Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Merkel 4.0: Người bảo vệ tự do trong 'kỷ nguyên của Trump'

Angela Merkel dự kiến trở thành thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Hoặc thế giới sẽ chứng kiến một cơn "đại địa chấn" khác vào ngày 24/9 này.

bau cu Duc anh 1bau cu Duc anh 2

Angela Merkel dự kiến trở thành thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Hoặc thế giới sẽ chứng kiến một cơn "đại địa chấn" khác vào ngày 24/9 này.

42 ngày trước cuộc bầu cử, Angela Merkel khởi đầu chiến dịch tái tranh cử bằng lời nói đùa với cử tri thành phố Dortmund ở miền Tây nước Đức: "Tôi suýt quên nhắc các bạn rằng cuộc bầu cử này vẫn chưa ngã ngũ. Và tất nhiên, chúng tôi cần lá phiếu của mọi người".

Bà là người duy nhất có thể "suýt quên" điều đó. "Suýt quên" chiến dịch tranh cử. "Suýt quên" cuộc bầu cử.

Có nhiều lý do để cuộc bầu cử liên bang Đức vào ngày 24/9 tới được theo dõi sát sao trên thế giới. Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu và lớn nhất châu Âu, là "xương sống" của EU. Người lãnh đạo nước Đức sẽ là người định hình chính sách của EU đối với khu vực đồng tiền chung, cuộc khủng hoảng di dân, sẽ đại diện cho châu Âu trong quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là Donald Trump của Mỹ.

Vậy mà ngày bỏ phiếu đang đến gần trong chậm rãi, nhàm chán và có thể đoán trước được. Ít nhất là việc bà Merkel sẽ lại nắm quyền.

Những người cẩn trọng sẽ nói với những gì diễn ra trong một năm qua, với chiến thắng của ông Trump tại Mỹ, lá phiếu của người Anh rời EU hay cuộc bầu cử tổng thống Pháp với ứng viên cực hữu lần đầu tiên vào vòng cuối, trên đời này không điều gì là không thể. Không có gì là chắc chắn hoàn toàn.

Thế nhưng cho đến giờ phút này, tất cả các kết quả thăm dò dư luận và tính toán duy lý đều cho thấy Merkel sẽ làm thủ tướng tiếp một nhiệm kỳ nữa - kỷ lục tương đương Helmut Kohl. Trong thế giới ngày càng bất định, Angela Merkel, con gái của một mục sư Tin Lành và sống hơn nửa đời tại Đông Đức, gần như chắc chắn sẽ là người đảm nhận trọng trách lãnh đạo nước Đức và cả "thế giới tự do" thêm 4 năm nữa.

bau cu Duc anh 3

Angela Merkel không phải mẫu chính trị gia hấp dẫn. Điều bà không thích nhất ở cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng minh gần gũi bậc nhất của mình, là những lời "có cánh" của ông.

"Bà ấy không tin vào việc đó, mà bà ấy cũng chẳng giỏi việc đó. Bà ấy nói, 'tôi muốn xem ông ấy có thực hiện được lời mình nói không'. Nếu bạn muốn tóm tắt triết lý của Merkel, đó là nói ít, làm nhiều", một quan chức Đức nói với nhà báo George Packer của New Yorker, người đã viết bài tiểu sử hay nhất về Merkel cho đến lúc này.

Merkel, với đầu óc của một nhà hóa học lượng tử, thường tiếp cận mọi thứ theo phương pháp khoa học và chỉ ra quyết định khi đã có đầy đủ thông tin. Bà giữ cho mình càng nhiều lựa chọn càng tốt và đến khi quyết định, bà đẩy lựa chọn của mình vào "đám mây mù của sự phức tạp". Sự im lặng cho phép Merkel thay đổi quyết định của mình vài lần mà không gây ra bất kỳ phản ứng hay cú sốc nào. Quan trọng không kém, Merkel tìm thấy chỗ đứng ở đất nước vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh về quá khứ khi họ bầu một người độc tài phát xít với tài năng hùng biện - Adolf Hitler. Người Đức thích nhìn những gì Merkel làm hơn là nghe bà nói.

bau cu Duc anh 4

Năm 2013, khẩu hiệu tranh cử của Merkel đơn giản là "Các bạn biết tôi mà". Dù vậy, phải đến nhiệm kỳ thứ 3 đó, người ta mới thực sự biết về Merkel. Trong nhiệm kỳ thứ 3 của Merkel, nước Đức bị đặt trước những thách thức mà vài năm trước đó từng bị xem là không tưởng. Sự trỗi dậy của Nga qua vụ sáp nhập thần tốc Crimea và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp và tương lai của khu vực đồng tiền chung EU. Như thể chưa đủ tệ, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở khắp nơi, người Anh bỏ phiếu rời EU và Trump đắc cử.

Nhiệm kỳ thứ 3 của Merkel cũng là lúc người Đức lần đầu tiên cảm thấy bóng đen của những cuộc xung đột trên thế giới phủ bóng lên cuộc sống bình yên và giàu có của họ. Hai năm qua, nước Đức đã đón hơn 1 triệu người tị nạn.

Khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử lần này của Merkel là "Vì nước Đức nơi chúng ta sống đàng hoàng". Nó nhắc cử tri về 12 năm thịnh vượng và ổn định mà nước Đức trải qua trong 3 nhiệm kỳ của Merkel, bất chấp những bất ổn bên ngoài và cả những chuyến tàu mang hàng triệu người tị nạn vào Đức. Nó nhắc cử tri rằng tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện ở mức thấp thứ hai châu Âu, chỉ 3,9%, rằng nước này vẫn là nền kinh tế lớn nhất cựu lục địa với tỷ lệ tăng trưởng ổn định, cao hơn cả Anh lẫn Pháp.

"Bà ấy mang đến một sự lãnh đạo ổn định và phi ý thức hệ. Xã hội Đức đã cởi mở và thoải mái hơn dưới sự trông coi của bà ấy", Economist viết.

bau cu Duc anh 5

Với những cử tri trẻ, họ sẽ đi bầu mà không nhớ được một nước Đức trông như thế nào dưới thời một thủ tướng khác ngoài sự thịnh vượng và ổn định dưới thời Merkel.

Hơn nữa, đối thủ chính của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Merkel trong cuộc bầu cử lần này lại là đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD). Trong 4 năm qua, CDU và SPD đã là 2 đảng cùng cầm quyền. Không giống như khi Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ hay Macron chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Pháp, lãnh đạo SPD Martin Schulz không thể kêu gọi cử tri cùng ông "sửa chữa hệ thống đã cũ mòn" hay giới thiệu một ý thức hệ, chương trình nghị sự hoàn toàn trái ngược với chính sách 4 năm qua.

Không có lý do gì để cử tri Đức lựa chọn một ứng viên với quan điểm tương tự nhưng không có kinh nghiệm chính trị để thay thế Merkel. Nhất là khi người đó sẽ đại diện châu Âu đối diện với những lãnh đạo đầy dày dạn, khôn ngoan như Putin, Erdogan hay khó lường như Trump.

Buổi tranh luận trên truyền hình giữa Merkel và Schulz giống một màn thương lượng thành lập liên minh cầm quyền hơn là cuộc xung đột giữa các quan điểm và ý tưởng. Suy cho cùng, họ đã cùng nhau điều hành chính quyền trong 4 năm qua.

Với tất cả những lý do trên, người ta không thể không nghĩ đến nhiệm kỳ thứ 4 cho Merkel, bất chấp dư luận phản đối nữ thủ tướng vì chính sách nhập cư gây tranh cãi.

bau cu Duc anh 6

Tương tự Helmut Kohl - người được gọi là "cha đẻ của nước Đức thống nhất", Angela Merkel có sự cam kết đặc biệt đối với EU. Kohl đã dìu dắt Merkel trong giai đoạn đầu sự nghiệp chính trị của bà, bổ nhiệm bà vào chức bộ trưởng đầu tiên, gọi bà là "cô gái của tôi". Về phía Merkel, bà là người đã chớp lấy cơ hội trong thất bại của Kohl và kêu gọi ông rút lui khỏi vũ đài chính trị. Dù vậy, cách lãnh đạo của Merkel hiện nay vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của ông. Bằng việc giữ lợi ích của nước Đức tương đồng với lợi ích của châu Âu, Merkel đang tiếp tục con đường của Kohl, con đường mà bà đã ép ông dừng lại.

Trong khi Kohl là nhà lãnh đạo lèo lái nước Đức thống nhất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, người đặt nền móng cho sự hình thành của EU, của đồng euro, thì Merkel lại là thủ tướng nắm quyền lâu nhất của nước Đức thống nhất, là người đã ra sức cứu khu vực đồng tiền chung euro khỏi bờ vực sụp đổ, đứng ra lãnh đạo EU trước cuộc khủng hoảng di dân...

Merkel được xem là thuyền trưởng của con tàu châu Âu vốn lao đao vì nhiều sóng gió trong những năm qua. Ở mức độ nào đó, vai trò này xuất phát từ việc Đức là nước đông dân và thịnh vượng nhất EU, hình mẫu của cả thế giới về hội nhập và phát triển. Song, theo Time, bà Merkel được sinh ra cho vai trò trên; sứ mệnh phá bỏ các rào cản và lan truyền thể chế dân chủ cũng là sứ mệnh của bà. Bà là người hoàn hảo để chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đồng euro, bắt đầu vào năm 2010 và đạt thế cân bằng vào năm 2015.

Điều khiến người ta chú ý là trong suốt những năm khủng hoảng của Hy Lạp, rồi Bồ Đào Nha, Ireland, Italy (trong thời gian ngắn), là vẻ mặt nghiêm nghị của Merkel. Bà không phải là lãnh đạo duy nhất ở phương Bắc (trong EU) thuyết giảng về việc thắt lưng buộc bụng đối với các quốc gia Địa Trung Hải vốn đã tiêu những đồng tiền mà họ không làm ra. Thế nhưng, bà đã trở thành đại diện của các ngân hàng châu Âu, với hình ảnh được mô tả ở chỗ này là một kẻ thống trị, ở chỗ khác lại là một người lính tinh nhuệ. Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm và hình ảnh của bà Merkel vẫn kiên định như vị thế của mình: chỉ giải cứu khi Hy Lạp chấm dứt thói quen tiêu xài "vung tay quá trán".

bau cu Duc anh 7

Cuối cùng, những người lãnh đạo của Hy Lạp, vốn hy vọng thách thức EU của Merkel, không có lựa chọn nào khác ngoài việc lùi bước. Hy Lạp phải đối mặt với 2 lựa chọn: hoặc là rút khỏi khu vực đồng euro; hoặc chấp nhận áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng gây tổn thất cho lương hưu và các cơ quan nhà nước. Cuộc khủng hoảng đã củng cố vị thế của Merkel với tư cách là lãnh đạo của châu Âu, chính xác là một nhà lãnh đạo lạnh lùng.

"Tôi sinh ra tại một đất nước mà ở đó tôi từng chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế", Time trích lời thủ tướng Đức nói với các phóng viên vào năm 2012. Nếu nợ công của Hy Lạp không giảm bớt "một cách bền vững với tầm nhìn dài hạn, châu Âu đơn giản sẽ không còn là châu lục thịnh vượng mà thế giới lắng nghe và người dân chú ý".

Chính Merkel là người định hình cuộc khủng hoảng đồng euro bằng những câu nói mang ý nghĩa về sự sống còn của EU. "Nếu đồng euro sụp đổ, châu Âu cũng tiêu tan", bà nói, nhưng điều đó liệu có nghĩa liên minh này chỉ đang gặp rắc rối với đồng tiền chung?

bau cu Duc anh 8

Dĩ nhiên là không. Vào một ngày tháng 7 năm 2015, khi cuộc khủng hoảng đồng euro vừa mới lắng dịu, Merkel xuất hiện trong một cuộc gặp với các học sinh được ghi hình để phát trên tivi; chương trình có tên "Living well in Germany" (Sống tốt ở Đức). Một cô gái trẻ tên Reem cho biết cô là người tị nạn từ Palestine và đặt câu hỏi cho bà Merkel.

"Chừng nào cháu còn không rõ cháu có thể ở lại đây hay không, cháu không biết tương lai mình sẽ thế nào", cô bé 14 tuổi nói bằng thứ tiếng Đức lưu loát. "Cháu muốn đi học. Thật đau đớn khi nhìn người ta có thể tận hưởng cuộc sống còn mình thì không thể tận hưởng cùng họ".

Cho đến trước khi Reem bật khóc nức nở trong chương trình trên, Đức đã đối mặt với cuộc khủng hoảng về người tị nạn, dù chưa ai gọi đó là khủng hoảng. Lúc đó, khoảng 200.000 người nộp đơn xin tị nạn tại nước này tính từ tháng 1/2015, gấp đôi số lượng năm trước đó. Giữa lúc chiến sự tại Syria vẫn tiếp diễn, dòng người tị nạn tìm đường đến ngày một đông, với hành trình phổ biến xuất phát từ Hy Lạp đi qua vùng Balkan đến Hungary, sau đó đến Áo và cuối cùng là Đức.

Mỗi câu chuyện đều có cao trào bước ngoặt. Trong trường hợp này, đó là vào ngày 2/9/2015 khi truyền thông và mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp thi thể bé trai 3 tuổi người Syria tên Alan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh ngay lập tức đưa vấn đề người tị nạn Syria lên đầu danh sách chương trình nghị sự trên phạm vi toàn cầu. 

Merkel biết tất cả những câu chuyện đó. Thủ tướng Áo gọi cho bà, giọng ông tỏ rõ vẻ khẩn nài. Cuối tuần đầu tiên của tháng 9 trôi qua trong hàng loạt cuộc điện thoại và hoạt động hậu cần. Cuối cùng, một thỏa thuận ra đời, giúp đưa người tị nạn bị kẹt ở ga Keleti ở Budapest (Hungary) qua Vienna (Áo), sau đó đi tàu đến Đức. Khi họ xuống tàu ở ga Munich, hàng trăm người Đức chào đón họ với sự hồ hởi, hoa và khăn giấy cùng những biển hiệu in dòng chữ "Hoan nghênh". Những di dân hô vang "Cảm ơn nước Đức".

bau cu Duc anh 9

Hơn 1 triệu người chủ yếu từ Syria và Iraq đã xin tị nạn tại Đức trong hai năm qua. Nhà bình luận Mary Dejevsky viết trên Guardian rằng "có gì đó vô cùng đáng ngưỡng mộ trong quyết định duy trì chính sách về người tị nạn của Angela Merkel". Dù vấp phải chỉ trích, nữ thủ tướng đến nay vẫn kiên định với chủ trương của mình và không có ý định từ bỏ khi tranh cử nhiệm kỳ thứ 4. Bà Merkel cũng nhiều lần khẳng định rằng quyết định bà đưa ra vào năm 2015 là đúng đắn và bà không hối tiếc về điều đó.

"Tôi sẽ một lần nữa đưa ra mọi quyết định quan trọng theo cách tương tự năm 2015", bà nói. "Đó là một tình huống phi thường và tôi đã quyết định dựa trên những gì tôi nghĩ là đúng đắn từ cả 2 góc độ nhân đạo và chính trị".

Nữ thủ tướng chưa bao giờ bày tỏ công khai song những người quen biết bà tiết lộ rằng quyết định mở cửa cho người tị nạn xuất phát từ việc bà từng chứng kiến cảnh lính biên phòng Hungary chĩa súng vào người tị nạn, để có thể xây một hàng rào thép gai.

"Bà ấy có một nguyên tắc - một niềm tin cảm tính, tôi nghĩ vậy - bắt nguồn từ việc khi trẻ bà từng không được phép đi đây đi đó", Matthias Wissmann, người từng làm việc cùng bà Merkel trong nội các của cố Thủ tướng Helmut Kohl, cho biết trên Time. "Bà ấy không muốn thấy người ta bị mắc kẹt giữa những bức tường. Tôi nghĩ bà ấy có phản ứng bản năng nếu ai đó đòi xây tường. Tôi biết rõ điều đó. Nếu bạn hỏi tôi rằng đức tin chủ yếu của bà là gì, thì chỉ có vấn đề này thôi: hãy để chúng tôi được tự do. Từ chuyện hoàn cảnh của một con người đến chuyện tự do thương mại của một quốc gia".

bau cu Duc anh 10

Sự nghiệp chính trị của Merkel cho đến lúc này luôn có bóng dáng của 2 nhà lãnh đạo, dù bà và họ có đi cùng hướng hay không, đó là Putin và Obama. Merkel và Putin có thể trò chuyện mà không cần phiên dịch. Merkel học tiếng Nga từ thuở nhỏ trong khi Putin từng sống ở Đức và nói tiếng Đức như người bản xứ, ông thậm chí có thể chỉnh sửa cho người phiên dịch để đảm bảo không có gì bị lọt mất trong hội thoại với bà. Nhưng căng thẳng thường xuyên xảy đến giữa 2 người. Putin bị nghi đã mang chó vào phòng họp để dọa Merkel. Bà chỉ trích ông vì Crimea, về khủng hoảng Ukraine, về các vấn đề nhân quyền ở Nga. Bà sẵn sàng chỉ trích công khai Putin trong các sự kiện chính thức.

Merkel cho rằng ông Putin, bằng chiến dịch thần tốc sáp nhập Crimea, là mối đe dọa đối với các lý tưởng của thế kỷ 21.

Bà tỏ ra thoải mái hơn nhiều khi ở cạnh Obama, dù việc giao tiếp giữa họ không dễ dàng bằng. Trừ việc Obama nói quá hay, Merkel dần nhận ra bà và cựu tổng thống Mỹ khá giống nhau. Họ cẩn trọng, thích phân tích, đôi khi xa cách và "nhạt nhẽo". Dĩ nhiên, họ cùng cam kết sẽ bảo vệ cái gọi là "thế giới tự do của phương Tây".

bau cu Duc anh 11

Khi Obama lên đường bắt đầu chuyến công du cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, ông thêm Đức vào lịch trình để có thể nói lời tạm biệt với Merkel. Bà cũng là người nhận cú điện thoại cuối cùng của ông từ Phòng Bầu dục. Đó thật sự là lời tạm biệt, không chỉ của bà đối với cá nhân Obama mà còn với Mỹ, đồng minh thân cận của Đức trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đến khủng hoảng Ukraine.

Merkel, người đã để Bức tường Berlin định hình trong mình sự trân trọng đối với tự do, nhìn thấy nước Mỹ lựa chọn tổng thống mới là một ứng viên tuyên bố sẽ xây một bức tường biên giới ngăn cách với Mexico. Merkel, người luôn đảm bảo cam kết của Đức đối với NATO và EU, đứng nhìn Tổng thống Trump, trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu, lên lớp các nước đồng minh NATO về trách nhiệm tài chính và việc để Mỹ đóng góp quá nhiều.

bau cu Duc anh 12

Hồi tháng 5, thủ tướng Đức lần đầu tiên công khai nói rằng Đức và EU không thể tiếp tục "dựa vào Mỹ và Anh" và phải chuẩn bị để "tự gánh vác số phận của mình".

Về mặt cá nhân, đây có thể là sự từ bỏ của chính Merkel. Trong suốt cuộc đời bà, nước Mỹ luôn có một vị trí đặc biệt. Vào những năm tuổi 30, Merkel, một nhà hóa học ở Đông Đức, chờ đợi đến lúc mình 60 tuổi để được phép ra nước ngoài. Khi đó, bà sẽ gom góp tiền lương hưu để đến California. Lúc phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào năm 2009, Merkel nói rằng người Đức biết ơn bài phát biểu "Hãy phá bỏ bức tường" của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987 và rằng cá nhân bà "sẽ không bao giờ quên điều đó".

Những sự bất định, tất nhiên, không chỉ bắt đầu bằng nước Mỹ và Trump.

Cuối năm 2015, tạp chí Time bầu chọn Merkel là "Nhân vật của năm" vì đã kiên quyết mở cửa biên giới để đón những người tị nạn vào Đức, vì đã "dám đòi hỏi ở người dân của mình nhiều hơn những gì một chính trị gia thường có thể đòi hỏi, vì chống lại sự chuyên chế và thực dụng, vì sự lãnh đạo đạo đức và kiên định trong một thế giới đang thiếu vắng đạo đức". Vài ngày sau đó, sau đêm giao thừa đầu năm mới 2016, cảnh sát Đức nhận được hơn 100 lời trình báo về những kẻ quấy rối tình dục phụ nữ trong lễ hội năm mới, rất nhiều nghi phạm trong đó là người "có vẻ Trung Đông hoặc Bắc Phi", chính là những người tị nạn vừa đến Đức. Cú sốc về "đêm giao thừa nhục nhã" đã thử thách lòng kiên nhẫn của người Đức đối với người tị nạn lẫn lòng tin dành cho Merkel. Sự phẫn nộ trong một số người dân đã kéo theo sự trỗi dậy của đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD).

Nửa năm sau, khi người Anh bỏ những lá phiếu rời EU, đó là chiến thắng của những người chống toàn cầu hóa, chống lại sự quan liêu, phi dân chủ của EU. Merkel, người tin rằng vận mệnh của nước Đức gắn liền với sự lớn mạnh của EU, nhìn khối bước vào một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập và các lý tưởng tự do bị đe dọa bởi chủ nghĩa dân túy.

Năm 2017, Anh khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi EU trong khi Tổng thống Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống Biến đổi Khí hậu. Bên trong nước Đức, người Đức không còn thấy những nhóm người tị nạn ồ ạt bước xuống các ga tàu như hồi cuối năm 2015, mối đe dọa của đảng cánh hữu AfD đối với chính sách của Merkel không còn nghiêm trọng như trước. Dù vậy, các nhà bình luận chính trị đã thận trọng lưu ý rằng nếu AfD có ghế trong Quốc hội trong kỳ bầu cử tới, đây là lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc một đảng cực hữu có ghế trong Hạ viện Đức. Đảng cực hữu gần nhất có ghế, và nắm quyền tại Quốc hội, chính là đảng Phát xít.

bau cu Duc anh 13

Economist cũng lưu ý rằng sở dĩ nước Đức dưới thời Merkel có thể đạt được nhiều thành tựu một phần là vì những điều kiện thuận lợi bày ra trước mặt nữ thủ tướng. Cải cách của cựu thủ tướng Gerhard Schroder đã giúp lực lượng công nhân Đức trở nên cạnh tranh hơn. Đồng euro, nguyên liệu thô và vốn vay đều rẻ trong phần lớn thời gian bà Merkel nắm quyền. Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc không thể sản xuất những thứ mà người Đức tạo ra (chẳng hạn như siêu xe), vì thế các nước này phải nhập khẩu từ Đức. Đức là nước có dân số già đứng hàng thứ hai thế giới, nhưng những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số vẫn đang trong độ tuổi lao động.

Vấn đề là không có yếu tố nào dẫn đến những thuận lợi kể trên là tồn tại mãi mãi. Bà Merkel đã có cơ hội chuẩn bị cho tương lai của đất nước và và đã phung phí nó. Nỗi ám ảnh về cân bằng ngân sách của chính phủ Merkel dẫn đến việc họ không bỏ nhiều tiền ra để đầu tư. Giá trị ròng của cơ sở hạ tầng tại Đức đã sụt giảm từ năm 2012. Từ năm 2010, tốc độ băng thông ở nước này đã tụt từ vị trí 12 xuống vị trí 29 trên bảng xếp hạng thế giới. Những lĩnh vực mới như Internet vạn vật hay xe hơi chạy bằng điện ít được chú trọng phát triển. Nền công nghiệp ôtô hùng mạnh của Đức sai lầm khi đặt cược vào động cơ diesel và giờ bị cáo buộc làm giả thí nghiệm xả thải.

Merkel đã không chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai của Đức. Chính phủ của bà giảm tuổi nghỉ hưu còn 63 tuổi và thông qua "khoản trợ cấp cho các bà mẹ" đối với những phụ nữ dành thời gian chăm sóc con cái trước năm 1992, đem lại lợi ích cho một thế hệ vốn đã được chăm sóc tốt. Đồng thời, bà không đưa ra nhiều chính sách đối với những người bị bỏ lại phía sau. Tình trạng bất bình đẳng và việc sử dụng ngân hàng thực phẩm đã tăng lên trong những năm nhiệm kỳ của bà.

Những vấn đề trên có thể trở thành thách thức trong nhiệm kỳ sắp tới của bà nếu bà đắc cử. Tuy nhiên, bà vẫn có thể đạt được rất nhiều trong nhiệm kỳ này. Bà có thể sử dụng thặng dư ngân sách của Đức, lên tới 26 tỷ euro năm ngoái và vẫn đang tăng, để đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực con người và vật chất. Bà có thể nhìn vào ông Emmanuel Macron của Pháp để có những ý tưởng củng cố các thể chế chi phối đồng euro cũng như để nhạy cảm hơn với sự cấp bách về đầu tư cho công nghệ cao. Bà có thể củng cố uy tín trên trường quốc tế của Đức bằng cách nhấn vào mục tiêu đóng góp 2% ngân sách cho NATO.

Di sản của Merkel sẽ phụ thuộc vào điều này.

"Các kinh nghiệm luôn dạy chúng ta rằng mọi thứ cần thời gian, nhưng tôi tự tin 100% rằng đến phút cuối cùng, các nguyên tắc của chúng ta sẽ chiến thắng", Merkel nói trước cử tọa trong một hội nghị an ninh ở Munich vào năm 2015, khi cuộc khủng hoảng di dân đang ở hồi căng thẳng. 

"Không ai biết Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc như thế nào, nhưng nó đã kết thúc. Đó là kinh nghiệm chúng ta sống... Tôi thấy bất ngờ rằng đôi khi chúng ta lại yếu lòng đến thế, lại dễ dàng mất đi nhiệt huyết đến thế".

Angela Merkel còn 4 năm nữa. Hoặc thế giới sẽ chứng kiến một cơn "đại địa chấn" khác vào ngày 24/9 này.

Angela Merkel: Nữ thủ tướng của châu Âu Trải qua 3 nhiệm kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước cơ hội tái đắc cử nhờ vào những thành tựu bà đã và đang để lại cho nước Đức cùng toàn châu Âu.

bau cu Duc anh 14

Phương Thảo - Vũ Mạnh

Đồ họa: Nhân Lê; Ảnh: Getty, AFP

Bạn có thể quan tâm