Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Vietravel nói gì về tham vọng lập hãng bay riêng?

CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng tiềm năng thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn và xu thế toàn cầu là các công ty lữ hành lớn đều tiến tới thành lập hãng bay riêng.

Đầu năm nay, Vietravel nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế. Trao đổi nhân Diễn đàn Kinh tế tư nhân ngày 2/5, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định doanh nghiệp của mình đi theo xu hướng toàn cầu là các doanh nghiệp lữ hành lớn đều đầu tư hãng bay riêng.

"Việt Nam có 5 hãng hàng không là ít"

Theo ông Kỳ, vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng rất cao trong ngành lữ hành và doanh nghiệp sẽ gặp khó với những điểm đến du lịch không có đường bay thẳng. Hậu quả là hành khách phải quá cảnh, thời gian hành trình dài ra, tần suất tổ chức tour thấp, chi phí dịch vụ cao, doanh nghiệp bị động.

Đây là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp lữ hành phải nghiên cứu kế hoạch dài hạn để gia nhập vào thị trường hàng không.

Nhận định về quy mô của ngành hàng không Việt, ông Kỳ khẳng định tiềm năng của thị trường vẫn là rất lớn.

CEO Vietravel Nguyen Quoc Ky anh 1
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel. Ảnh: Vietravel.

CEO Vietravel dẫn chứng hiện có 68 hãng nước ngoài ở 25 nước và 5 hãng nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways) đang khai thác tại Việt Nam. Trong đó, các hãng bay quốc tế liên tục mở thêm đường bay mới đến Việt Nam.

"Chúng ta là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến phục vụ 150 triệu lượt khách vào năm 2035. Với quy mô dân số gần 100 triệu và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm, đạt 15,5 triệu lượt, việc Việt Nam có 5 hãng hàng không là còn ít", ông Kỳ khẳng định.

Ông Kỳ cũng cho rằng cần phải tăng cường đầu tư, thành lập các hãng bay nội địa, tận dụng tốt những ưu thế sẵn có trên sân nhà để cân bằng cán cân thị trường hàng không.

Tuy nhiên, CEO Vietravel cũng không quên lưu ý tốc độ phát triển hạ tầng hàng không hiện nay tạm thời chưa theo kịp lực cầu tăng, dẫn đến việc nhiều sân bay bị “nghẽn” trong những giai đoạn cao điểm. Việc này không giới hạn ở hai sân bay lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài mà còn xảy ra ở các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn hay Quảng Bình.

Theo báo cáo năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất công suất 28 triệu hành khách/năm nhưng đón hơn 38,3 triệu hành khách. Sân bay Cam Ranh công suất khoảng 6,5 triệu hành khách nhưng đón 8,2 triệu hành khách. Sân bay Đồng Hới công suất 400.000 hành khách nhưng phục vụ gần 800.000 lượt hành khách.

Theo người đứng đầu Vietravel, tình trạng này tạo áp lực đến hạ tầng hàng không nói chung, có thể dẫn đến vấn đề chậm, hủy chuyến khiến hành khách gặp phiền toái. 

"Nâng cao công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới là hai điều kiện cần để mở ra cơ hội cho thị trường hàng không phát triển", ông Kỳ nêu quan điểm.

CEO Vietravel Nguyen Quoc Ky anh 2
Hãng hàng không mới của Vietravel sẽ đặt trụ sở tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Vietravel Airlines sẽ chỉ bay charter

Chia sẻ về chiến lược của Vietravel Airlines nếu cất cánh trong tương lai, vị CEO cho biết hãng bay sẽ hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê nguyên chuyến) để giúp Vietravel tăng lượng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư hàng không.

Theo ông Kỳ, mô hình này giúp Vietravel khác biệt với các hãng bay thương mại phải duy trì chuyến bay trong mọi hoàn cảnh. Thay vào đó, doanh nghiệp của ông sẽ linh động khai thác các đường bay theo nhu cầu di chuyển của hành khách để tiết kiệm chi phí.

"Không bắt buộc sân bay lớn nhỏ, trong hay ngoài nước, chúng tôi chủ yếu phục vụ các tuyến ngắn của tour lữ hành. Đây là những nơi các hãng hàng không thương mại khó bay đến vì lượng khách quá nhỏ để thu hồi chi phí", CEO Vietravel chia sẻ.

Ông Kỳ cho biết trong thực tế Vietravel đã thực hiện nhiều chuyến bay charter theo diện hợp đồng thuê bao với các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar. Tính riêng năm 2018, số chuyến bay charter công ty của ông đã thực hiện là gần 300.

"Hiện dịch vụ vận chuyển của công ty đã đủ lớn mạnh, nên Vietravel xác định cần đưa vào khai thác vận chuyển hàng không tư nhân", ông Kỳ tự tin và cho hay mục tiêu năm 2019 của Vietravel là đón 930.000 lượt khách, tăng 9% so với năm ngoái.

Khi được hỏi về số lượng tàu bay dự định đầu tư, CEO Vietravel không tiết lộ con số cụ thể mà chỉ đề cập sẽ xúc tiến các nội dung triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược theo quy định.

Tham gia ngành hàng không tại Việt Nam có dễ?

Dư địa thị trường hàng không tại Việt Nam còn rất nhiều để cả ngành tăng trưởng, tuy nhiên việc lập hãng bay tại Việt Nam là không dễ dàng.


Việt Đức

Bạn có thể quan tâm