Một bữa ăn của các tuyển thủ U19 Việt Nam. |
Ăn mức 3 triệu đồng/ngày chưa phải là nhiều
Đội U19 Việt Nam là đội tuyển mà phần lớn các cầu thủ được chăm lo về chuyên môn từ bé. Các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… được đào tạo, sinh hoạt theo chế độ chuyên nghiệp. Bởi thế, nhiều người coi học viện HAGL - Arsenal JMG là “khuôn vàng thước ngọc” trong đào tạo cầu thủ, trong đó có việc đảm bảo thể chất cho mỗi cầu thủ.
Điều gây ngạc nhiên là phải mãi tới đầu 2014, sau khi đã có một số thành công nhất định, các cầu thủ U19 mới được các chuyên gia dinh dưỡng kiểm tra và đã có kết quả khiến nhiều người ngạc nhiên.
Dưới sự bảo trợ của một hãng chuyên về dinh dưỡng, “cuộc cách mạng” về ăn uống của U19 Việt Nam được bắt đầu từ tháng 1/2014. Hầu hết những chuyến thi đấu ở nước ngoài của các cầu thủ đều có đầu bếp riêng. Riêng mức ăn, tiêu chuẩn của mỗi cầu thủ U19 Việt Nam khiến tất cả các đội tuyển khác phải “thòm thèm”. Đó là tiêu chuẩn 3 triệu đồng/ngày - tương đương 150 USD - trong quá trình thi đấu. Ngoài ra, đội còn được chính các bác sĩ - đầu bếp tư vấn và lên thực đơn để đảm bảo lượng calo cần thiết, đáp ứng cường độ vận động cao.
Chính sự tăng cường dinh dưỡng này, thể hình và thể lực các cầu thủ U.19 đã có những cải thiện khá bất ngờ. Chẳng hạn Tuấn Anh tăng thêm 1,2 cm, nặng thêm 4 kg; Xuân Trường thêm 2 cm và tăng tới 5 kg…
Thế nhưng, khi ra sân chơi châu lục, sự thiết hụt về thể hình, thể lực là rất rõ ở những cầu thủ Việt Nam.
Cầu thủ Việt Nam yếu không phải do tố chất bẩm sinh
Lâu nay khi đối đầu với những đội bóng tầm châu lục (và ở cả tầm khu vực như Myanmar, Thái Lan) các đội bóng Việt Nam đều bị gán một “căn bệnh” là yếu thể lực. Thậm chí điều này dẫn đến quan điểm là người Việt yếu hơn là do… gene và mọi nỗ lực đều không thể biến một cầu thủ Việt chạy khỏe như một cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản!
Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - cho biết: “Đúng là tố chất và thể lực của VĐV Việt Nam nói chung còn thua xa nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia chứ chưa nói đến châu lục và thế giới. Thế nhưng đây không phải đặc điểm hay tố chất của mỗi dân tộc mà đến từ nhiều nguyên nhân. Yếu tố gene di truyền chỉ là phần nhỏ, còn lại theo tôi thì do VĐV Việt không được chăm lo dinh dưỡng từ nhỏ, vận động thiếu khoa học… nên hạn chế cả thể hình và thể lực”.
Theo TS Chí, việc cải thiện thể lực một đội tuyển không quá khó, nếu đầu tư dinh dưỡng và những bài tập bổ trợ. Nhưng cải thiện thể lực của cả một thế hệ thì ngành thể thao không làm được, vì còn bị chi phối bởi những yếu tố xã hội khác.
Bởi thế, ngay sau VCK U19, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã đưa ra hai giải pháp cơ bản để khắc phục thể lực cho lứa cầu thủ, là thuê HLV thể lực người Pháp, và tiếp tục cải thiện về dinh dưỡng phối hợp với những bài tập để các cầu thủ phát triển đầy đủ về thể lực và thể hình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bóng đá, việc đầu tư dinh dưỡng, thể lực cần bắt đầu từ lứa U15, U16, thay vì đợi tới khi các cầu thủ đã trưởng thành thì những cải thiện ấy ngày càng khó hơn.
Cảnh báo “tụt hậu về thể chất” của người Việt
Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí cho rằng: “Thể thao phần nào phản ánh nền tảng thể chất của mỗi quốc gia”. Ông Dương Nghiệp Chí cũng chỉ ra rằng, nguy cơ tụt hậu về thể chất là có thật khi mới đây, các chỉ số về chiều cao cân nặng trung bình của Việt Nam đều rất thấp. Người Việt hiện có chiều cao thuộc nhóm thấp nhất châu Á.
Một trong những lý do, theo TS Dương Nghiệp Chí là do người Việt lười vận động từ nhỏ và hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa chú trọng việc đầu tư nâng cao thể chất cho học sinh. “Khi nền tảng đã thấp thì rất khó tuyển chọn được ra những VĐV xuất sắc. Một số VĐV giỏi hiện nay mà thể thao Việt Nam có được là do may mắn bởi nền tảng thể lực của VĐV ấy là thiên phú”, ông Chí cho biết.
Với bóng đá, ngay cả V.League, các con số thống kê cho thấy cầu thủ Việt có nền tảng thể lực thấp. Theo con số thống kê mà trưởng BTC giải V.League đưa ra là mỗi trận đấu cầu thủ Việt chỉ chạy hơn 5km trong khi con số này ở các cầu thủ dự World Cup là từ 10km đến 12km. Thời gian bóng sống của mỗi trận đấu V.League chỉ là 51 phút, thấp hơn chuẩn của AFC là 60 phút. Điều này càng minh chứng cho việc cầu thủ Việt không có thể lực tốt. Đây cũng là lý do khiến VFF phải thuê chuyên gia thể lực cho các cầu thủ ĐTVN chuẩn bị dự AFF Cup sắp tới.
A.K