"Tôi không đồng ý những lời đe dọa như thế", Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này tiếp tục các hoạt động khiêu khích bằng chương trình hạt nhân, tên lửa.
Đây không phải lần đầu tiên thủ tướng Đức bất đồng với tổng thống Mỹ, từ trước lẫn sau khi ông nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.
Lạnh nhạt và đụng độ
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của Trump và Merkel hồi tháng 3, hình ảnh về sự gượng gạo và thậm chí không bắt tay nhau của 2 người lan truyền khắp nơi. Nửa năm sau cuộc gặp đó, cả hai không làm gì nhiều để "phá băng" quan hệ.
Cuộc gặp nhiều ngượng nghịu của bà Merkel và ông Trump tại Phòng Bầu dục hồi tháng 3. Ảnh: AFP. |
Trong lúc Merkel gần như sẽ tiếp tục làm thủ tướng Đức trong 4 năm nữa sau cuộc bầu cử ngày 24/9, AFP nhận định các lãnh đạo của Đức và Mỹ sẽ phải tìm cách hòa hợp nhau trong dài hạn và vượt qua những khác biệt về xuất thân, tính cách, phong cách lãnh đạo của 2 người.
Trump là tổng thống Mỹ thứ ba mà Merkel làm việc cùng trong 3 nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua của bà, sau George W. Bush và Barack Obama. Ông là người đối lập bà nhất. Trong khi thủ tướng Đức nổi tiếng là người cẩn trọng, thực tế và kín tiếng, người đồng cấp hiện tại của bà khó lường, hay dao động và hành xử bộc phát.
Trong cuộc họp báo chung sau khi gặp nhau tại Phòng Bầu dục, Merkel đã đề cao cách tiếp cận "rộng mở" đối với toàn cầu hóa. Đứng cạnh bà khi đó là Trump, tổng thống được bầu lên với cam kết "đặt nước Mỹ lên trên hết".
Họ gặp lại nhau tại cuộc họp của nhóm G7 tại Sicily, Italy vào tháng 5. Sau khi cuộc gặp kết thúc, Merkel, không hề khách sáo, đã miêu tả đó là "cuộc họp khó khăn, nếu không nói là rất không hài lòng". Về phần mình, Tổng thống Trump trở về Mỹ sau chuyến công du đầu tiên và viết lên Twitter: "Vừa về châu Âu. Chuyến đi là thành công vĩ đại cho nước Mỹ. Công việc vất vả nhưng kết quả to lớn".
Vài hôm sau, Merkel nói rằng quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã yếu đi nhiều sau chiến thắng của ông Trump ở nước Mỹ và giờ là lúc cựu lục địa không thể phụ thuộc mù quáng vào các đồng minh lịch sử của họ nữa.
"Những người châu Âu chúng ta phải nắm giữ vận mệnh của chính mình", bà nói.
Hai người gặp lại nhau ở Hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7. Ảnh: AFP. |
Nhiều tổng thống Mỹ từng than vãn về việc nước này phải chịu thâm hụt thương mại trong giao dịch với Đức, dù vậy, người to tiếng nhất là Trump. Ông thậm chí còn đe dọa sẽ áp đặt trở lại các loại thuế nhập khẩu. Về phần Merkel, như phần còn lại của thế giới, bà lên án quyết định của Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Chống Biến đổi Khí hậu.
Gần đây nhất, ông Trump đứng trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và tuyên bố rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là "nỗi xấu hổ của nước Mỹ". Nếu Washington lại rút khỏi thỏa thuận mà Đức cùng các nước đã tốn nhiều năm để thương thảo này, mối quan hệ của 2 bên sẽ càng rạn nứt.
Dầu và nước: 4 năm phía trước
"Merkel và Trump như dầu và nước", giáo sư về quan hệ quốc tế Charles Kupchan của Đại học Georgetown, cựu cố vấn của Obama, nói với AFP.
"Trump bước vào Nhà Trắng nhờ sự thách thức hệ thống đã có và lời hứa với những người Mỹ bất bình rằng đây là thời điểm thay đổi. Merkel thì ngược lại".
"Bà ấy liên tục chiến thắng vì bà ấy hứa với người Đức rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn như trước nay", ông nói. Ông Kupchan nói chưa bao giờ trong lịch sử gần đây, quan hệ Mỹ - Đức lại xấu đến như hiện nay.
"Trump làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với tự do thương mại, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc giữ vững trật tự mà châu Âu và Mỹ đã cùng xây dựng từ khi Thế chiến 2 kết thúc đến nay", ông nói.
Ngoài ra, vấn đề giữa Trump và Merkel không chỉ là quan hệ song phương Mỹ - Đức, nó còn là quan hệ giữa 2 người lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới, những người có khả năng thay đổi cục diện ngoại giao quốc tế.
Trong khi Trump đứng trên lập trường của những người Mỹ chống toàn cầu, hứa hẹn một chính sách cứng rắn với những người nhập cư, Merkel đã mở cửa biên giới để đón hàng trăm nghìn người tỵ nạn. Ông Trump, thời còn là ứng viên tổng thống, đã trực tiếp chỉ trích quan điểm trên của Merkel.
"Hillary Clinton đang chạy đua để trở thành Angela Merkel của nước Mỹ. Chúng ta đã thấy bao nhiêu tội phạm và vấn đề mà Đức phải đối mặt", ông nói trước đám đông người ủng hộ tại bang North Carolina.
Cuộc bầu cử Đức sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tới và Merkel gần như chắc chắn sẽ làm thủ tướng thêm 4 năm nữa. Ảnh: AFP. |
Giờ đây, từ nước Đức, Merkel rơi vào tình thế phải chịu sự chất vấn về mối quan hệ lạnh nhạt với nhà lãnh đạo Mỹ.
"Trong vài tháng qua, chiến dịch tranh cử đã đẩy bà ấy vào thế phải hùng biện (về mối quan hệ Mỹ - Đức) nhiều hơn là bà ấy mong muốn", AFP dẫn lời Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại.
Với cuộc bầu cử Đức đang ở phía trước và Merkel gần như sẽ nắm quyền 4 năm nữa, các nhà quan sát nhận định quan hệ 2 nước sẽ được cải thiện nhưng không phải là "một khởi đầu mới".
Ông Shapiro nói rằng trước Trump, Merkel nên áp dụng chiến thuật "đối đầu trong âm thầm", điều mà bà đã thực hiện rất xuất sắc trong quá khứ trước nhiều hoàn cảnh khác nhau.
"Hãy đứng lên để bảo vệ chính mình, nhưng hãy làm chuyện ấy trong im lặng. Đừng dính vào một cuộc chiến công khai với ông ấy, hãy hòa hợp đến mức không lộ ra điểm yếu của mình", ông nói.