Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Grab VN: ‘Grab khác biệt khi nhận thức rõ nhu cầu của thị trường’

5 năm sau “cuộc hành quân” vào Việt Nam, Grab trở thành cái tên ghi dấu ấn lớn trên thị trường xe công nghệ, với tầm nhìn chiến lược và những bước đi táo bạo.

Trong chiếc áo thun màu xanh quen thuộc của Grab, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam, say sưa nói về những thành tựu hãng xe công nghệ có được trên dải đất hình chữ S, hào hứng như chính cách ông chọn đất nước đang phát triển này là trạm dừng chân tiếp theo trên hành trình sự nghiệp của mình.

Từ start-up địa phương đến “người khổng lồ công nghệ” Đông Nam Á

Nhiều người Việt vẫn mong muốn được làm việc trong một môi trường năng động với nền tảng kinh tế, công nghệ phát triển như Singapore. Tại sao ông lại đi ngược dòng khi chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp?

- Nếu bạn nhìn vào các nghiên cứu thị trường, Việt Nam và Indonesia là 2 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, được kỳ vọng sẽ phát triển bùng nổ trong vòng 5-10 năm tới.

Việt Nam có rất nhiều cơ hội, không chỉ để thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng. Vài năm trước đây, nhiều người thường chọn mua TV CRT. Thậm chí ở một vài quốc gia, người dân không có khả năng mua TV CRT chứ đừng nói đến các loại LCD, LED… nhưng thực tế cũng không cần mua TV làm gì. Họ chỉ cần mua một chiếc smartphone là có thể thoải mái xem các nội dung đăng tải trực tuyến.

Đó chính là sự phát triển bùng nổ mà tôi muốn nói đến. Khi mọi người không nhất thiết đuổi theo xu hướng, họ có thể tận dụng công nghệ từ các ứng dụng trên smartphone. Hơn thế nữa, tôi tin rằng sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

CEO Grab anh 1

Ông Jerry Lim tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ bùng nổ trong vòng 5-10 năm tới.

- Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông đã đạt được kỳ vọng về sự phát triển đặt ra? Thành tựu lớn nhất của ông là gì?

- Việt Nam mở ra thế giới mới mẻ. Tôi chưa từng làm việc tại đây và hoàn toàn không biết ngôn ngữ hay văn hóa địa phương. Khó khăn đầu tiên với tôi là hiểu được văn hóa, hành vi, suy nghĩ và thái độ của người Việt. Đồng thời, tôi phải học ngôn ngữ địa phương để giao tiếp khi làm việc với nhiều đối tác tài xế phần lớn không biết tiếng Anh. Ban đầu, tôi luôn cần một phiên dịch viên đi cùng và rất bất tiện. Nhưng dần dần, tôi cũng học được những câu giao tiếp cơ bản.

Mục tiêu của chúng tôi là thông qua công nghệ để tạo ra những ảnh hưởng tích cực và đóng góp cho cộng đồng. Trong 5 năm qua, Grab đã phát triển từ một start-up địa phương quy mô nhỏ trở thành “người khổng lồ công nghệ” tại Đông Nam Á. Giờ đây, Grab đã là cái tên quen thuộc hơn với nhiều người. Trên thực tế, chúng tôi đang phục vụ những nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của 1/4 người dân Việt Nam. Và Grab đặt mục tiêu tỷ lệ này thay đổi thành 1/2 vào năm 2020.

Dữ liệu khảo sát nội bộ của chúng tôi cũng cho thấy Grab góp phần cải thiện nhiều mặt trong cuộc sống thường nhật của người dùng với những phản hồi tích cực. Ví dụ, mức thu nhập tính theo tháng của các đối tác tài xế Grab cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của cả nước. Thu nhập ròng của các đối tác kinh doanh cao gấp 3 lần khi hợp tác trên nền tảng GrabFood của chúng tôi.

Grab giúp mang cửa hàng, quán ăn hiện diện trên thị trường trực tuyến và hỗ trợ đối tác khâu marketing. Hiệu suất sử dụng xe ôtô đạt hơn 70%, và khách hàng chỉ mất trung bình 2,5 phút để đặt được một dịch vụ Grab. Khảo sát của Kantar công bố vào tháng 8 cũng chỉ ra rằng, GrabFood là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất bởi 87% người tham gia khảo sát, nhờ thời gian giao nhận thức ăn nhanh hàng đầu thị trường.

Vì vậy, nếu hỏi liệu chúng tôi đã đạt được kỳ vọng đặt ra về mức độ phát triển chưa, câu trả lời là có. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng hiểu rằng vẫn còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội để đóng góp và gắn bó với người dân Việt Nam hơn nữa thông qua công nghệ.

- Những thách thức mà Grab phải đối mặt trong 4 năm ông có mặt tại Việt Nam?

- Những ngày đầu, chúng tôi phải đối mặt với thách thức từ việc thu hút nhân tài. Việt Nam sở hữu nhiều nhân tài, nhưng họ lại có xu hướng lựa chọn các thương hiệu quốc tế hoặc các doanh nghiệp trong nước quy mô lớn. Rất khó để thuyết phục họ gia nhập, cùng chúng tôi hiện thực hóa sứ mệnh dùng công nghệ vì cộng đồng, bởi khi đó Grab chưa được nhiều người biết đến. Nhưng theo thời gian, uy tín, độ nhận biết của thương hiệu Grab ngày càng được củng cố và chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

CEO Grab anh 2
Grab hợp tác cùng Tập đoàn Sovico để phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Thách thức còn lại đến từ việc trao đổi với đối tác trong nước, khi nhiều trường hợp còn ngần ngại khi hợp tác với các doanh nghiệp FDI. Để thuyết phục họ, chúng tôi cố gắng hướng đến thông điệp đóng góp cho xã hội và mang lại những thay đổi tích cực.

Đến nay, chúng tôi đã ký kết hợp tác với tập đoàn, công ty thương mại điện tử và công nghệ hàng đầu Việt Nam. Tất cả quan hệ hợp tác này không chỉ giúp chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái siêu ứng dụng để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dùng, mà còn hỗ trợ các đối tác mở rộng kinh doanh và nâng cao năng lực công nghệ, từ đó cùng nhau cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người.

Hiểu rõ nhu cầu thị trường để tạo khác biệt

Là một trong những “kỳ lân” công nghệ thuộc top đầu Đông Nam Á, Grab đã sử dụng công nghệ như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương?

Grab có đủ năng lực công nghệ để tư vấn, hỗ trợ cho đối tác. Ví dụ, dựa trên công nghệ, chúng tôi làm việc với các thương hiệu trà sữa và cho họ biết thức uống nào bán chạy nhất trên GrabFood. Qua đó, chúng tôi cũng có cơ sở giúp họ điều chỉnh thực đơn. Grab cũng có thể tư vấn cho các nhà hàng cách tạo ra những combo thức ăn hợp lý ở mức giá tiết kiệm, tăng trưởng doanh thu đáng kể. Thậm chí, Grab có thể giúp các doanh nghiệp biết nên mở chi nhánh mới ở đâu để thu hút lượng khách ghé thăm đông nhất.

Thông qua công nghệ, chúng tôi còn hỗ trợ người dùng dự đoán cung đường hàng ngày họ đi, thời gian đến nơi… để mỗi chuyến xe trở nên an toàn hơn.

CEO Grab anh 3
Grab hợp tác cùng Tập đoàn Sovico để phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

- Trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến cuộc chạy đua của các “ông lớn” xe công nghệ, điều gì làm nên sự khác biệt của Grab so với đối thủ?

- Sự khác biệt của chúng tôi nằm ở 2 yếu tố chính. Thứ nhất, chúng tôi luôn đặt khách hàng ở vị trí trọng tâm. Với chiến lược địa phương hóa, Grab cung cấp những sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người dùng từng quốc gia. Bởi với cùng một sản phẩm, người Indonesia, Singapore hay Việt Nam sẽ sử dụng và có những kỳ vọng khác nhau. Chúng tôi phải hiểu được vấn đề người dùng gặp phải hàng ngày và sử dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu đó.

Một ví dụ tiêu biểu, chúng tôi chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ra mắt dịch vụ GrabBike. Khi đó, mọi người đều nói rằng chúng tôi sẽ thất bại vì hầu như mỗi người dân đều có sẵn xe máy.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự tin với kế hoạch của mình khi xác định được 2 vấn đề chính của người đi xe máy. Đầu tiên, việc tìm chỗ đậu xe hàng ngày tiêu tốn khá nhiều thời gian và chi phí. Tiếp nữa, khi bạn đến chỗ làm, chiếc xe máy sẽ đậu suốt 8 tiếng ở bãi giữ xe. Vậy tại sao bạn không sử dụng thời gian và chi phí đó một cách hiệu quả hơn bằng cách đi xe máy công nghệ?

GrabBike đã minh chứng việc chúng tôi thật sự hiểu rõ nhu cầu thị trường, dự đoán và tạo ra một dịch vụ thật sự đáp ứng đúng những gì người dân cần. Cho đến hiện tại, GrabBike là mô hình thành công nhất của chúng tôi, và sau đó Grab đã mở rộng dịch vụ này ra các nước khác trong khu vực.

Không chỉ thấu hiểu người dùng, điều khiến Grab khác biệt là luôn hiểu rõ thị trường đang vận động thế nào. Chúng tôi luôn tin rằng cạnh tranh là điều rất tốt cho thị trường, giúp Grab hiểu được vì sao một sản phẩm, tính năng, dịch vụ lại được người dùng lựa chọn. Liệu đã có điều gì mà chúng tôi đã bỏ qua hoặc chưa từng nghĩ đến? Dĩ nhiên, việc chúng tôi cần làm không phải bắt chước những doanh nghiệp khác, mà là tận dụng ưu thế công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.

CEO Grab anh 4
Grab đã thành công khi mạnh dạn triển khai GrabBike vào thị trường Việt Nam.

- Một số người dùng phàn nàn rằng mức giá của dịch vụ Grab so với thị trường hiện tại vẫn ở mức cao. Ông có cho rằng đây là bất lợi đối với Grab và lý do đằng sau chiến lược này là gì?

Trong nền kinh tế thị trường, sẽ luôn có những sản phẩm giá rẻ hơn của bạn. Điều chúng tôi luôn nỗ lực là làm thế nào để khách hàng vừa đặt được xe có cước phí tiết kiệm nhất, vừa đảm bảo các đối tác tài xế có thu nhập thỏa đáng và ổn định.

Nhưng trên hết, chất lượng và an toàn vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi có quy trình kiểm tra đầu vào của đối tác tài xế rất nghiêm ngặt, bao gồm cả lý lịch tư pháp. Mỗi đối tác cần phải trải qua các lớp học về kỹ năng dịch vụ, lái xe an toàn… trước khi đưa đón hành khách. Trong suốt quá trình họ hoạt động trên ứng dụng Grab, chúng tôi cũng liên tục đưa ra các chương trình học online và offline để đảm bảo chất lượng tốt nhất và sự an toàn cho người dùng.

- Với nhiều người Việt Nam, Grab là công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Grab có chiến lược gì để duy trì vị trí tiên phong này?

- Tôi nghĩ rằng họ đã ưu ái khi gọi Grab là công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Thực tế là đã có rất nhiều công ty công nghệ có lịch sử thành lập trước Grab hàng thập kỷ như Google, Facebook, Amazon…

Tôi cho rằng bạn có thể gọi Grab là công ty tiên phong trong lĩnh vực đặt xe công nghệ tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng tôi là công ty đầu tiên được Chính phủ chấp thuận tham gia vào Đề án 24. Và hiện nay, thị trường đã trở nên vô cùng năng động với hơn 10 công ty trong và ngoài nước kinh doanh trong lĩnh vực này. Bằng cách giúp khách hàng và đối tác tài xế tiếp cận dễ dàng hơn với ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh, chúng tôi đã thay đổi thói quen và tạo ra một phong cách di chuyển mới cho mọi người.

Tôi tin rằng những “hạt giống” mà Grab đã nỗ lực gieo trồng trong suốt 5 năm qua đang giúp người dùng ngày càng cởi mở hơn với công nghệ, góp phần phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

- Có thông tin cho rằng Grab đang có khoảng 100 kỹ sư, và tất cả họ đều làm việc tại Singapore. Điều đó có đúng không?

- Chúng tôi đang có hơn 2.000 kỹ sư công nghệ đang làm việc tại 7 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) khắp thế giới. Grab đặt mục tiêu tuyển dụng thêm khoảng 1.000 kỹ sư nữa trong năm nay, để phục vụ cho mục tiêu trở thành siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á.

Chúng tôi cũng đã mở một trung tâm R&D tại TP.HCM. Mục tiêu của chúng tôi là góp phần nuôi dưỡng, phát triển các tài năng công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

- Mải miết xây dựng chỗ đứng cho ứng dụng xe công nghệ tại Việt Nam, ngoài thành tựu về thị phần, Grab đã có những đóng góp gì cho cộng đồng?

Tôi đã rất sốc khi được xem một video về cảnh người cha phải cho con gái vào túi ni lon để vượt sông đến trường. Có khi những đứa trẻ thường ở lại trường cả tuần và chỉ được về nhà vào cuối tuần vì quãng đường đi lại quá khó khăn.

CEO Grab anh 5
Bên cạnh phát triển hoạt động kinh doanh, Grab còn triển khai nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa.

Hoạt động cộng đồng mà chúng tôi thực hiện gần đây nhất là hợp tác với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để thực hiện dự án “Xây cầu đến lớp” với mục tiêu hỗ trợ phát triển điều kiện cơ sở vật chất, giao thông đi lại và tiếp cận văn hóa cho trẻ em các vùng khó khăn. Ngay trong năm đầu tiên triển khai, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng 5 cây cầu ở các vùng khó khăn với tổng kinh phí lên đến 5 tỷ đồng, giúp cải thiện điều kiện đến lớp của hơn 1.000 trẻ em, nhất là trong mùa mưa, lũ.

Cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã khởi công xây dựng 2 câu cầu đầu tiên tại huyện Long Hồ và huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, Grab cũng có nhiều chương trình trước đó để mang đến những đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Vừa qua, chúng tôi cũng vừa công bố lộ trình triển khai sứ mệnh “Công nghệ vì cộng đồng” phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Việt Nam.

Giang Di Linh - Ngân Hạnh - Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm