Mối quan hệ của ông Donald Trump và Emmanuel Macron có một khởi đầu kỳ lạ sau "cú bắt tay tím tái" hôm 25/5 tại Đức. Hai người đàn ông quyền lực nhất phương Tây giống như hai mặt hoàn toàn đối lập.
Ông Donald Trump, 71 tuổi, theo đuổi chính sách bảo hộ, thề chống lại toàn cầu hóa với khẩu hiệu "làm nước Mỹ vĩ đại một lần nữa". Washington dưới bàn tay ông Trump luôn đầy biến động trong chính sách đối ngoại.
Emmanuel Macron, mới bước sang tuổi 39, trung thành với chính sách hội nhập sâu rộng với châu Âu và thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu. Ông chủ điện Elysee tự xem mình là một đối tác đáng tin cậy trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Mối quan hệ Trump - Macron khởi đầu với một cái bắt tay kỳ lạ. Ảnh: CNN. |
Bất chấp tất cả những khác biệt trên, ông Donald Trump và Emmanuel Macron có những điểm tương đồng gốc rễ về tư duy cũng như các chính sách ưu tiên. Sự tương đồng đó như tiếng vọng từ những giá trị và lợi ích cơ bản mà Mỹ và Pháp đã chia sẻ trong hàng thế kỷ.
Vì lẽ đó, cuộc viếng thăm Paris của Tổng thống Trump tuần này được đánh giá là cơ hội để Pháp và Mỹ xích lại gần nhau và nối dài mối giao hảo có tuổi đời dài hơn tuổi đời nước Mỹ.
"Đây là cuộc gặp hai bên cùng có lợi", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp nhận định.
'Những kẻ nghiệp dư' trên ghế nóng
Cả ông Trump và ông Macron đều được coi là những "kẻ ngoài lề" trong dòng thác chính trị. Vị cựu tỷ phú người Mỹ đánh bại tất cả các ứng viên sáng giá của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ để tiếp quản phòng Bầu Dục.
Trong khi đó, ông Macron lãnh đạo đảng non trẻ Nền Cộng hòa Tiến bước nắm đa số quốc hội chỉ trong vòng 1 năm sau khi thành lập đảng. Bản thân ông đắc cử tổng thống Pháp hồi tháng 5.
Emmanuel Macron xuất thân là một nhà đầu tư ngân hàng. Bên kia Đại Tây Dương, Donald Trump, cho tới trước tháng 11/2016, là nhà sản xuất chương trình giải trí, ông trùm bất động sản và trên hết, là một doanh nhân.
Và những doanh nhân không theo đuổi những lý tưởng cao cả nhưng viển vông. Họ đề cao những giao kèo thực tế và có lợi.
"Ông Macron và ông Trump có những điểm khác biệt không thể phủ nhận về cách tiếp cận các vấn đề. Nhưng họ giống nhau ở mục tiêu cuối cùng cần hướng đến", Reuters dẫn lời Gary Cohn, giám đốc Ủy ban kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, nói.
Hồi tháng 6, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel gay gắt chỉ trích ông Trump, Tổng thống Macron âm thầm tìm cách thuyết phục Washington có cách tiếp cận mềm dẻo hơn với vấn đề biến đổi khí hậu. Bởi đơn giản, Pháp cần Mỹ.
"Biến đổi khí hậu không phải là mối bận tâm. Cuộc đối thoại sẽ tập trung vào an ninh, quân sự và mối quan hệ hữu hảo truyền thống lâu đời giữa những người đàn ông", ông Cohn nói về cuộc gặp tại Paris giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ.
Mỹ và Pháp có nhiều mối quan tâm chung hơn là vấn đề biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty. |
Quả thực, Mỹ và Pháp hiện có nhiều mối bận tâm hơn là vấn đề biến đổi khí hậu. Tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đối phó với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu chắc chắn là ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Mỹ đang dồn toàn lực chấm dứt sự hoành hành của IS tại Iraq và Syria. Trong khi đó, Pháp là nước đóng góp nhiều thứ 2 trong liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Điều này là nhân tố đầu tiên kéo Nhà Trắng và Điện Elysee xích lại gần nhau.
Trong bối cảnh Mỹ bị các đồng minh quay lưng, bị thế giới cô lập ngay tại G20, ông Trump tìm kiếm từ Pháp sự hợp tác về ngoại giao và quân sự để giảm thiểu áp lực từ trong và ngoài nước.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, ông Macron cũng mong muốn điều tương tự. Bởi lẽ, dù Thủ tướng Đức Angela Merkel có cứng giọng thế nào đi chăng nữa, châu Âu của Macron chưa bao giờ thôi trông chờ cam kết an ninh từ Mỹ.
Nối tiếp mối lương duyên
Quan hệ hữu hảo Pháp - Mỹ là mối lương duyên đã tồn tại hàng trăm năm. Pháp là đối tác và đồng minh đầu tiên của người Mỹ từ những ngày 13 thuộc địa đấu tranh giành độc lập.
Năm 1917, Mỹ lần đầu sát cánh với Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. 27 năm sau, chính người Mỹ dẫn đầu quân Đồng Minh đổ bộ lên bãi biển Normandy trong trận D-Day đẫm máu, mở đầu cuộc chiến giành lại độc lập cho nước Pháp trong Thế chiến II.
Người ta có lý do để tin rằng Tổng thống Macron và Tổng thống Trump sẽ nối dài quan hệ hữu hảo đã tồn tại trong hàng trăm năm đó.
Tổng thống Macron và Tổng thống Trump sẽ nối dài quan hệ hữu hảo Pháp - Mỹ. Ảnh: Getty. |
Trong bối cảnh bị cô lập và xa lánh, ông Trump cần một đối tác đáng tin cậy để đưa nước Mỹ trở lại với cuộc chơi. Reuters nhận định, đây là cơ hội cho Tổng thống Macron tạo dựng niềm tin với ông chủ Nhà Trắng. Nếu thành công trong việc tác động vào chính sách của Washington, ông Macron sẽ nâng cao vị thế của mình và nước Pháp.
Ngược lại, Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn hiểu vị thế hiện tại không có lợi cho nước Mỹ. Lịch sử đã chứng minh, nước Mỹ chưa bao giờ thành công khi thi hành chính sách biệt lập.
"Bằng cách chìa tay ra với Pháp, ông Trump muốn cho thấy mình không phải tay mơ trên võ đài chính trị quốc tế", chuyên gia quan hệ Mỹ - Châu Âu Daniel Fried nói.
Cách tiếp cận đơn phương và đặt nặng tính lợi ích của ông Trump khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ lo lắng và đẩy nước Mỹ vào thế bị cô lập. Tuy nhiên, Điện Elysee cho thấy nước Pháp có đủ kiên nhẫn để làm cầu nối giữa hai bờ Đại Tây Dương.
"Đôi khi Donald Trump đưa ra các quyết định không làm người khác vui vẻ gì. Nhưng thay vì tuyệt giao với ông ấy, chúng ta chỉ cần chìa tay ra một cách thiện chí và cùng giải quyết vấn đề. Và Tổng thống Macron đang chìa ra bàn tay thiện chí đó", phát ngôn viên chính phủ Pháp Christophe Castaner khẳng định.