Jensen Huang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Nvidia. Ảnh: Bloomberg. |
Người sáng lập và CEO của Nvidia cho biết ông thức dậy lúc 6 giờ sáng. Ông bắt đầu ngày mới bằng việc tập thể dục, sau đó làm việc suốt 14 giờ, theo Financial Times.
Bảng xếp hạng Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg xếp ông là người giàu thứ 13 trên thế giới, với giá trị tài sản ròng ước tính 106 tỷ USD, tăng 62 tỷ USD kể từ đầu năm.
Có vẻ như sự giàu có cũng mang lại gánh nặng nhất định. Ông từng nói: "Tôi không thức dậy với sự tự hào và tự tin, mà thức dậy với sự lo lắng và quan ngại”. Đó là bởi Nvidia gần như phá sản vào cuối những năm 1990. Đây là ký ức mà ông gần như không thể rũ bỏ.
Ông chủ Nvidia tham công tiếc việc
Nói chuyện với các sinh viên Đại học Stanford vào năm 2003, Giám đốc Nvidia cho biết ông đã cố gắng dành thời gian vào những lĩnh vực mình cho rằng sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến công ty.
Ông khẳng định: “Là một CEO, thời gian không phải lúc nào cũng là của bạn. Vì vậy bạn cần phải có kỷ luật để biến nó thành của mình. Sẽ có lúc, bạn nhận ra làm một CEO không ngủ là lựa chọn tốt. Thời gian sẽ dư dả hơn khi bạn không ngủ”.
Nvidia đã vượt qua Apple về vốn hóa thị trường vào hôm 5/6 theo giờ Mỹ, khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào nhà sản xuất chip đứng sau cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: Bloomberg. |
Nhà sản xuất chip lần đầu tiên đạt mức định giá 3.000 tỷ USD hôm 5/6, trở thành công ty thứ 3 đạt được cột mốc này sau Microsoft và Apple. Cổ phiếu của Nvidia tăng vọt kể từ đầu năm 2023 nhờ nhu cầu chip tăng cao, là linh kiện không thể thiếu đối với các ứng dụng AI.
Theo Business Insider, CEO Jensen Huang là một người có tiêu chuẩn rất cao. Trong một cuộc phỏng vấn với 60 Minutes, Huang cho biết mọi người thường miêu tả ông là người “yêu cầu cao, cầu toàn, không dễ làm việc". Những tính cách này hoàn toàn phù hợp với ông, Huang nói.
Ở tuổi 61, Huang cũng không có dấu hiệu chậm chạp hay lười làm việc.
Nicolai Tangen, CEO của Norges Bank Investment Management, từng phỏng vấn và hỏi Huang làm việc bao nhiêu giờ một ngày. “Nicolai, có công việc khó khăn và sau đó là công việc cực kỳ khó khăn”, ông chủ Nvidia trả lời. Huang tiết lộ mình làm việc hàng ngày, bất kể ngày lễ, nhưng luôn cảm thấy thư giãn vì yêu thích những gì mình làm.
Trên thực tế, ông có lối sống tham công tiếc việc.
"Tôi làm việc từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Tôi làm việc 7 ngày/tuần. Khi không làm việc, tôi nghĩ về công việc và khi làm việc, tôi chỉ tập trung vào nó. Tôi ngồi xem phim nhưng không nhớ nội dung, vì tôi đang mải nghĩ về công việc”.
Coi trọng văn hóa làm việc
Trước đây, Huang từng tâm sự về những thách thức và đau đớn góp phần xây dựng tính cách hiện tại và khiến ông đạt được thành công như ngày nay.
Tại hội nghị Stripe's Sessions vào tháng 4, Huang cho biết mình không đồng ý với quan điểm "công việc tốt nhất là công việc khiến bạn hạnh phúc mọi giây phút”. Huang cho rằng cần phải chịu đựng và đấu tranh để "biết cách trân trọng những thành quả mình đã làm".
Huang nổi tiếng là người có tiêu chuẩn rất cao và cầu toàn. Ảnh: Bloomberg. |
Huang cũng dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với nhân viên. “Mọi người ngạc nhiên về lượng thời gian tôi ăn ở căng tin, dù là bữa trưa hay bữa tối. Mọi người đều bất ngờ về thời gian tôi dành cho các cuộc họp đủ loại với tất cả nhân viên”, ông nói.
Nhờ coi trọng việc giao tiếp, ông dễ dàng thực hiện vai trò quan trọng nhất của mình - “người giám sát văn hóa công ty". Không giống như nhiều CEO của các Big Tech, Huang cho rằng mình không thể làm được điều đó nếu liên tục phải trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí vô bổ.
“Nếu bạn muốn trở thành người bảo vệ nền văn hóa làm việc, bạn không thể làm điều đó qua CNN hay các bài báo trên tạp chí Forbes”, Jensen Huang chia sẻ.
Huang được biết đến với phong cách lãnh đạo tận tâm và nhận khoảng 60 báo cáo trực tiếp mỗi ngày, ông tiết lộ tại hội nghị Stripe Sessions. Nhà sáng lập Nvidia cũng khuyến khích mọi người trong công ty gửi cho mình 5 điều họ nghĩ đến nhiều nhất trong ngày.
"Tôi không làm việc riêng lẻ vì đội ngũ nhân viên của tôi khá đông. Với những điều tôi muốn nói với họ, tôi đều công khai nói với tất cả cùng một lúc".
Theo quan điểm của ông, điều đó giúp giải quyết vấn đề của nhân viên, giúp họ có "quyền tiếp cận thông tin như nhau" và lắng nghe "lý do của các mệnh lệnh", từ đó "trao quyền cho mọi người".
Nói với Trường Kinh doanh Stanford, Huang chia sẻ rằng các CEO nên có nhiều cấp dưới báo cáo trực tiếp nhất vì điều này giúp họ "dẫn dắt người khác đạt đến thành công, truyền cảm hứng và trao quyền cho người khác".
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.