Cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc là dự án trọng điểm giảm ùn tắc tại quận Đống Đa, Hà Nội. Công trình được khởi công từ đầu tháng 11/2021. Theo thiết kế, cầu vượt thép được lắp ghép theo hình chữ C dài hơn 320 m, rộng 9 m, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp. |
Theo ghi nhận của Zing ngày 20/2, dự án đang thành hình. Nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ việc lắp thép các dầm thép của cây cầu. |
Tuy nhiên, trên công trường dự án gần như không có dấu hiệu thi công. Phần đường dẫn lên cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch vắng bóng máy móc và công nhân làm việc. |
Cầu có móng bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Móng mố cầu gồm 3 cọc khoan nhồi đường kính 1,2 m. Trong ảnh là đoạn dầm thép được uốn cong giữa đường Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc. |
Nhiều vật liệu được tập kết ngổn ngang phía đường Chùa Bộc. Dự án này ban đầu được dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022 và đã 2 lần lùi tiến độ. Tổng mức đầu tư của cầu là hơn 147 tỷ đồng. |
Mới đây, Hà Nội đã đồng ý rào chắn phục vụ thi công hợp long kết cấu phần trên của cây cầu tại nút giao. Theo đó, thành phố chấp thuận nối liền hai đoạn rào chắn hiện trạng trên đường Chùa Bộc và Phạm Ngọc Thạch chiều dài rào chắn bổ sung khoảng 40 m, bề rộng 10 m. |
Do đoạn rào chắn, Sở GTVT Hà Nội cấm các phương tiện hướng từ Phạm Ngọc Thạch đi Tôn Thất Tùng, Đông Tác và các phương tiện rẽ trái từ Tôn Thất Tùng đi Chùa Bộc. Phương tiện đi các hướng còn lại qua nút giao di chuyển bình thường. |
Đường Phạm Ngọc Thạch bị rào chắn nay lại phải gánh thêm lượng xe đi vòng để quay đầu sang Chùa Bộc khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. |
Bề rộng mặt đường Phạm Ngọc Thạch nhỏ hẹp khiến chiếc xe buýt vất vả nhích từng chút. |
Để tránh phải đi vòng, một số người bất chấp đi ngược chiều khiến giao thông thêm hỗn loạn. |
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở đường Chùa Bộc. Hàng dài xe cộ nối dài mất khoảng 15-20 phút cho đoạn đường chưa tới 200 m. Trong khi đó ở phía trong rào chắn là công trường trị giá trăm tỷ không có bóng dáng công nhân làm việc. |
Nhiều người thiếu kiên nhẫn đã đi lên vỉa hè. Đoàn xe này sau đó gặp một tài xế khác đi ngược chiều khiến tình hình trở nên lộn xộn. |
Phía dưới lòng đường, ôtô dàn thành nhiều hàng khiến xe máy phải len lỏi để di chuyển. |
Một nhóm sinh viên tình nguyện của Học viện Ngân hàng luôn xuất hiện vào khung giờ cao điểm để hỗ trợ CSGT hướng dẫn người dân di chuyển, tránh xung đột giao thông. |
Nam sinh viên Đại học Y Hà Nội cho hay đoạn đường Chùa Bộc thường xuyên ùn tắc trong khung giờ cao điểm, trong khi đó vỉa hè lại bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh hoặc nơi đỗ xe khiến người đi bộ hay đi xe qua đây đều "rất mệt mỏi". |
Những người đợi xe buýt tỏ ra sốt ruột khi nhìn dòng xe cộ nhích từng chút qua tuyến Chùa Bộc. |
Cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.