Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở đường bay Đông Bắc Á, Bamboo đụng 'mỏ vàng' của Vietnam Airlines

Thị trường Đông Bắc Á được xem là "mỏ vàng" cho các hãng hàng không Việt. Cuộc đua tại thị trường này hứa hẹn khốc liệt hơn với tay chơi mới Bamboo Airways.

Vietnam Airlines từ lâu đã xem Đông Bắc Á là mỏ vàng doanh thu. Vietjet Air vươn dần tới các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong khi Bamboo Airways khẳng định sẽ sớm khai thác đường bay tới Nhật Bản bằng Boeing 787.

Có thể thấy cuộc đua của hàng không Việt tới thị trường Đông Bắc Á đang ngày một quyết liệt.

Mỏ vàng gần 20.000 tỷ mỗi năm của Vietnam Airlines

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là những quốc gia có du khách di chuyển bằng đường hàng không tới Việt Nam nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây.

Năm 2018, số lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,16 triệu, chỉ đứng sau Trung Quốc, tăng 46,5% so với năm 2017. Việt Nam là điểm đến ưa thích thứ hai của du khách Nhật Bản tại Đông Nam Á.

Đài Loan hiện thuộc cũng thuộc nhóm năm thị trường gửi khách du lịch hàng đầu Việt Nam, đạt hơn 616.000 lượt năm 2017. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên đến 1,5 triệu lượt khách vào năm 2020.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia Đông Bắc Á cũng luôn nằm trong nhóm những điểm du lịch hút khách Việt nhất.Theo báo cáo thường niên năm 2017 của Vietnam Airlines, hãng thu 17.856 tỷ đồng mỗi năm từ thị trường Đông Bắc Á.

Đây là thị trường quốc tế mang lại doanh thu lớn nhất cho hãng, bỏ xa các nhóm thị trường khác bao gồm châu Âu hay Đông Nam Á và chỉ đứng sau thị trường nội địa.

bamboo airways bay nhat ban trung quoc han quoc anh 1

Cụ thể, trong khi Vietnam Airlines thu 17,8 nghìn tỷ đồng từ nhóm thị trường Đông Bắc Á, hãng chỉ thu được 6,6 nghìn tỷ đồng từ thị trường châu Âu và 3,2 nghìn tỷ đồng từ thị trường Đông Nam Á.

Trong khi doanh thu của hãng tại thị trường Đông Bắc Á năm 2017 tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 thì doanh thu từ thị trường châu Âu chỉ 3,7% và thị trường Đông Nam Á thậm chí còn giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Có thể thấy Đông Bắc Á vừa mang doanh thu lớn cho Vietnam Airlines, vừa có nhiều dư địa để hãng tăng trưởng doanh thu.

Đó là lý do khiến Vietnam Airlines kiện toàn đội bay phù hợp nhất có thể cho nhóm thị trường này. Cả mẫu A350 XWB và mẫu A321neo mà hãng đặt mua mới từ Airbus đều phục vụ tốt và có khả năng sinh lời ấn tượng từ những đường bay nối Hà Nội và TP.HCM với Đông Bắc Á.

Theo trang chủ của Vietnam Airlines, hiện hãng đang khai thác khoảng 29 đường bay nối Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng tới các thành phố lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo nguồn tin của Zing.vn tại Vietnam Airlines, ngoài doanh thu trực tiếp đến từ các chặng bay trên, hãng còn đóng vai trò là điểm trung chuyển để hành khách tiếp tục bay tới các quốc gia khác trong khu vực hoặc xa hơn là tới châu Âu.

"Hành khách thường lên kế hoạch tới Việt Nam du lịch rồi từ Việt Nam bay tiếp tới một nước thứ ba, cũng trên những chuyến bay của Vietnam Airlines. Do đó các chuyến bay Đông Bắc Á còn đóng vai trò kích cầu cho các đường bay khác của hãng", nguồn tin cho hay.

Không chỉ là thị trường lớn với hàng không thông thường, Đông Bắc Á còn là khu vực quan trọng với hàng không bán chuyến (bay charter). Vietnam Airlines khẳng định trong năm 2017 thị trường thuê chuyến đạt 2,74 triệu lượt, tăng 53% so với cùng kỳ và tăng trưởng thị trường chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Bắc Á.

Các hãng giá rẻ muốn có phần trong miếng bánh

Ngày 25/4, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc đã tham dự và chúc mừng Vietjet Air tại Lễ kỷ niệm 5 năm mở đường bay đến Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á, đã được Vietjet Air chính thức khai thác từ giữa năm 2014 với điểm đến đầu tiên là sân bay Côn Minh và tiếp tục mở rộng mạng bay tới các thành phố khác của Trung Quốc như Thành Đô, Trùng Khánh, Thiên Tân, Thượng Hải… và các sân bay mới như Cáp Nhĩ Tân, Ngạc Nhĩ Đa Tư.

bamboo airways bay nhat ban trung quoc han quoc anh 2
Các hãng hàng không Việt đều tập trung khai thác các đường bay đến Đông Bắc Á. Ảnh: Lê Quân

Hãng bay giá rẻ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang có đường bay thẳng nối Phú Quốc và Hong Kong. Đây là đường bay mới được hãng đưa vào khai thác từ tháng 4/2019.

Trước đó vào đầu tháng 1/2019, hãng cũng đã chính thức khai thác đường bay kết nối thủ đô Hà Nội với Tokyo của Nhật Bản. Đây là đường bay thứ 3 giữa Việt Nam và Nhật Bản của hãng, bên cạnh đường bay Hà Nội - Osaka và TP.HCM - Osaka.

Đường bay Hà Nội - Osaka cũng là đường bay trong chương trình bay hợp tác liên danh (code-share) của Vietjet và Japan Airlines.

Với thị trường Hàn Quốc, Vietjet Air cũng đang có nhiều đường bay nối Hà Nội và TP.HCM tới Seoul cũng như từ các thành phố của Hàn Quốc tới các điểm du lịch của Việt Nam như Phú Quốc.

Có thể thấy Đông Bắc Á đang đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược bay quốc tế của Vietjet Air bởi doanh thu hấp dẫn cũng như phù hợp với dòng máy bay Airbus A320 mà hãng đang khai thác.

Một hãng bay Việt nữa cũng đang để mắt tới thị trường Đông Bắc Á là Bamboo Airways. Ngay trước thềm dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hãng này đã ra mắt liên tiếp 3 đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Chuyến bay đầu tiên đến Hàn Quốc của hãng sẽ theo chặng khứ hồi Hà Nội – Incheon và đã được đưa vào khai thác từ ngày 26/4. Các chuyến bay đến Đài Loan theo 2 chặng khứ hồi Đà Nẵng - Đài Bắc và Hà Nội - Đài Nam sẽ khai thác từ ngày 27/4.

Với thị trường Nhật Bản, Bamboo Airways có 2 chặng khứ hồi Hà Nội - Irabaki và TP. HCM - Irabaki, bắt đầu khai thác từ ngày 28/4.

Hãng dự kiến sẽ sử dụng cả dòng máy bay thân rộng là Boeing 787 để khai thác thị trường Đông Bắc Á, cho thấy sự tự tin của doanh nghiệp vào nhóm đường bay này. Đáng tiếc, việc cấp phép Boeing 787 của Bamboo vẫn đang trong quá trình xem xét. 

Mới đây, Tập đoàn FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways, gửi công văn tới Bộ GTVT phản ánh việc doanh nghiệp "nhặt" được văn bản được cho là từ Vietnam Airlines tố Bamboo Airways giành phi công.

Văn bản của FLC cho hay vào ngày 23/4, doanh nghiệp có "nhặt" được một văn bản dưới dạng photo tại trụ sở của Bamboo Airways. Theo doanh nghiệp, văn bản này được Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) gửi tới Bộ Giao thông vận tải.

Nội dung văn bản phản ánh về việc Bamboo Airways có hành vi “giành giật lực lượng phi công của VNA”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA và cho rằng điều này trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Đồng thời, trong văn bản VNA trực tiếp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng xem xét việc cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với loại tàu bay B787 của Bamboo Airways.

Nghi ngờ bị Vietnam Airlines 'chơi xấu', Bamboo tố lên Bộ Giao thông

Tập đoàn FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways, vừa gửi công văn tới Bộ GTVT về việc doanh nghiệp "nhặt" được văn bản được cho là từ Vietnam Airlines tố Bamboo Airways giành phi công.

 




Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm