Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung AfD - hiện thân tân phát xít khiến châu Âu e sợ 

Đảng cực hữu non trẻ AfD tạo nên cơn “địa chấn chính trị” khi trở thành đảng lớn thứ 3 nước Đức sau cuộc bầu cử ngày 24/9. Đà thăng tiến của AfD tỷ lệ thuận với sự cực đoan.

Ngay chiều tối 24/9 khi bắt đầu có thông tin về kết quả bầu cử, nhiều cuộc biểu tình mang tính bộc phát đã nổ ra tại các thành phố Đức. Người tham gia hầu hết là giới trẻ. Dù liên đảng của bà Merkel cầm quyền thêm 4 năm, đó vẫn là “ngày buồn” cho nước Đức.

"Nói một cách tượng trưng, đây đúng là cơn ác mộng, một ngày thật buồn của nước Đức, khi để những người cánh hữu với quan điểm cực đoan và bảo thủ như vậy có chân trong quốc hội", Tiến sĩ Uli Brueckner của Đại học Stanford University ở Berlin nói với RT.

Với 13% số phiếu, đảng cực hữu Sự lựa chọn mới cho nước Đức (AfD) đã đường hoàng bước vào cơ quan dân cử quyền lực nhất. Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, nước Đức với nỗi ám ảnh khủng khiếp từ bóng ma phát xít lại có đến gần 90 nghị sĩ đại diện cho một đảng chính trị cực hữu mang tư tưởng phát xít trong quốc hội liên bang.

Từ chống EU đến chống nhập cư

Khi được thành lập năm 2013 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu, mục đích chính của AfD là phản đối gói cứu trợ của chính phủ cho những quốc gia nợ nần như Hy Lạp. Nhưng theo thời gian, AfD dần trở thành một đảng chống nhập cư.

bau cu quoc hoi Duc anh 1
Sự ủng hộ dành cho AfD gia tăng nhanh chóng từ sau làn sóng nhập cư vào Đức năm 2015. Ảnh: AFP/Getty.

AfD bác bỏ hoàn toàn chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel đã giúp hơn 1,5 triệu người nhập cư vào Đức kể từ 2015. Đảng này muốn thay đổi hiến pháp để loại bỏ quyền xin tị nạn và trục xuất tất cả những người bị từ chối đơn xin lưu trú, bất kể đất nước từ đó họ ra đi có an toàn hay không. 

"Hồi giáo không thuộc về nước Đức" là tuyên ngôn bầu cử của AfD. Đảng này cho rằng người Hồi giáo ở Đức là "mối nguy lớn đối với nhà nước, xã hội và hệ thống giá trị" của quốc gia liên bang.

Đấu đá quyền lực

Theo giới phân tích, AfD được chia thành 2 khuynh hướng tư tưởng: "ôn hòa" và "cực hữu". Phe cực hữu đề cao chủ nghĩa dân tộc và thậm chí phân biệt chủng tộc.

Nhà lãnh đạo đầu tiên của AfD, Bernd Lucke, đã rời đảng cách đây 2 năm sau khi không thể giành giật quyền lực từ tay Frauke Petry. Bà Petry là nhân vật nổi bật nhất của AfD và có tư tưởng "ôn hòa". Tuy nhiên ngay trong buổi họp báo ăn mừng chiến thắng sau bầu cử, bà khiến tất cả ngỡ ngàng khi đứng lên xách túi rời phòng họp.

"Tôi đã quyết định không tham gia nhóm của AfD trong quốc hội Đức mà trước hết sẽ là một thành viên riêng rẽ ở hạ viện", CNN dẫn lời bà Petry.

bau cu quoc hoi Duc anh 2
Frauke Petry bất ngờ rời buổi họp báo hôm 25/9. Ảnh: AFP.

Trong thời gian giữ chức đồng chủ tịch đảng, Petry đã bị cô lập phần nào bởi các lãnh đạo cấp cao khác sau khi hối thúc việc khai trừ những đảng viên có thái độ cực đoan, nhằm chiếm được cảm tình của các cử tri trung lập.

Sau Petry, gương mặt đáng chú ý hàng đầu của AfD là đại diện phe "cực hữu" Alexander Gauland. Luật sư kiêm nhà báo 76 tuổi từng là đảng viên đảng bảo thủ CDU của bà Merkel trong suốt 40 năm. Nhân vật cấp cao có ảnh hưởng còn lại đại diện cho phái "ôn hòa", chuyên gia kinh tế 38 tuổi Alice Weidel. Bà sống bán thời gian ở Thụy Sĩ với một bạn đồng giới và hai con.

Sự ủng hộ lớn từ miền Đông

Cử tri Đông Đức thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với AfD bởi nỗi lo về nhập cư thường trực bao trùm khu vực này, dù tỷ lệ người nhập cư trong vùng tương đối thấp.

Một trong những nhân vật quan trọng nhất của AfD đến từ miền Đông, Björn Höcke. Ông này từng gọi đài tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Holocaust ở Berlin là "đài tưởng niệm ô nhục" và cho rằng sách lịch sử nên được viết lại để chú trọng hơn vào những nạn nhân người Đức của phát xít.

Khi làn sóng nhập cư vào Đức tăng cao trong giai đoạn 2014-2015, AfD biết mình phải tập trung vào điều gì. Đảng liên hệ với Pegida, một phong trào chống nhập cư có tầm ảnh hưởng. Pegida thường tổ chức những cuộc tuần hành mỗi tuần để phản đối "Hồi giáo phương Tây" ở nhiều thành phố Đông Đức. 

AfD còn thu hút sự quan tâm của cử tri bởi dám đề cập những chủ đề mà truyền thông hay các đảng khác ngó lơ hoặc bỏ qua và được cử tri tin tưởng là sẽ "làm nhiều hơn nói".

bau cu quoc hoi Duc anh 3
Tỷ lệ cử tri ủng hộ AfD. Đồ họa: BBC.

Vừa đấm vừa xoa

AfD được cho là theo đuổi chiến lược vừa khiêu khích vừa xoa dịu. Một đảng viên "cực hữu" đăng đàn phát biểu gây sốc hoặc mang tính xúc phạm về một vấn đề nhạy cảm với xã hội Đức, rồi một cộng sự "ôn hòa" sẽ đứng ra nhận xét và phân tích phát biểu này.

Gauland thường đảm nhận nhiệm vụ đầu tiên. Có tiếng là người rất mạnh miệng, ông từng kêu gọi nước Đức "đòi lại quá khứ" và tự hào về thành tựu quân sự của Đức Quốc xã. Gauland đang bị cảnh sát điều tra vì nghi ngờ kích động thù hận chủng tộc trong một bài phát biểu ở chiến dịch bầu cử.

Vai trò xoa dịu dư luận thường được trao cho Weidel. Bà sẽ tuyên bố không đồng tình với ngôn từ của Gauland nhưng ủng hộ ý nghĩ sâu xa của ông. Tuy nhiên chính Weidel cũng từng vấp phải chỉ trích khi có những lời lẽ phân biệt chủng tộc trong một email.

bau cu quoc hoi Duc anh 4
Hai nhân vật quan trọng hàng đầu của AfD, Alice Weidel và Alexander Gauland. Ảnh: DPA.

Dân túy cánh hữu đơn thuần hay cái nôi tân phát xít?

Các nghiên cứu cho thấy AfD thu hút người ủng hộ từ tất cả những đảng chính thống của Đức và hiện có hơn 23.000 đảng viên. Một số nhà bình luận nhận định sự trỗi dậy của AfD chỉ là một phần của xu thế quốc tế, giống như Brexit ở Anh hay chiến thắng của Trump ở Mỹ.

Tuy vậy, thực tế là trong thời gian ngắn kể từ khi thành lập tới nay, nhiều đảng viên AfD đã vướng phải những cáo buộc đề cao lý tưởng và sử dụng ngôn ngữ tân phát xít. Ngay cả cựu đồng chủ tịch "ôn hòa" Frauke Petry cũng từng khiến nước Đức dậy sóng hồi đầu năm 2016 với phát biểu rằng cảnh sát có thể "dùng tới súng đạn" trong trường hợp khẩn cấp để bắn người nhập cư trái phép. 

Ý tưởng tiến tới "giải pháp cuối cùng" cho vấn đề người tị nạn này gợi nhắc việc Đức Quốc xã sử dụng "giải pháp cuối cùng" cho vấn đề người Do Thái 80 năm trước.

bau cu quoc hoi Duc anh 5
Người biểu tình phản đối AfD cầm bảng ghi khẩu hiệu "Đừng lặp lại lịch sử!". Ảnh: AFP/Getty.

Bảo vệ 'truyền thống', xa lánh truyền thông

AfD tự coi là đảng bảo vệ cho mô hình gia đình "truyền thống" giữa người nam và người nữ và bài trừ việc phá thai. Bất chấp vai trò nổi bật của Weidel, AfD vẫn tỏ thái độ kỳ thị với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới và cho rằng thông tin về những người không dị tính cần phải được hạn chế.

Giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay nhà lãnh đạo Brexit Nigel Farage, lãnh đạo AfD thể hiện thái độ thù địch rõ ràng với truyền thông. Báo chí thường không được phép tham dự các sự kiện của đảng. Các phóng viên gọi tới đường dây nóng tại trụ sở của AfD để yêu cầu lấy thông tin thường chỉ nghe được thông báo ghi âm sẵn "vui lòng gọi lại sau".

Thách thức hậu bầu cử của bà Merkel Tỷ lệ ủng hộ thấp hơn dự tính, đảng cực hữu AfD đang lên có thể gây ra mối lo về chủ nghĩa phát xít được coi là thách thức lớn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiệm kỳ này.

Đảng cực hữu Đức vừa thắng lợi 'lịch sử' đã lục đục nội bộ

Một lãnh đạo của đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) đã rời khỏi buổi họp báo "ăn mừng" chiến thắng sau cuộc bầu cử và tuyên bố sẽ hoạt động độc lập ở quốc hội.

AfD chiến thắng: Khi 'ốc đảo' Đức bị làn sóng cực hữu xâm lấn

Chiến thắng của đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức sẽ ảnh hưởng đến chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel trong 4 năm tới và cản trở quá trình Berlin tương tác với châu Âu.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm