TS Alan Phan: 'Thất bại là bạn, chứ không phải kẻ thù'
Đón Tết Quý Tỵ tại Việt Nam, Tiến sĩ Alan Phan chia sẻ, ở tuổi 68, điều ông thấy hạnh phúc nhất là mình có được những trải nghiệm kỳ thú, sau mỗi thất bại luôn biết cách đứng lên.
- Là một người từng trải, ông nghĩ thành công lớn nhất mà mình gặt hái được là gì?
- Sự thành công của con người có thể được đánh giá trên nhiều lĩnh vực, như tài chính, trí tuệ, kinh nghiệm hay những đóng góp xã hội. Nếu như ở lĩnh vực tài chính, thành công lớn nhất của tôi là đưa công ty Hartcourt vốn từ 2 triệu USD lên 700 triệu USD; về học vấn, tôi cũng đã có bằng Tiến sĩ. Nhưng với tôi, thành công lớn nhất trong cuộc đời là gặt hái được những trải nghiệm kỳ thú. Sau 45 năm lăn lộn trên thương trường, tôi đã được tận hưởng những giây phút, những thành công, cả những thất bại, có được nhiều điều mình mơ ước mà vẫn giữ được nền tảng đạo đức của mình.
- Gia đình có đóng góp như thế nào trong những thành công đó của ông?
- Trong mỗi giai đoạn, gia đình đều có vai trò rất lớn và có những đóng góp riêng cho các thành công khác nhau. Gia đình là động lực lớn để tôi và nhiều doanh nhân khác đương đầu với những khó khăn, thất bại, vì bản thân luôn nghĩ không muốn gia đình phải thiếu thốn điều gì, cả về vật chất và tinh thần.
TS. Alan Phan, cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa. |
- Ngoài những thành công, ông cũng đã trải qua nhiều thất bại. Là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ông có lời khuyên gì cho những đồng nghiệp khác cũng vừa trải qua một năm đầu tư khó khăn, thua lỗ?
- Thất bại hay thua lỗ thực ra là kết quả của một quá trình nhiều năm, từ những lựa chọn sai lầm. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn cách kinh doanh trên những cơ sở, kế hoạch thiếu bền vững, khi nhận ra sai lầm lại chậm sửa đổi. Đó là nguyên nhân chính khiến họ phải trả giá trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng thất bại là một người bạn chứ không phải là kẻ thù, vì nó dạy cho ta nhiều điều hơn là thành công. Người ta thường có thói quen ngủ quên trên chiến thắng, trong khi hiếm có người nào bước lên được từ thất bại. Nhà đầu tư nào chấp nhận trả giá, mở rộng tư duy để đón những suy nghĩ mới, những sáng tạo đặc thù thì mới có thể tiến lên một đẳng cấp khác, và gặt hái được thành công trong tương lai.
- Lời khuyên nào của ông dành cho những người trẻ đang ấp ủ giấc mơ lập nghiệp, yêu kinh doanh và muốn làm giàu?
- Thông thường, sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân trẻ hay mắc phải là chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền thay vì tìm kiếm một mô hình kinh doanh mà họ có niềm đam mê, có sáng tạo và có lợi thế. Lời khuyên của tôi với những doanh nhân trẻ là hãy chịu khó tìm kiếm cách thức kinh doanh mới, cùng với đó là tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng, ấp ủ ý chí và lòng quyết tâm, thành công qua tiền bạc chắc chắn sẽ tới với các bạn.
- Sau khi chia tay quỹ đầu tư đã gắn bó trong suốt 10 năm, ông có thấy bản thân mình hụt hẫng gì không?
- Thực ra cũng không có cảm xúc đặc biệt nào. Sau 10 năm làm việc, tôi đã mất đi niềm đam mê ban đầu, có cảm giác công việc giống như một thói quen mỗi ngày, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Tôi khi đó không khác gì những công chức nhà nước, không còn thử thách và hứng thú nữa. Vì vậy, tôi chia tay quỹ đầu tư này, để đi tìm cho mình những thử thách mới, khám phá những khả năng của mình một lần nữa, nếu không một ngày nào đó nội lực sẽ bị mai một đi mất.
- Niềm đam mê hiện tại của ông là gì?
- Thời gian vừa qua tôi đã sang Mỹ tìm cơ hội kinh doanh mới hay một trò chơi mới, nhưng không may lại bị bệnh nên phải hoãn lại các kế hoạch. Có thể một năm nữa tôi mới hồi phục mạnh mẽ để bắt tay vào tìm kiếm một công việc phù hợp.
- Cảm giác của một đứa con làm ăn xa đã nhiều năm, nay lại trở về đón Tết trên mảnh đất quê hương trong ông ra sao?
- Cũng giống như những đứa con xa quê về lại thăm nhà, cảm giác trong tôi là sự đầm ấm, thân quen và có chút hoài cổ. Tôi được nhiều bà con bạn hữu hỏi thăm gặp gỡ, đây cũng là một điều rất thú vị.
- Tết của một chủ tịch quỹ đầu tư và Tết của một người đã tạm thời rời xa việc kinh doanh có gì khác biệt không thưa ông?
- Khi làm chủ tịch quỹ đầu tư với 30 nhân viên, thời gian cuối năm chính là lúc tôi được tận hưởng những ngày yên bình, sống chậm, đi du lịch và nghỉ dưỡng Năm nay, trái lại, có vẻ bận rộn hơn nhiều, vì nhiều bạn bè mời đến nhà ngày đầu năm để xông đất, gặp gỡ.
- Thú vui của ông vào ngày Tết là gì?
- Trước đây, khi còn ở Hong Kong hay Thượng Hải, những ngày Tết, tôi thường bay về những khu vực ấm hơn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đi ra những bờ biển, ngồi tĩnh dương, cho mình nạp lại năng lương và hồi sinh lại niềm đam mê. Năm nay, khi quyết định đón Tết tại Việt Nam, tôi muốn sống lại những ngày thơ bé, đi mua sắm tết, trang hoàng nhà cửa, mấy hôm nữa thì đi chúc tết, xông đất, thăm bà con bạn bè, thử làm những việc mà trước đây mình đã từng làm.
Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn là tác giả nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt về các thị trường mới nổi… Trước đây, ông từng đi du học 7 năm tại Mỹ theo chương trình học bổng của UNSAID, và trở lại Sài Gòn vào năm 1970. Sau ngày đất nước thống nhất, với nhiều biến cố lịch sử và cuộc sống, ông bỏ lại tất cả dắt díu vợ con qua Mỹ với vỏn vẹn 400 USD trong túi cùng một quyết tâm xây dựng lại cuộc đời mình. Sau tám năm đi làm thuê, ông quyết định ra riêng, thành lập Hartcourt vào năm 1983. Đến năm 1999, công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu USD và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Rời Hartcourt sau 17 năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, ông quyết định đến Australia học thêm tiến sĩ về quản trị kinh doanh và thành lập quỹ đầu tư riêng cho gia đình - VIASA Fund. Giữ cương vị chủ tịch của quỹ trong 10 năm, đến tháng 12/2012, ông nhường lại vị trí này cho lớp doanh nhân kế cận mới. |
hạ minh
Theo Infonet