CEO Eximbank: 'Tôi luôn tạo áp lực cho chính mình'
Năm 2012 đi qua với không ít khó khăn mà ngành ngân hàng phải đối mặt. Năm 2013 được dự báo vẫn là một năm không bình yên đối với hoạt động của ngành, nhưng khó khăn và thách thức đi kèm với cơ hội.
CEO Eximbank Trương Văn Phước |
Để có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), TS Trương Văn Phước chia sẻ, với vai trò là CEO, ông luôn tạo áp lực cho chính bản thân với sự tự tin, nỗ lực và quyết tâm.
- Theo ông, thách thức và cơ hội đối hoạt động của các ngân hàng thương mại trong năm nay là gì?
- Thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2013 là xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro… Các quy định này rất nghiêm ngặt, vì thế nợ xấu sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh nợ xấu đã phát sinh thì dư nợ nhóm 1, tức nợ được hạch toán ở trạng thái bình thường phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu kinh tế phục hồi chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
Tuy nhiên, thách thức bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Trong năm 2012 vừa qua, điểm sáng đối với hoạt động của ngành ngân hàng là lạm phát đang từ mức rất cao đã được đưa về dưới 1 con số như hiện nay. Nó tạo tiền đề cho NHNN có thể điều hành chính sách tiền tệ với mặt bằng lãi suất thấp hơn và tỷ giá hối đoái ổn định. Lãi suất giảm sẽ khơi thông dòng vốn tín dụng. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt thấp có nhiều lý do như: hàng tồn kho, công nợ dây dưa, sức cầu kinh tế suy yếu… Lãi suất cao cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng dư nợ không cao. Theo quy luật cung - cầu, khi giá cao, cầu sẽ giảm. Năm nay, lãi suất giảm, cầu chắc chắn sẽ tăng. Cầu về vốn tăng sẽ làm cho dòng vốn ngân hàng luân chuyển nhanh hơn. Đặc trưng của Ngân hàng thương mại là khi vốn luân chuyển nhiều hơn sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn.
Nếu nút thắt trong hệ thống ngân hàng được khơi thông sẽ là điều kiện nền tảng để nền kinh tế phát triển. |
- Năm qua, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, nhưng Thống đốc NHNN cho rằng, điều đó đã phản ánh bản chất thực của hệ thống ngân hàng. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi đồng tình với ý kiến của Thống đốc NHNN là năm 2012, thị trường tiền tệ đã được trả lại cái thực chất, cái bản chất của nó. Tất cả những khó khăn, thuận lợi và khiếm khuyết của hệ thống tiền tệ gần như đã bộc lộ hết, mà nổi bật nhất là nợ xấu. Có thể nợ xấu hiện nay có một phần bị che giấu, nhưng sự che giấu đó của các Ngân hàng thương mại cũng chỉ được một thời gian ngắn. NHNN đã điều chỉnh các chính sách, quy định để buộc các Ngân hàng thương mại phơi bày thực trạng tài chính của mình.
Thực ra, để làm minh bạch bảng cân đối tài chính của một Ngân hàng thương mại không khó, vấn đề quan trọng là có quyết tâm làm hay không. Trong năm qua, NHNN đã làm được điều đó để đưa hệ thống Ngân hàng thương mại trở về đúng thực trạng. Thực tế đó đặt ra cho các tổ chức tín dụng phải nhìn lại mình một cách nghiêm túc để có thể lựa chọn hình thức tái cơ cấu phù hợp, nhằm phát triển bền vững. Điều đó mới quan trọng, chứ không hẳn khó khăn lớn nhất mà ngân hàng đối mặt chỉ có nợ xấu, vì nợ xấu tồn tại trong hệ thống ngân hàng là điều không thể tránh khỏi.
- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2013 được NHNN đặt ra ở mức 12% có khiến các ngân hàng bị hạn chế trong việc phát triển tín dụng, khi mà nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận hiện nay vẫn đến từ tín dụng, thưa ông?
- Năm 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,03% và mục tiêu đặt ra cho năm nay ở mức 5,5%. Mục tiêu này đòi hỏi sức cầu tiền tệ phải cao hơn. Sức cầu tiền tệ cao phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự hồi phục của nền kinh tế đòi hỏi phải có thời gian. Bởi lẽ, bên cạnh câu chuyện tăng trưởng thì chúng ta đang phải giải quyết bài toán nợ xấu. Nợ xấu vẫn là chướng ngại của tăng trưởng tín dụng.
Năm nay, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, trong khi kế hoạch năm ngoái là 15 - 17%. Thực tế, tăng trưởng tín dụng thực của năm 2012 chỉ đạt xấp xỉ 9%, nên mục tiêu đặt ra cho năm nay 12% là phù hợp. Song tôi nghĩ rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh, có thể nâng lên 13 - 14%. Cơ chế điều hành trần tăng trưởng tín dụng đã được NHNN áp dụng trong mấy năm vừa qua, tùy theo đặc thù của thị trường mà có tăng, có giảm.
- Theo ông, xu hướng lãi suất cho vay năm nay sẽ như thế nào và kỳ vọng sức cầu về vốn ra sao?
- Lãi suất luôn theo chiều hướng của lạm phát, nếu lạm phát giảm, lãi suất sẽ đi xuống. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một nhân tố khác là quy luật cung - cầu sẽ quyết định lãi suất.
Lãi suất năm nay được kỳ vọng thấp hơn năm ngoái. Với quyết tâm của cơ quan quản lý cũng như điều kiện thị trường cho thấy, CPI sẽ được kiểm soát ở mức thấp hơn. Nhưng đối với nhân tố về cung - cầu tác động đến lãi suất cho vay, nếu cầu tăng mạnh thì lãi suất có thể tăng lên.
Hiện nay, lãi suất đang trên đà giảm. Chính sách kích cầu được Chính phủ đưa ra như hỗ trợ vốn cho người dân mua nhà ở xã hội, thông qua Ngân hàng thương mại cho vay lượng vốn 20.000 - 40.000 tỷ đồng với lãi suất rất thấp được NHNN tái cấp vốn sẽ góp phần tác động làm lãi suất giảm thấp hơn.
Cũng cần nhìn nhận rằng, làm cho lạm phát thấp xuống hơn nữa là không đơn giản. Nếu điều hành các chính sách vĩ mô không vững tay, không chắc chắn thì lạm phát cao có thể quay trở lại. Vì ngoài chính sách tiền tệ, trong đó công cụ cơ bản của NHNN là “bơm” và “hút” tiền trong nền kinh tế để kiểm soát lạm phát, thì vai trò của chính sách tài khoá trong ổn định kinh tế vĩ mô cũng rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, điều đó buộc NHNN phải điều hành chính sách làm sao để lãi suất không xuống quá thấp. Đó là chưa kể, phải có một mức lãi suất phù hợp thì hoạt động huy động vốn trong ngân hàng mới ổn định và phát triển. Do đó, tôi dự báo, lãi suất huy động năm nay sẽ dao động phổ biến trong khoảng 7 - 9%/năm, còn lãi suất cho vay trong khoảng 10 - 12%/năm.
- Năm 2013, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận bao nhiêu, thưa ông?
- Tín dụng năm qua của Eximbank tăng 0,34%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.828 tỷ đồng so với kế hoạch là 4.600 tỷ đồng. Dù tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, nhưng nhờ chất lượng tín dụng tương đối tốt, nên nguồn thu từ tín dụng của Eximbank khá ổn định. Ngân hàng không phải trích lập dự phòng nhiều, các khoản nợ xấu phát sinh ít, không làm cho nguồn thu từ hoạt động tín dụng bị “treo” lại, nên lợi nhuận đạt được của Eximbank trong năm 2012 có thể chấp nhận được trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
Lợi nhuận Eximbank đạt được trong năm qua, tín dụng đóng góp xấp xỉ 70%, nguồn thu từ dịch vụ chiếm khoảng 25%. Năm nay, Eximbank xây dựng kế hoạch lợi nhuận ở mức 3.200 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu tương đối cao, đòi hỏi Ngân hàng phải nỗ lực, phải tận dụng các cơ hội, điều kiện của thị trường và nhất là phải quản lý chất lượng tín dụng tốt. Bởi lẽ, Eximbank cũng như các Ngân hàng thương mại khác, phải xử lý nợ xấu, giảm lãi để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt mức cao, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra thu hẹp.
- Điều đó có nghĩa, áp lực lên vai CEO ngân hàng như ông sẽ rất lớn?
- Tôi luôn tạo áp lực cho chính mình. Bởi vì, tổng giám đốc điều hành một Ngân hàng thương mại phải điều phối các hành vi, hành động của ngân hàng. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn, phải hết sức tập trung. Để tăng trưởng các mặt hoạt động kinh doanh, đồng thời uốn nắn, chỉnh sửa những khiếm khuyết một cách kịp thời và đúng liều lượng là rất khó. Nhưng tôi vẫn lạc quan và tự tin. Tôi rất yêu thích bóng đá và hay tâm sự với đồng nghiệp của mình rằng, trong bóng đá, quan trọng nhất là “cách chơi”, chứ không phải là kết quả trận đấu. Mặc dù kết quả trận đấu là tham chiếu cho sự tồn tại của huấn luyện viên, là điều mà không chỉ cầu thủ chuyên nghiệp hướng tới, mà còn là cách mà đông đảo khán giả mong mỏi, kỳ vọng ở mỗi trận đấu.
Theo Đầu tư Chứng khoán