Các thăm dò sau bầu cử cho thấy liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) giành chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội Đức với 32,5-33,5% số phiếu. Theo sau là đảng Dân chủ Xã hội với 20-21% số phiếu.
Với 32,5% số phiếu bầu, liên minh của bà Merkel giành được nhiều số phiếu nhất. Nhưng con số này cũng giảm nhiều so với tỉ lệ 41,5% liên minh dành được hồi 2013.
Bà Merkel bỏ phiếu hôm 24/9. Ảnh: Getty. |
Đối thủ chính của bà Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả chỉ dành được 20% số phiếu - tỉ lệ thấp kỷ lục kể từ sau Thế chiến. Đảng cực hữu AfD gây chấn động khi về thứ 3 và lần đầu tiên có mặt tại quốc hội Đức với 13,5% số phiếu.
Với nhiệm kỳ thứ 4, bà Merkel sẽ sánh ngang kỷ lục 4 nhiệm kỳ thủ tướng của Helmut Kohl, người dìu dắt bà trong giai đoạn đầu ở chính trường, và Konrad Adenauer, người tái thiết nước Đức sau Thế chiến.
Bà Merkel giờ sẽ phải thành lập chính phủ liên minh, quá trình thường kéo dài hàng tháng khi những đảng có khả năng liên minh hiện đều không sẵn sàng việc chia sẻ quyền lực với bà.
Phó chủ tịch SPD Manuela Schwesig nói SPD sẽ trở thành đảng đối lập thay vì tiếp tục liên minh hiện tại với CDU của bà Merkel.
Một khả năng liên minh khác cho bà Merkel lúc này là với đảng Tự do Dân chủ (FDP) và đảng Xanh. Liên minh này chưa bao giờ được thử trong quá khứ ở cấp quốc gia và thường được gọi là phương án “Jamaica” vì màu ba đảng trùng với màu đen-vàng-xanh của quốc kỳ Jamaica.
Dù liên minh thế nào, bà Merkel, 63 tuổi, đối mặt với 4 năm cầm quyền với một quốc hội chia rẽ. Sự trở lại của FDP sau 4 năm vắng bóng và sự xuất hiện lần đầu của AfD sẽ là những thay đổi lớn của Berlin.
Thành lập năm 2013 bởi nhóm học giả chống đồng euro, AfD trở thành đảng chống nhập cư quyết liệt và tận dụng tâm lý chống bà Merkel sau quyết định năm 2015 mở cửa biên giới để đón hơn 1 triệu người nhập cư mà phần lớn đến từ Trung Đông. Đảng này được coi là hiện thân của chủ nghĩa phát xít mới.
Sự xuất hiện của đảng này ở chính trường Đức dự đoán một giai đoạn mới của chính trường với nhiều tranh cãi quyết liệt thay vì trạng thái ổn định quen thuộc ở Bundestag kể từ sau Thế chiến.
Tất cả các đảng khác ở Bundestag đã từ chối hợp tác với AfD, đảng tuyên bố sẽ “trừng phạt nặng nề” bà Merkel vì quyết định mở biên giới.
Cuộc bầu cử ở Đức được theo dõi sát sao khi diễn biến của chính trường Berlin sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách của EU. Bà Merkel cũng được coi là nhà lãnh đạo quan trọng của phương Tây lúc này trong bối cảnh nước Mỹ đang hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức đã bắt đầu lúc 8 giờ (giờ địa phương) ngày 24/9 tại 88.000 địa điểm bầu cử trên khắp nước Đức. Năm nay có tới 61,5 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu.