Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân sự của Bamboo Airways đến từ đâu?

Tại những vị trí lãnh đạo hãng bay, ngoài nhân lực đến từ Tập đoàn FLC, còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, bao gồm từ Vietnam Airlines, Canada Air...

Câu chuyện nhân sự hàng không một lần nữa nóng lên với văn bản của FLC gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan về nghi vấn bị Vietnam Airlines "chơi xấu", tố Bamboo Airways giành phi công.

Thực tế, tăng trưởng nóng của ngành hàng không đặt áp lực không nhỏ đến câu chuyện nhân sự. Với nguồn cung phi công đang tụt lại phía sau, các hãng bay đang chật vật để tìm được đội bay giỏi, Bloomberg nhận định.

Là hãng hàng không mới nhất cất cánh trong năm 2019 tại châu Á, Bamboo Airways đứng trước thách thức lớn từ cơn khát nhân sự.

"Quá trình đào tạo phi công đòi hỏi thời gian nên tăng trưởng nguồn cung đang không thể theo kịp nhu cầu thị trường", ông Đặng Tất Thắng, CEO của Bamboo Airways, từng chia sẻ. "Khó khăn của chúng tôi là phải tuyển được phi công giỏi, có kinh nghiệm cho các tuyến bay mà chúng tôi sẽ tiếp tục mở trong tương lai".

Ưu đãi tuyển dụng nhân sự kinh nghiệm

Để chuẩn bị cho giai đoạn đầu hoạt động, Bamboo Airways đã tuyển dụng gần 600 nhân sự ở các vị trí như tiếp viên, phi công.

Ngay từ tháng 7/2018, Bamboo Airways đã rầm rộ thông báo tuyển dụng cả phi công và tiếp viên hàng không. Khi đó hãng đã thông báo tuyển 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó), 250 tiếp viên, trong đó tiếp viên trưởng là 45 người. Bên cạnh đó, hãng cũng đăng tuyển gần 90 nhân sự kỹ thuật.

Với vị trí phi công, hãng đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt cho các ứng viên như hỗ trợ cho vay tiền phá vỡ hợp đồng cho các phi công muốn "nhảy việc", mức lương hứa hẹn hấp dẫn nhất thị trường Việt Nam, thưởng 1 tháng lương cho 30 phi công đầu tiên gia nhập hãng cũng như miễn phí nghỉ dưỡng và chơi golf tại các resort của FLC trên khắp cả nước.

bamboo airways co bao nhieu phi cong anh 1
Cạnh tranh nhân sự hàng không gay gắt ở các thị trường tăng trưởng nóng như Việt Nam. Ảnh minh họa: AviationCV.

Với tiếp viên, hãng cũng tổ chức ngày hội tuyển dụng rầm rộ tại nhiều tỉnh thành với hứa hẹn về mức thù lao cạnh tranh cũng như ưu tiên các ứng viên có ít nhất 1.000 giờ bay hoặc 2 năm kinh nghiệm tại các hãng bay khác cho vị trí Tiếp viên trưởng.

Zing.vn liên hệ với lãnh đạo Bamboo Airways về hiện trạng nhân sự của hãng, và tỷ lệ phi công từ Vietnam Airlines "nhảy việc" về đầu quân cho đơn vị này và chưa có câu trả lời.

Theo tính toán của Zing.vn, với lượng nhân sự hiện tại chỉ vừa đủ để Bamboo Airways vận hành khoảng 7-8 chiếc A320 hết công suất, tương đương lượng máy bay mà hãng đang biên chế.

Để phục vụ kế hoạch mở rộng trong tương lai, chắc chắn Bamboo Airways sẽ tiếp tục có thêm các đợt tuyển dụng mới.

Săn nhân sự cấp cao

Dù có chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2019, Bamboo Airways mới chỉ ra mắt bộ máy lãnh đạo vào tháng 5/2018 và sau đó nhân sự cấp cao của hãng liên tục có sự xáo trộn.

Một trong những cái tên đầu tiên được FLC giới thiệu trong dàn lãnh đạo của Bamboo Airways là ông Nguyễn Ngọc Trọng, một lão tướng của Vietnam Airlines.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm tại hãng hàng không quốc gia, ông Trọng được Bamboo Airways ngỏ lời mời giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật ngay sau khi ông vừa nghỉ hưu vào ngày 1/1/2018.

Năm 1975, ông bắt đầu công tác tại VietNam Airlines tại phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 919. Tháng 9/2008, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban kỹ thuật. Từ tháng 3/2012 đến nay, ông Trọng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc, phụ trách Skypec, nắm giữ 4.098 cổ phần của VietNam Airlines.

Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật máy bay kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài.

Nếu như lão tướng của Vietnam Airlines là mảnh ghép hoàn hảo về mặt kỹ thuật cho Bamboo Airways thì ông Eddy Doyle, người có gần 30 năm tại Canada Air, hãng bay lớn nhất Canada, là nhân tố được chọn lo mảng khai thác bay.

Về mặt tài chính, hãng bay của FLC tìm tới bà Dương Thị Mai Hoa. Sau khi rời ghế Tổng giám đốc tại ABBank, bà Hoa đã chuyển sang đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch, kiêm Phó tổng giám đốc tại hãng hàng không Bamboo Airways.

Vị nữ doanh nhân này đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính kế toán tại các doanh nghiệp vốn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia và ngân hàng.

Một cái tên khác mà Bamboo Airways điền vào dàn lãnh đạo là ông Adrian Hamilton - Manns, người từng là Giám đốc Thương mại của IndiGo, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Ấn Độ.

Ngoài những cái tên lớn trong ngành hàng không, Bamboo Airways hiện được lãnh đạo bởi chính ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch công ty mẹ Tập đoàn FLC.

Từ ngày 4/3, ông Quyết sẽ chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways thay ông Đặng Tất Thắng. 

Ông Đặng Tất Thắng vẫn tiếp tục là thành viên của ban lãnh đạo hãng khi nhận vị trí Phó chủ tịch thường trực và vẫn thường xuyên thay ông Trịnh Văn Quyết tham gia các sự kiện lớn cho hiện diện của Bamboo Airways.

Trải nghiệm chuyến bay của Bamboo Airways Zing.vn trải nghiệm chuyến bay QH 101 ngày 22/1 của Bamboo Airways khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng.

Bamboo Airway nói gì về thông tin Đàm Vĩnh Hưng là đại sứ thương hiệu?

Trước dư luận về việc tẩy chay các doanh nghiệp mà Đàm Vĩnh Hưng là đại sứ thương hiệu hoặc có tham gia quảng cáo, Bamboo Airways nói rằng chưa ký hợp đồng với nghệ sĩ Việt nào.

Bamboo nghi Vietnam Airlines 'chơi xấu' và cơn khát phi công tại VN

Sẵn sàng chi lương hơn trăm triệu đồng mỗi tháng cho một phi công nhưng Vietnam Airlines vẫn đang gặp khó trong việc đảm bảo lượng nhân sự trước sự cạnh tranh gay gắt.

 

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm