người lại thể hiện sự chân thành theo một cách khác nhau.
Trải nghiệm của tác giả với các nguyên mẫu
Có thể nói chân dung về những con người sáng tạo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình… trong cuốn sách của Trần Thị Trường có sức lôi cuốn lớn. Lôi cuốn không chỉ vì họ là những người tài trong lĩnh vực của mình, mà đó còn là những phẩm chất, tính cách độc đáo, riêng biệt, không trộn lẫn.
Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường. Nguồn: tienphong. |
Chia sẻ về những trải nghiệm của mình với các nguyên mẫu trong cuốn sách, nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường cho biết bà không chỉ ấn tượng mạnh với những người có tác phẩm xuất sắc, mang giá trị ở tầm quốc tế, mà bà còn ấn tượng những người nghệ sĩ ở tính cách, đạo đức, sự đằm thắm… cũng như những đóng góp của họ về giá trị tác phẩm. Họ chính là một phần của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn vừa qua.
“60 con người trong cuốn sách, có người đã rời cuộc sống này đến một nơi xa khác, có người vẫn đang là bạn tôi, chúng tôi vẫn trò chuyện hàng ngày. Tôi viết những gì tôi biết về họ. Một số điều tôi biết về họ, nhưng là những riêng tư nhất thời, những mặt trái nho nhỏ không biểu trưng cho gương mặt của họ thì tôi sẽ không đề cập. Tôi tin bạn đọc luôn hiểu rằng, mỗi cá nhân có mặt ở đời này, xã hội chỉ tính đếm những gì người đó làm được, cống hiến và tác động được cho xã hội, còn lại những khuyết điểm nho nhỏ, không thể không có”, tác giả sách viết.
Bình luận về cuốn sách, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết “Chân dung văn học là một thể loại khó. Cùng một người có thể có những chân dung đậm nhạt khác nhau do những người khác nhau viết ra trên một cái nền chung cuộc đời và sự nghiệp và trong tương quan xa gần của người viết và đối tượng”.
Ông cũng khẳng định: “Trong sáu mươi chân dung văn nghệ sĩ ở sách này của Trần Thị Trường, người đọc sẽ thấy mình được bổ sung hiểu biết và đánh giá về những gương mặt có lạ có quen đối với mình. Đồng thời qua sáu mươi chân dung ấy độc giả cũng có cho mình một chân dung của tác giả - nhà văn Trần Thị Trường nồng nàn, sâu lắng, gần gũi thân tình”.
“Chị biết nhiều chuyện giới văn nghệ nhưng biết cách kể chuyện để không làm xấu đi hình ảnh đẹp của những con người đã đem lại cái đẹp cho đời qua câu chữ, tiếng hát, hình sắc được họ thăng hoa sáng tạo. Chị viết cho họ và cho cả mình, nhất là khi nói đến các nữ văn nghệ sĩ”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết.