CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: New York Times. |
Theo nguồn tin của New York Times, Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đạt thỏa thuận điều tra chống độc quyền Microsoft, OpenAI và Nvidia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Dự kiến hoàn thiện trong những ngày tới, thỏa thuận cho phép Bộ Tư pháp Mỹ điều tra khả năng vi phạm luật chống độc quyền của Nvidia với hoạt động kinh doanh chip AI.
Trong khi đó, FTC sẽ kiểm tra hoạt động của OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT) và Microsoft (đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI, bên cạnh thỏa thuận với một số công ty AI khác).
Đây là động thái giám sát chặt chẽ của các quan chức Mỹ với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực AI. Bộ Tư pháp Mỹ và FTC cũng là 2 cơ quan đi đầu trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm kiềm chế quyền lực của các hãng công nghệ lớn.
Năm 2019, một thỏa thuận tương tự giúp chính phủ Mỹ điều tra Google, Apple, Amazon và Meta, từ đó khởi kiện từng công ty với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Nvidia, Microsoft và OpenAI gần như không bị giám sát chặt chẽ theo quy định. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi các sản phẩm AI tạo sinh, có thể sáng tác văn bản, hình ảnh, video và âm thanh bùng nổ từ cuối năm 2022.
Đây không phải lần đầu các cơ quan Mỹ muốn giám sát sự phát triển của AI. Tháng 7/2023, FTC đã điều tra khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng của OpenAI bằng hình thức thu thập dữ liệu.
Đến tháng 1, cơ quan này tiếp tục điều tra quan hệ đối tác giữa các hãng công nghệ lớn với một số startup AI, bao gồm Microsoft với OpenAI, Google và Amazon với Anthropic.
Hồi tháng 2, Lina Khan, Chủ tịch FTC, cho biết cơ quan này đang cố gắng phát hiện "các vấn đề tiềm ẩn ngay từ đầu, thay vì chờ nhiều năm khi vấn đề ăn sâu và khó thay đổi hơn".
Với vai trò của các công ty, Nvidia cung cấp bộ xử lý đồ họa (GPU) dùng để đào tạo mô hình AI. Các công ty đổ xô mua GPU giúp doanh số Nvidia tăng 2-3 lần. Giá cổ phiếu công ty tăng 200% trong một năm, vốn hóa vượt Apple.
Những công ty trong ngành được cho đang lo lắng sự thống trị của Nvidia khi phần mềm của công ty chỉ tương thích chip Nvidia, cũng như cách công ty phân phối chip cho khách hàng.
Logo Microsoft trong một sự kiện. Ảnh: New York Times. |
Microsoft, công ty công nghệ đại chúng giá trị nhất thế giới, sở hữu 49% cổ phần OpenAI - cái tên đứng sau ChatGPT. Các mô hình của OpenAI được đưa vào nhiều phần mềm như Bing, Office và kể cả Windows.
Các thỏa thuận của Microsoft gây chú ý vì giúp công ty tác động đến công nghệ mới nổi. Trong khi đó, một số nhân vật trong ngành lo ngại những thỏa thuận lập ra để Microsoft tránh sự giám sát của cơ quan quản lý.
Theo New York Times, Microsoft đã cơ cấu một số cổ phần tại OpenAI để tránh các giám sát chống độc quyền. Hồi tháng 3, công ty đạt thỏa thuận thuê hầu hết nhân viên của startup Inflection AI. Do không phải thương vụ mua bán thông thường, giới chức sẽ khó kiểm tra kỹ.
Trong một hội nghị về AI tại Đại học Stanford, Jonathan Kanter, quan chức chống độc quyền hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng "cấu trúc và xu hướng trong lĩnh vực AI khiến chúng ta suy nghĩ lại".
"AI dựa vào lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán khổng lồ, có thể mang đến lợi thế đáng kể cho các công ty vốn đang thống trị thị trường", Kanter nhấn mạnh.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.