Phỏng vấn
Chia sẻ với Zing trong những ngày đầu năm mới, Giám đốc Điều hành của CLB Phố Hiến và thành viên BCH của VPF, Lê Minh Dũng, tin bóng đá Việt Nam đang đi lên, song vẫn có những nhân tố khiến nền bóng đá nói chung chưa thể bùng nổ như kỳ vọng của phần đông giới mộ điệu.
GĐĐH Lê Minh Dũng tiết lộ nhiều CLB tại Việt Nam vẫn chưa có tinh thần dám thay đổi. Ảnh: Thế Anh. |
Nền của bóng đá Việt Nam ở đâu?
- Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam mới nhất xuất ngoại, thậm chí tới giải đấu cao nhất Nhật Bản. Quan điểm của anh được ghi nhận là Văn Lâm “không đại diện cho nền bóng đá Việt Nam” bởi tư duy và nỗ lực thực tế của thủ môn này ở rất cao so với nền đang có của bóng đá Việt Nam. Vậy theo anh, nền của bóng đá Việt Nam đang ở đâu?
- Tôi có may mắn từng được tham gia dự án nghiên cứu của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam trả lời cho câu hỏi “Có thể làm gì cho bóng đá Việt Nam?". Câu hỏi đầu tiên mọi người xác định cũng là: Nền bóng đá Việt Nam là cái gì?
Chúng tôi xác định nền bóng đá Việt Nam được cấu thành bởi 4 yếu tố: đội tuyển quốc gia, các cầu thủ, hệ thống giải vô địch quốc gia và các CLB chuyên nghiệp trong quốc gia đó.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam đang làm rất tốt. Hiện nay chúng ta đang đứng thứ 93 trên bảng xếp hạng FIFA, mạnh nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 14 tại châu Á. Chúng ta xếp trên Jordan và Thái Lan. Có thể nói chúng ta có 1 trong 4 yếu tố đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, để xét về nền bóng đá thì chúng ta cần nói tới 3 yếu tố còn lại: cầu thủ, hệ thống giải đấu và các CLB.
ĐT Việt Nam mạnh nhưng không có nghĩa bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cầu thủ Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ thi đấu và thành công ở trong nước. Những trường hợp mà có thể gọi là thành công của nước ngoài giống như Đặng Văn Lâm là vô cùng hiếm hoi.
Trước đây đã có cầu thủ Việt Nam thi đấu ở các nền bóng đá có đẳng cấp cao, ví dụ như Công Vinh. Tuy nhiên, các cầu thủ còn lại khi thi đấu tại nền bóng đá phát triển giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay ở châu Âu đều chưa đạt được thành tích tốt. Vì vậy khó có thể nói là cầu thủ của chúng ta đang là điểm mạnh của nền bóng đá.
Xét về hệ thống giải đấu: hiện nay bóng đá Việt Nam có hệ thống V.League là cấp cao nhất. Trên BXH của AFC, V.League không có thứ hạng cao, chúng ta thua Thái League, và ở khoảng cách rất xa so với J.League hay K.League.
Về CLB, đội bóng mạnh nhất Việt Nam là CLB Hà Nội chỉ xếp thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á, sau Muangthong, Buriram, Lion City của Singapore và một CLB của Philippines theo Footyrankings. Các CLB còn lại của bóng đá Việt Nam không nằm trong top 10 bảng xếp hạng này. Chính các CLB trong BXH Đông Nam Á này cũng nằm rất xa so với nhóm dẫn đầu của châu lục.
Trong mọi yếu tố, từ cầu thủ, hệ thống giải đấu đến các CLB của chúng ta đều đều đang không mạnh. Và rõ ràng, khó có thể nói là nền móng đá Việt Nam đang mạnh hay phát triển theo một cách mạnh.
- Bóng đá Việt Nam trong nửa thập kỷ đổ lại đã quen với những cầu thủ xuất ngoại. Công Phượng thậm chí từng tới Bỉ, Văn Hậu tới Hà Lan chơi bóng? Những giải đấu bên ngoài theo anh là vừa sức hay quá tầm với cầu thủ Việt Nam?
- Công Phượng hay Đoàn Văn Hậu gần như không được thi đấu, nên khó có thể xem họ thành công về chuyên môn. Theo tôi, họ cần có những bước đi ở cấp thấp hơn.
Chúng ta không nên đặt ra kỳ vọng quá cao. Tôi muốn nhắc đến một trường hợp là cầu thủ Nguyễn Hữu Khôi, sinh năm 1992, trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Nam Định. Vào năm 2018, Hữu Khôi sang giải hạng Tư của Hàn Quốc để thi đấu.
Khôi thi đấu rất thành công. Anh ra sân thường xuyên ghi bàn và giúp cho đội giành thành tích thăng hạng. Sau một năm rất thành công đó, Hữu Khôi quay trở lại Việt Nam chơi cho Khánh Hòa và cũng thi đấu ấn tượng. Sau đó, Hữu Khôi tới Quảng Ninh và giờ là Hải Phòng.
Những trường hợp này lại không được tung hô, khen một cách đủ nhiều. Trong khi đây mới chính là những bằng chứng rất xác đáng để chúng ta biết được trình độ của mình đang ở đâu.
Bản thân Hữu Khôi từng được lên đội tuyển U23 Việt Nam dưới thời Toshiya Miura. Hữu Khôi không nằm trong nhóm cầu thủ giỏi nhất, nhưng cũng thuộc nhóm khá. Chúng ta cần nhìn những bước đi như này để có thể đưa ra được những thử nghiệm tốt hơn cho Công Phượng hay Văn Hậu.
Có thể là họ chưa được trao cơ hội, chưa được tin tưởng ở các giải đấu hàng đầu tại nước ngoài, nhưng có thể xuống một hạng thôi thì họ lại có cơ hội.
- Phần lớn cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trong những năm gần đây lẽ ra có thể ở lại đá chính thay vì sang một quốc gia khác và không thi đấu nhiều. V.League liệu đã đủ cạnh tranh để các cầu thủ phô diễn tài năng thay vì tìm đường xuất ngoại?
- Theo tôi, V.League khó có thể coi là một môi trường đủ tốt ở thời điểm hiện tại cho những cầu thủ hàng đầu của chúng ta. Tôi sẽ không nhắc đến những cầu thủ vẫn đang thi đấu rất tốt nhưng nhưng đã có tuổi như Văn Quyết hay Trọng Hoàng.
Với Quang Hải, Công Phượng, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, V.League đang là môi trường họ thể hiện rất tốt. Nhưng nếu muốn bước thêm bước nữa thì V.League là không đủ.
- Việc sử dụng ngoại binh ở V.League luôn bị cho là khiến các cầu thủ thui chột vì không thể cạnh tranh. Tuy nhiên nếu không dùng ngoại binh, V.League có chất lượng đủ để các cầu thủ trưởng thành hay không?
- Một giải đấu hàng đầu thì phải có những cầu thủ hàng đầu. Mọi đội bóng đều có mong muốn là thành tích tốt nhất có thể và vì thế nên họ sẽ sử dụng những cầu thủ tốt nhất mà họ có trong tay.
Nói theo cách trao cơ hội thì những cầu thủ giỏi nhất phải thi đấu với cầu thủ giỏi nhất. Tôi không đề cập đến quốc tịch trong mệnh đề vừa rồi bởi thực ra chúng ta có rất nhiều bằng chứng trong tay để nói là những cầu thủ Việt Nam không hẳn là không được trao cơ hội.
Văn Hậu tới Heerenveen nhưng gần như không được thi đấu cho đội một. Ảnh: Getty. |
Gần đây, HLV Việt Thắng có chia sẻ ở thời của anh ấy, Công Vinh, Ngọc Thanh, Anh Đức hay chính Việt Thắng là những người cạnh tranh sòng phẳng với ngoại binh và có vị trí đá chính ở đội bóng của họ.
Hay gần đây hơn, tôi muốn nhắc đến CLB Hà Nội. Thời HLV Phan Thanh Hùng còn dẫn dắt thì Cao Sỹ Cường là tiền vệ trụ số một. Khi Cao Sỹ Cường ra đi vì gia đình muốn anh trở về quê hương, ông Hùng cực kỳ vất vả và sử dụng những ngoại binh như Hector từ Sông Lam Nghệ An hay Victor. Cả hai đều có khả năng của họ, nhưng không khỏa lấp được vai trò của Cao Sỹ Cường.
Khi ông Hùng sang CLB Quảng Ninh, tiền vệ Kizito từng đá chính ở ĐT Uganda nhưng chỉ được xếp đá ở vị trí hậu vệ phải. Vị trí tiền vệ trung tâm thuộc về Đào Nhật Minh và Nguyên Sa.
Rõ ràng ở đây chúng ta phải rất công bằng. Có thể có một số HLV trọng dụng ngoại binh theo cách chưa hợp lý lắm. Nhưng nếu các cầu thủ Việt Nam mà có chất lượng của họ thì không có cớ gì mà phải dùng cầu thủ ngoại cả.
- Anh từng tới Thái Lan và Nhật Bản theo dõi cách làm bóng đá. Thái Lan đang có một nền bóng đá rất mạnh về chất lượng và cả thương mại. Điểm khác biệt giữa bóng đá ở các quốc gia này so với Việt Nam là gì?
- Một điều tôi có thể cảm nhận được là quyết tâm thay đổi. Hơi chung chung, nhưng người Thái Lan và Nhật Bản rất quyết tâm học hỏi từ những nền bóng đá tiên tiến hơn. Họ thực sự chấp nhận mình phải học theo, áp dụng theo, thử những thứ mới hoặc đơn thuần là những thứ các nền bóng đá phát triển đã làm rồi để đi lên, kiếm nhiều tiền hơn từ bóng đá.
Ở Việt Nam, phải thẳng thắn là còn rất nhiều nhân tố trong làng bóng đá chưa có tinh thần này.
“Chúng ta cần tránh những cái bẫy”
- Từng gắn bó với bóng đá trẻ, quan điểm của anh về việc làm bóng đá trẻ của Việt Nam là gì? Chúng ta có lò đào tạo tiên tiến đầu tiên do HAGL vào năm 2007, PVF ra đời sau đó 1 năm. Sau hơn một thập kỷ phát triển, việc bóng đá Việt Nam dự U17 World Cup, và có được thành tích trong 3 năm trở lại đây dưới triều đại HLV Park có xứng đáng với những công sức và tiền bạc đã bỏ ra?
- Đây là một câu hỏi rất khó. Cảm giác cá nhân của tôi đến giờ là chúng ta phải tránh những cái bẫy. Bởi khi đang có thành tích rất tốt trong những năm vừa qua, chúng ta cũng phải đặt ra dấu hỏi: Liệu có phải thành công chỉ gắn liền với một lứa cầu thủ nhất định hay không?
Nếu nhìn lứa cầu thủ trẻ 1999-2002, so với đàn anh 1995-1996 hay 1997-1998, họ cũng có danh hiệu, nhưng ít hơn ngay ở các giải trẻ.
Lứa cầu thủ này vẫn có những tài năng rất đặc biệt, nhưng sẽ cần nỗ lực hơn. Như đã chia sẻ, nền bóng đá của chúng ta vẫn còn những thứ khác ngoài tuyển quốc gia nữa. Đó không chỉ là các đội tuyển trẻ, mà còn là bản thân các cầu thủ, hệ thống giải đấu và các CLB.
Đây là ba góc độ mà những người làm bóng đá cần phải lưu tâm và cố gắng để cải thiện trước khi kỳ vọng vào những thành tích quay trở lại một cách ổn định.
Lứa cầu thủ 1995-1996 trở thành nòng cốt của ĐT Việt Nam sau khi có được rất nhiều thành tích từ khi còn là thành phần của đội trẻ. Ảnh: Việt Hùng. |
- Phát triển bóng đá trẻ có phải câu chuyện đơn giản? Có điều gì anh chưa từng tưởng tượng được khi tham gia vào quá trình làm bóng đá trẻ?
- Có những thứ mà thực sự đến khi làm tôi cảm nhận được là những yếu tố có ảnh hưởng quá kinh khủng.
Thứ nhất là nền tảng xã hội. 98-99% các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam được ăn tập trong các trung tâm trẻ theo hình thức tập trung. Các em hoàn toàn rời bỏ gia đình từ khi còn rất sớm. Có những em từ 11 tuổi, thậm chí 9 tuổi.
Thứ hai: các em trải qua một quá trình đào tạo rất gian nan nhưng kéo quá dài. Ít cũng là 4-5 năm, dài hơn thì tới 9-10 năm.
Hai yếu tố này cộng lại tạo ra một bức tranh rất đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Rất ít nền bóng đá trên thế giới có được những đặc điểm, yêu cầu tương tự về đào tạo trẻ. Điều đó khiến chúng ta khó tìm thấy những bài học từ các nền bóng đá tiên tiến, thay vào đó thì chúng ta chủ yếu chỉ đang học hỏi được ở yếu tố chuyên môn kỹ thuật.
- Anh có thể lấy ví dụ rõ hơn? Ví dụ các lò đào tạo trẻ phải đương đầu với việc cầu thủ trẻ bước vào tuổi dậy thì như thế nào?
- Ở lứa tuổi từ 11-13, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều em có cái tiềm năng bóng đá thiên phú, bẩm sinh. Tuy nhiên để các em phát triển trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp, giỏi ở tuổi 18-20 là sự khó khăn lớn.
Ở tuổi dậy thì, các em sẽ gặp vấn đề về tâm sinh lý. Cơ thể trong giai đoạn này phát triển một cách rất nhanh. Trong thời điểm này, nếu yêu cầu vận động mạnh với cường độ tập luyện quá kinh khủng, các em rất dễ gặp chấn thương. Chấn thương ở độ tuổi này sẽ rất dễ khiến các em đánh mất tiềm năng của mình.
Bản thân các em cũng có thay đổi tâm tính trong quá trình này. Nhiều em quyết tâm, có được tinh thần của vận động viên chuyên nghiệp, nhưng cũng có những em lại sa đà, thay đổi, không còn tập trung được cho bóng đá nữa. Sâu xa hơn, có những yếu tố không tới từ bản thân các em, mà có thể đứng từ gia đình, hoàn cảnh xung quanh.
Đây là một câu chuyện diễn ra rất nhiều ở bóng đá trẻ Việt Nam. Nếu chúng ta đi xem giải U11, sẽ dễ rất thấy nhiều em có tiềm năng không thua kém gì các bạn cùng lứa ở nước ngoài. Nhưng mà để giữ nguyên được tiềm năng đó đã là khó rồi, chứ chưa nói đến việc phát triển xa hơn.
Làm bóng đá trẻ ở Việt Nam là câu chuyện không đơn giản. Ảnh: Minh Chiến. |
- Một lò đào tạo sẽ mất bao nhiêu tiền cho một cầu thủ trẻ trưởng thành từ độ tuổi U11 đến khi tròn 18 tuổi và ký hợp đồng chính thức?
- Định mức của điều này khác nhau. Bóng đá Việt Nam đang có sự chênh lệch rất lớn giữa những trung tâm hàng đầu với các lò đào tạo địa phương.
Có những nơi một năm trung bình các cầu thủ được đầu tư vào khoảng 150-200 triệu cho một cầu thủ trong một năm. Song có những nơi con số này lên đến mức 500-700 triệu/cầu thủ/năm.
- Những yếu tố nào theo anh đang ảnh hưởng tốt lẫn không tốt tới công cuộc đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam? Cơ chế, lịch thi đấu hay tiền đầu tư?
- Các CLB tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về làm bóng đá trẻ theo đúng quy chế. Các CLB tại V.League 1 phải có ít nhất 4 đội trẻ đăng ký tham dự các giải đấu của Liên đoàn. Với V.League 2 hay giải hạng Nhất là ít nhất 3 đội. Tuy nhiên, nhiều đội không đáp ứng được yêu cầu này. Họ chấp nhận nộp phạt thay vì làm đội trẻ.
- Việc cầu thủ trẻ Việt Nam phải tập luyện quá nhiều trong khi có quá ít thời gian thi đấu có thật hay không?
- Ở tuổi từ U11 đến U21, LĐBĐ Việt Nam chỉ tổ chức một giải theo thể thức vòng chung kết (tournament). Các đội bóng sẽ được đưa vào bảng đấu theo vùng miền. Có khoảng 3-5 bảng, thi đấu gọn từ 1-2 lượt, và chỉ kéo dài đúng 1 tháng. Ví dụ bảng có 5 đội, thì cầu thủ sẽ chơi 8 trận.
Rõ ràng đây là số lượng trận đấu rất ít nếu đội không lọt vào được vòng knock-out, và chỉ gói gọn trong hơn 1 tháng. Các cầu thủ trẻ phải đối mặt với cường độ khắc nghiệt hơn cả World Cup, thậm chí SEA Games.
World Cup hay SEA Games đôi khi các cầu thủ được nghỉ 2-3 ngày giữa các trận đấu. Ở Việt Nam, có những thời điểm vì các yếu tố khách quan, các cầu thủ trẻ chỉ có 1 ngày nghỉ giữa hai trận. Đây là cường độ thi đấu rất kinh khủng.
- Tính từ World Cup 2002 tới giờ, đã có 14 ĐTQG có lần đầu dự World Cup. Chỉ có 1 đội tuyển đến từ châu Á là Trung Quốc. Đấu trường WC theo anh có phải mục tiêu quá xa xỉ với Việt Nam nếu cơ chế vẫn giữ nguyên ở mức 32 đội?
- Nếu World Cup giữ nguyên ở mức 32 đội, cơ hội của chúng ta có thể nói là nhỏ. ĐT Việt Nam hiện nay đang xếp thứ 14 châu Á, trong khi chỉ có 4 suất rưỡi để tham dự World Cup.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta có cơ hội, đặc biệt là với một lứa cầu thủ rất tốt, đã cùng nhau chinh phục rất nhiều thành công. Thành công của bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đến từ sự hỗ trợ rất sát sao về mặt cơ chế của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Ví dụ các ĐT khác chỉ có 3 ngày tập luyện trước một trận đấu quan trọng, nhưng ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo sẽ có quyền yêu cầu một kỳ tập huấn 7-10 ngày. Đáng lẽ ra thời gian này không được phạm phải, nhưng ở Việt Nam, các CLB sẽ ngừng hoạt động để phục vụ cho đội tuyển quốc gia.
Đây là điều sẽ giúp ĐT Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn cho World Cup, nhưng nhìn rộng hơn tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn nên chờ cơ hội khi số lượng suất tăng lên.
- Theo anh điều tích cực nhất đang đến với bóng đá Việt Nam là gì, nếu không tính thành tích của các ĐTQG dưới thời HLV Park?
- Tôi cảm thấy bóng đá Việt Nam đang đi lên. Chúng ta còn rất nhiều thứ phải làm, chúng ta còn nhiều thứ chưa làm được, còn rất nhiều biểu hiện chưa chưa tốt từ hệ thống giải đấu hay từ câu lạc bộ hay là từ các cầu thủ.
Nhưng tôi nhìn thấy được sự thay đổi. Và sự thay đổi này đang hướng đến những điều tích cực. Đã xuất hiện những cầu thủ có ý thức xây dựng thói quen chuyên nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ các cầu thủ quốc tế.
Hệ thống giải đấu đang được hoàn thiện hơn. VPF đang rất nỗ lực trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong cái thời gian dịch bệnh, chúng ta cũng cảm nhận được sự tổ chức diễn ra rất tốt.
Các CLB cũng bắt đầu hướng đến những thứ tốt hơn khi bắt đầu tự đề ra những tiêu chuẩn cao cho công việc của mình.
Bóng đá Việt Nam đang đang đi lên. Có thể sự đi lên này chưa mạnh như kỳ vọng của số đông. Nhưng đó vẫn là điểm tích cực mà cần nhiều hơn hết là sự ủng hộ của người hâm mộ.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!