Kết quả bầu cử Đức ngày 24/9 được đón nhận như một cú sốc đối với nhiều người tại trụ sở của các đảng lớn.
Các cuộc thăm dò dư luận sau bỏ phiếu cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Angela Merkel chiến thắng với 32,5-33,5% số phiếu. Theo sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với 20-21% số phiếu. CNN cho biết đây là kết quả tệ nhất của CDU kể từ năm 1949, đối với SPD là từ năm 1945.
Thắng chiến lược nhưng giá quá đắt
Phần phiếu bị mất của CDU/CSU và SPD chủ yếu được dồn cho đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD), đảng cực hữu theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và tân phát xít được thành lập năm 2013. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ một đảng cực hữu có ghế trong quốc hội Đức. Theo thăm dò dư luận sau bỏ phiếu, AfD giành được 13% số phiếu, tức khoảng 88 ghế trong quốc hội.
Theo Spiegel, bà Merkel đã đạt được "mục tiêu chiến lược", trở thành thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, dù vậy, chiến thắng này đã đến kèm cái giá quá đắt. Cử tri đã "trừng phạt" các đảng trong liên minh cầm quyền CDU/CSU và SPD, SPD từ chối ở lại trong liên minh này, AfD trỗi dậy...
Cả hào quang chiến thắng lẫn quyền lực của Merkel trong quốc hội đều bị sự trỗi dậy của AfD làm suy yếu. Ảnh: Reuters. |
Đảng AfD sẽ bước vào quốc hội, không phải một nhóm nghị sĩ nhỏ mà là với 88 ghế và trở thành đảng lớn thứ 3 trong quốc hội. Đảng này cũng bộc lộ rõ ý định sẽ "truy sát" thủ tướng. Người ta có thể nhìn thấy viễn cảnh tại quốc hội Đức 4 năm tới bằng việc theo dõi chiến dịch tranh cử vừa qua, khi những người ủng hộ AfD la ó với giọng điệu hằn học và tức giận trong các sự kiện của CDU.
Ứng viên số 1 của AfD Alexander Gauland đã nói trong buổi tiệc ăn mừng đầy hứng khởi tại trụ sở AfD ở Berlin: "Đây là một ngày trọng đại trong lịch sử của đảng chúng ta. Chúng ta lần đầu tiên bước vào quốc hội và chúng ta sẽ thay đổi đất nước này".
"Chúng ta sẽ lấy lại nhân dân và đất nước của chúng ta", Guardian dẫn lời Gauland. Ông cũng lặp lại lời kêu gọi thành lập một ủy ban quốc hội để xem xét lại nền tảng pháp lý trong quyết định của bà Merkel mở cửa biên giới cho người tị nạn hồi năm 2015.
Bà Merkel, người vốn không nổi tiếng vì tài năng diễn thuyết trước công chúng, sẽ bị AfD chất vấn thường xuyên. Trong khi đó, những người bảo thủ trong CDU/CSU phải tự chất vấn họ điều gì đã làm nên sự thành công choáng váng của AfD và liệu họ có phải người chịu trách nhiệm không? Hơn 1 triệu cử tri được cho đã chạy từ CDU hoặc CSU sang AfD, với nhiều người, chính sách tiếp nhận người tị nạn của bà Merkel chính là động lực "ra đi".
Thủ tướng Đức hiểu rõ chính sách về người tị nạn và an ninh nội địa sẽ là chủ đề chính của chương trình nghị sự vài năm tới. Ngày 24/9, bà nói rằng mình muốn giành lại các cử tri đã mất cho AfD và gọi sự xuất hiện của đảng này trong quốc hội là "thách thức mới đáng kể".
Việc AfD trở thành người thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử trở thành một cú sốc đối với các đảng trung lập lâu đời tại Đức. Trong ảnh, một người ủng hộ AfD có mặt tại một buổi vận động tranh cử của đảng hồi đầu tháng 9. Ảnh: Reuters. |
Thành lập liên minh cầm quyền mới
Các quan chức SPD không từ cơ hội nào trong tối 24/9 để tuyên bố rằng họ không có hứng thú trở thành đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền của Merkel. Điều này đồng nghĩa với việc SPD sẽ trở thành đảng đối lập trong khi bà Merkel phải tìm kiếm một liên minh, kém ổn định hơn nhiều, với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh.
Liên minh CDU/CSU - FDP - đảng Xanh, thường được gọi là liên minh "Jamaica” vì màu các đảng trùng với màu đen - vàng - xanh trên quốc kỳ Jamaica, một phương án chưa từng tiền lệ. Việc thành lập một liên minh cầm quyền với 4 đảng sẽ không hề dễ dàng khi họ bất đồng nhau từ chính sách đối với người tị nạn, việc bảo vệ môi trường đến đồng tiền chung euro.
Dù vậy, dẫu sao các lãnh đạo CDU cũng tỏ ra nhẹ nhõm khi cả FDP và đảng Xanh đều giữ vững vị trí của họ trong quốc hội sau cuộc bầu cử. Việc này sẽ khiến 2 đảng dễ dàng nhận lấy trách nhiệm cùng thành lập liên minh cầm quyền mới.
Phân phối ghế trong quốc hội Đức sau cuộc bầu cử ngày 24/9. AfD, từ một đảng chỉ mới thành lập năm 2013 và không hề có ghế trong quốc hội nhiệm kỳ trước, đã trở thành đảng lớn thứ 3. Đồ họa: CNN. |
Cuộc tranh cãi 'người kế vị'
Ai sẽ kế nhiệm bà Merkel? Câu hỏi này được dấy lên càng nhanh chóng sau kết quả gây thất vọng của CDU trong cuộc bầu cử ngày 24/9. Những lãnh đạo trẻ tuổi và tham vọng trong đảng chắc chắn sẽ chất vấn về đường hướng sắp tới của CDU để giành lại vị trí mà họ từng có trong cử tri.
Spiegel nhận định cái đêm Angela Merkel giành được nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư cũng là đêm đánh dấu sự bắt đầu cho cuộc tranh luận ai sẽ là người kế nhiệm bà.
Người 'chị em' CSU
Lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer khá chắc chắn về việc cản trở bước tiến của AfD. Ông muốn sử dụng "những quan điểm rõ rệt" để lấp đi "mạn sườn hở bên phải" giữa CDU và CSU, ám chỉ khoảng cách giữa hai đảng trung hữu "chị em" là CDU và CSU, với CSU thường có xu hướng bảo thủ hơn đôi chút. Dù vậy, theo Spiegel, việc kêu gọi đẩy những người bảo thủ thêm thiên hữu có thể tiếp tục tạo ra lằn ranh sai lệch giữa CDU và CSU.
Trước cuộc bầu cử, CSU và CDU đã tìm cách lấp đầy những ngăn cách giữa họ trong nhiều vấn đề như việc CSU yêu cầu phải có "trần" giới hạn số lượng người tị nạn mà Đức tiếp nhận. Trong những tuần lễ sắp tới, những khác biệt này sẽ tiếp tục làm khó hai đảng.
Năm 2018 là lúc CSU đối mặt với cuộc bầu cử bang ở Bavaria, bang duy nhất mà đảng này hoạt động, thế nhưng cuộc bầu cử liên bang ngày 24/9 đã chứng kiến sự "sụp đổ" của đảng.
Guardian miêu tả bà Merkel tỏ ra không quá hào hứng khi đứng trước cử tri trong đêm 24/9. Bà cảm ơn "những cử tri đã đặt niềm tin ở chúng tôi", cho rằng "các mục tiêu chiến lược" của CDU trong cuộc bầu cử đều đã được hoàn thành nhưng thừa nhận rằng đây là kết quả tồi tệ nhất của họ trong nhiều thập niên qua. "Một kết quả không tốt như chúng tôi mong đợi", bà nói.
Merkel hứa bà sẽ lắng nghe "những lo lắng và bồn chồn" của cử tri AfD để giành lại họ.