Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu thủ U19 quá tải?

Các cầu thủ U19 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... đã thi đấu 35 trận trong 10 tháng, đặc biệt gần 20 trận trong vòng hai tháng rưỡi gần đây.

U19 Việt Nam thi đấu nhiều gấp đôi cầu thủ V.League

Với 37 trận đã thi đấu tính đến thời điểm này của năm 2014, các cầu thủ của U19 Việt Nam vừa trải qua một mùa giải khủng khiếp, hơn cả cầu thủ đang thi đấu tại V.League.

Vì vậy đã có những nhận xét cho rằng lứa cầu thủ này đang quá tải vì bị tận dụng quá mức. Và đây là ý kiến của các chuyên gia cũng như những người trong cuộc.

Tuấn Anh (trái) thường xuyên phải băng đầu gối trắng toát - Ảnh: N.K.
Tuấn Anh (trái) thường xuyên phải băng đầu gối trắng toát - Ảnh: N.K.

HLV TRẦN MINH CHIẾN (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN - PVF):

Cần có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục


Dù các em đã trải qua mật độ thi đấu dày đặc nhưng trong chừng mực nào đó, đây là điều tốt giúp nâng cao chuyên môn, bởi học đá bóng và thi đấu bóng đá là hai việc khác nhau hoàn toàn.

Tuy nhiên, cũng cần thiết phải tính toán hợp lý việc thi đấu, giúp các em có thời gian nghỉ ngơi hồi phục hoặc chữa trị chấn thương. Bởi nếu đá liên tục như vậy mà không có được nền tảng sức bền thể lực tốt cũng như thiếu sức mạnh thì rất nguy hiểm trong những tình huống va chạm mạnh vì dễ bị chấn thương nặng.

Dù vậy, khá bất ngờ khi cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG tuy không có sức bền thể lực dồi dào song lại ít bị vọp bẻ như cầu thủ U19 Nhật Bản ở vòng chung kết châu Á vừa rồi hay cầu thủ U21 Sydney ở giải quốc tế diễn ra tại Cần Thơ. Tôi nghĩ sự cuồng nhiệt của khán giả đã giúp họ vượt qua sự yếu kém về sức mạnh lẫn sức bền.

U19 Việt Nam: Bữa ăn 3 triệu/ngày vẫn... yếu

So với những cầu thủ của khu vực và châu lục, U19 VN vẫn thua thiệt về thể lực khi chỉ chơi tốt 60 phút đầu và sau đó là "hết pin" dẫn đến thủng lưới đáng tiếc.

* Chuyên gia bóng đá NGUYỄN VĂN VINH:

Đá nhiều đôi lúc chưa hẳn là tốt


Theo thống kê của tôi, trong 10 tháng qua các em đá khoảng 35 trận, nhiều hơn số trận của một đội chuyên nghiệp dự V.League lẫn Cúp quốc gia. Số lượng trận đấu như thế là “quá hớp” với một đội trẻ còn trong quá trình học việc, đặc biệt với một lứa cầu thủ măng non chỉ biết ăn, tập chứ chưa được trang bị đầy đủ về sức mạnh, sức bền thể lực. Với mật độ thi đấu như vậy, việc đuối sức cũng là điều dễ hiểu.

Việc đuối sức là do các em chưa được huấn luyện về duy trì sức mạnh hay sức bền thể lực, trong khi đó đòi hỏi thành tích cũng như sức ép từ phía người hâm mộ quá lớn, rồi sự tung hô có phần thái quá từ báo chí... khiến nhiều em không còn là chính mình trên sân cỏ. Đó là chưa kể đến việc di chuyển liên tục, gặp các đối thủ to cao đến từ châu Âu, Trung Đông hay Đông Bắc Á luôn gây sức ép mạnh, tranh chấp cứng rắn khiến họ dần đuối sức ở hiệp hai.

Tôi không cho rằng các em đang bị lạm dụng khi buộc phải thi đấu dày đặc, nhưng bóng đá đẹp chỉ có thể diễn ra với điều kiện cơ thể của cầu thủ phải lành lặn, khỏe mạnh cùng sự hưng phấn cao độ. Đành rằng việc thi đấu là cơ hội để hoàn thiện, để trưởng thành với bản thân cầu thủ sau chuỗi thời gian dài chỉ ăn và tập luyện, nhưng rất cần sự cân nhắc thiệt hơn khi nhận lời dự một giải đấu bởi đá nhiều đôi lúc chưa hẳn là tốt vì trong bóng đá luôn ẩn chứa những bất trắc khó lường khi cơ thể suy kiệt.

Thi đấu còn nhiều hơn đội bóng ở V-League

Từ đầu năm đến nay, tuyển U19 VN đã thi đấu 35 trận quốc tế ở giải giao hữu lẫn chính thức. Trong khi đó, đội bóng thi đấu nhiều nhất VN năm 2014 là Hà Nội T&T cũng chỉ đá tổng cộng 34 trận  (22 trận V-League, 1 trận Cúp quốc gia, 2 trận play-off ở Champions League và 9 trận ở AFC Cup). Đó là chưa kể không phải cầu thủ Hà Nội T&T nào cũng thi đấu đủ 34 trận/năm vì HLV Phan Thanh Hùng đã sử dụng xoay vòng cầu thủ nhằm để các trụ cột nghỉ ngơi. Còn ở tuyển U19 VN, các cầu thủ trụ cột hầu như phải thi đấu liên tục. Ngoài ra, mật độ thi đấu của các cầu thủ trẻ U19 VN cũng khá dày, cách 2-3 ngày một trận, nhiều hơn hẳn so với cầu thủ ở V-League.

Hiện 14 cầu thủ của đội tuyển U19 VN tiếp tục khoác áo đội U19 Học viện HAGL Arsenal JMG tham dự Giải U21 quốc tế báo Thanh Niên 2014. (N.K.)

35 trận quốc tế của U19 VN

* Giải U19 quốc tế 2014:  3 trận.
* Tập huấn châu Âu:  12 trận.
* Tập huấn Nhật Bản: 6 trận.
* Giải U-22 Đông Nam Á - Cúp Hassanal Bolkiah 2014:  7 trận.
* Giải U19 Đông Nam Á 2014: 4 trận.
* VCK U19 châu Á 2014:  3 trận.

* Ông ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai):

Ngoài Giải U21 quốc tế, các giải khác đều được lên lịch

Sòng phẳng mà nói, cầu thủ của học viện có sức đâu mà mất bởi tất cả các em đều đang trong quá trình đào tạo sau cùng của chu kỳ huấn luyện bảy năm. Mặt khác, cách thức huấn luyện của JMG đặt ra khác với mọi nơi - không tập sức mạnh và sức bền thể lực trước tuổi 18. Và từ tháng 11 sắp tới mới chuyển sang giai đoạn nâng cao dần về sức mạnh, sức bền với chuyên gia người Pháp đến làm việc dài hạn ở Pleiku.

Do các em còn thiếu kinh nghiệm trận mạc nên rất cần được đá nhiều trận để cọ xát học hỏi mọi mặt. Tôi cũng đồng ý đá quá nhiều trận chưa hẳn là tốt, nhưng có nghịch lý là nếu không đá nhiều thì làm sao biết mình yếu, mình thiếu chỗ nào mà chấn chỉnh. Tất cả giải đấu từ đầu năm tới nay - ngoại trừ Giải U21 quốc tế tại Cần Thơ - đều được lên lịch trước chứ tôi đâu có ngẫu hứng bắt buộc các em thi đấu dày đặc như thế.

Qua từng trận đấu, từng giải đấu, HLV đã có những điều chỉnh chiến thuật, nhân sự chứ nào có vắt cạn kiệt sức lực của các em. Mục tiêu của tôi đặt ra là chinh phục các giải đấu ở nước ngoài chứ không ăn thua với các giải trong nước. Do đó, các em cần được chơi nhiều để hoàn thiện chính mình, biết mình yếu, mình thiếu chỗ nào để thầy trò cùng nhau chấn chỉnh. Và tôi cũng không bao giờ đem quân của mình đã cất công đào tạo suốt bảy năm qua để “nướng” họ một cách vô lý...

* HLV GUILLAUME GRAECHEN:

Thể lực các cầu thủ U19 VN đã bị bào mòn

Thể lực của các cầu thủ U19 VN đã bị bào mòn do thi đấu quá nhiều giải. Tuy nhiên, việc thi đấu nhiều để trưởng thành là điều mà các cầu thủ trẻ phải trải qua. Tương tự như cầu thủ trẻ các nước, việc thi đấu nhiều là quá trình hoàn thiện về chuyên môn mà các cầu thủ phải trải qua và phải chấp nhận điều đó. Nếu so về thể lực, chúng ta không thể bằng hai đối thủ cùng bảng ở VCK U19 châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản vì chế độ dinh dưỡng ngay từ nhỏ đã là rào cản với các cầu thủ trẻ VN. Nhưng thể lực chúng ta không hề thua Trung Quốc, thậm chí có thể nói là hơn. Điều quan trọng là quá trình thi đấu nhiều như vậy trong thời gian qua đã giúp các cầu thủ trẻ VN cọ xát học hỏi và trưởng thành lên rất nhiều.

Nếu các cầu thủ U19 VN sẽ thi đấu tiếp ở Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2014 sắp tới thì cũng không có vấn đề gì về thể lực. Bởi trong tháng tới chúng tôi sẽ có một HLV người Pháp riêng về thể lực sang giúp đội hồi phục và nâng cao hơn nữa về thể lực.

Phải dựa vào khoa học...

Từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10/2014, các cầu thủ U19 VN chơi một mạch bốn giải liền. Đầu tiên là Giải vô địch U22 Đông Nam Á tại Brunei với bảy trận đấu. Sau đó về nước đá Giải U19 Đông Nam Á (bốn trận). Tiếp đến nữa là qua Myanmar dự VCK U19 châu Á (ba trận). Vừa sau giải này là đá tiếp ngay Giải U21 quốc tế tại Cần Thơ, một giải đấu mà bầu Đức phải dùng chuyên cơ bay hai chuyến đưa các cầu thủ từ Pleiku đến thẳng Cần Thơ nhằm dưỡng sức cho họ. Và đầu tháng 12 tới, họ sẽ tiếp tục đá Giải vô địch sinh viên Đông Nam Á, một giải đấu mà nhiều người trong giới chuyên môn bảo rằng: Lấy dao mổ trâu đi giết gà!

Theo thống kê của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, từ đầu năm đến giờ các cầu thủ U19 đá gần 35 trận. Đặc biệt trong vòng hai tháng rưỡi đá 18 trận. Trong đó có những trận mà ai cũng thấy họ vắt kiệt sức mình như kiểu các trận đá với Nhật, Trung Quốc ở Giải U19 Đông Nam Á, châu Á.

Với quan điểm giáo dục từ nhỏ là ra sân phải chơi hết mình, nên các cầu thủ U19 thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG luôn được đánh giá cao. Theo thống kê của LĐBĐ châu Á (AFC) tại VCK U19 châu Á, U19 VN là đội bóng chơi hết sức tích cực. Các trận đấu của U19 VN luôn đạt thời gian bóng trong cuộc trên 60% (khuyến khích của AFC là 60% nhưng thường các trận khác không đạt tới). Trong số các cầu thủ của U19 VN, nổi bật như tiền vệ Tuấn Anh luôn chạy trên 10 km/trận. Và chúng ta thấy trong thời gian gần đây, cầu thủ này thường xuyên phải băng đầu gối trắng toát.

Ai cũng biết muốn tiến bộ trong thể thao cần phải thi đấu nhiều để tích lũy kinh nghiệm trận mạc, thể lực... Nhưng thi đấu nhiều quá lại dẫn đến quá tải, dễ kiệt sức và điều nguy hiểm là ảnh hưởng đến hệ xương, cơ dễ dẫn đến chấn thương.

Nhưng thi đấu bao nhiêu trận trong một năm thì vừa đủ? Trong hai tháng rưỡi đá 18 trận ở bốn giải có phải là quá nhiều? Có người dẫn rằng cầu thủ Anh đá một năm khoảng 60 trận, song quên mất rằng tố chất của người Việt với dân phương Tây cách nhau một trời một vực. Chưa kể họ làm rất tốt khâu hồi phục sức lực sau một trận đấu.

Cuộc bàn luận quá tải hay không quá tải đối với U19 đang khá là sôi động trong làng bóng, làng báo và cả người hâm mộ. Đến độ có một đồng nghiệp trẻ còn đưa ra giả thiết rất thú vị: lứa U19 của bầu Đức sống ở Trung tâm Hàm Rồng là một nơi mà cây cao su bao bọc xung quanh. Mà cây cao su thì xưa nay vẫn bị các nhà khoa học cho rằng nó độc và đã có khuyến cáo không nên ở gần rừng cao su. Vì vậy, anh bạn đồng nghiệp cho rằng không khéo U19 thường hụt hơi phút chót vì chuyện này.

Thật ra, sẽ khó có một đáp án thuyết phục tất cả mọi người nếu chỉ là suy đoán, là so sánh. Tất cả phải dựa trên cơ sở khoa học, được khảo sát, đo lường các chỉ số về sinh học của cầu thủ. Nhưng chuyện khoa học lại là chuyện yếu bậc nhất của thể thao Việt nói chung, bóng đá nói riêng.

TRƯỜNG HUY

U21 Việt Nam thua U19 HAGL dù đá quyết liệt

U21 Việt Nam phải nhận 3 thẻ vàng trong khi U19 Hoàng Anh Gia Lai JMG "sạch thẻ" ở bán kết giải U21 quốc tế. Suốt trận đấu, U19 HAGL cũng nhỉnh hơn về lối chơi.

http://thethao.tuoitre.vn/tin/2014/10/26/bong-da/cau-thu-u19-qua-tai/58561.html

Theo Sĩ Huyên - Nguyên Khôi/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm