Để một đội tuyển có thể phát triển, yếu tố tiên quyết là quốc gia ấy phải sở hữu giải VĐQG chất lượng và đẳng cấp như Premier League, Bundesliga hay La Liga, nơi những cầu thủ xuất sắc thi đấu dưới tiêu chuẩn cao nhất mỗi tuần.
Tiếp theo, những cầu thủ giỏi nhất của ĐTQG phải được chơi bóng ở nước ngoài như Brazil, Argentina, Nhật Bản... để nâng cao chuyên môn cũng như rèn luyện tính cạnh tranh.
Với cầu thủ Việt Nam, họ phải nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. Bước đi này không chỉ mang đến nguồn tài chính hấp dẫn, mà còn giúp nâng cao năng lực chơi bóng cho họ.
Việc xuất ngoại còn giúp các cầu thủ mạnh mẽ hơn về tinh thần lẫn thái độ lúc tập luyện và thi đấu. Không quan trọng một cầu thủ thi đấu ra sao tại nước ngoài, khi họ trở về, đó chắc chắn sẽ là con người khác với nghị lực và khát khao hơn.
Văn Lâm khẳng định được tài năng tại Muangthong. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bóng đá Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc những năm gần đây. Nhiều cầu thủ đã được sang nước ngoài chơi bóng.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã thất bại.
Điều này cũng cho thấy để thành công ở một giải VĐQG khác không hề dễ dàng. Tại Đông Nam Á, chúng ta mới chỉ thấy bóng đá Thái Lan gặt hái được thành công sau khi xuất khẩu cầu thủ, như Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda và Chanathip Songkrasin.
Để trụ lại ở những giải VĐQG danh tiếng, cầu thủ Việt Nam cần có được 'thần kinh thép'. Nỗi nhớ nhà, gia đình... phải được gạt sang bên.
Ngoài chuyên môn phải đáp ứng được yêu cầu HLV, cầu thủ cần được hỗ trợ nhiều thứ phục vụ cho sinh hoạt ngoài sân cỏ. Họ nên có phiên dịch, phương tiện đi lại, chỗ ở thích hợp.
Bóng đá Việt Nam có thể chỉ cần một trường hợp thành công ở nước ngoài, hiệu ứng tích cực sẽ lan tỏa. Nhiều cầu thủ khác có thể nhìn vào những gì đàn anh làm được, để từ đó tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ.
Ngay từ lúc này, các cầu thủ trẻ cần trau dồi ngoại ngữ nhiều hơn cũng như thực hiện nhiều lớp dạy kỹ năng sống. Điều này sẽ giúp họ không phải bỡ ngỡ khi xuất ngoại cũng như sớm thích nghi với môi trường mới.
Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ các cầu thủ Việt Nam trước hết nên tìm kiếm cơ hội chơi bóng ở những quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, trước khi tính đến chuyện 'nhảy vọt' sang châu Âu. Đây có thể xem là nước cờ khôn ngoan, để chuẩn bị cho hành trình chinh phục thử thách lớn hơn.
Tôi thấy cầu thủ Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội lúc này. Họ đang được tập luyện trong môi trường hiện đại hơn hai thập niên trước rất nhiều. Nhiều lò đào tạo với trang bị nhiều thiết bị tân tiến liên tục xuất hiện gần đây.
So với lứa cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Thạch Bảo Khanh thì thế hệ những cầu thủ hiện tại được hỗ trợ tốt hơn. Vì vậy, họ phải biết nắm bắt thời cơ để tiếp tục tiến lên, bởi họ vẫn còn nhiều tiềm năng.
Bóng đá Việt Nam đang phát triển rất nhanh, và đã là số một của khu vực. Thế nhưng, bóng đá diễn ra theo chu kỳ và có thể thay đổi nhanh chóng.
Những so sánh với Thái Lan hay các quốc gia trong khu vực không hề cần thiết. Tiêu chí duy nhất để đánh giá bóng đá Việt Nam chính là kết quả họ giành được tại vòng loại World Cup và Asian Cup. Ở cấp độ ĐTQG, kết quả rất quan trọng.
Nếu Văn Lâm chơi hay ở Cerezo Osaka, các CLB Nhật Bản sẽ chú ý đến cầu thủ Việt Nam hơn. Ảnh: Minh Chiến. |
Gần đây, tôi có nghe nói HLV Park Hang-seo đòi quyền lợi cho tiền đạo nội, nhắn nhủ tới các CLB tại V.League nên trao nhiều cơ hội cho họ hơn. Có thể hiểu cho nỗi lòng của ông Park.
Tuy nhiên, nếu là HLV của CLB, tôi buộc phải chọn những chân sút tốt nhất ra sân. Vì vậy, rất khó để bóng đá Việt Nam giải quyết vấn đề "nhiều đội bóng chuộng tiền đạo ngoại".
Hiện tại, chỉ có một giải pháp phù hợp là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cấm các CLB sử dụng cầu thủ nước ngoài trong 2 năm. Malaysia từng làm điều này vào năm 2000. Kết quả là họ sản sinh ra hai tiền đạo xuất sắc gồm Muhamad Khalid Jamlu và Indra Putra Mahayuddin.
Đó thật sự là quyết định dũng cảm của những người điều hành bóng đá Malaysia, nhất là khi họ chấp nhận hy sinh việc sử dụng ngoại binh để nâng tầm chất lượng giải VĐQG.
Còn nếu bóng đá Việt Nam tiếp tục sử dụng ngoại binh, các CLB cần tuân theo nhiều tiêu chí. Đầu tiên, chất lượng cầu thủ nước ngoài phải giỏi hơn nội binh. Tiếp theo, đó là ngôi sao tên tuổi có thể thu hút khán giả. Sau cùng, gương mặt này phải được đào tạo bài bản trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và có lối sống mẫu mực bên ngoài sân cỏ.
Nếu ngoại binh không đáp ứng được những điều kiện trên, vậy các CLB có cần tốn nhiều tiền để mang họ tới Việt Nam?
Bóng đá Việt Nam cũng cần có những quy định liên quan tới thu nhập trả cho cầu thủ nước ngoài. Đó phải là mức lương tối thiểu cao nhất. Với mức lương trên trời phải trả, câu lạc bộ sẽ phải xem xét kỹ lưỡng nếu muốn chiêu mộ các tài năng từ nước ngoài.
Chiếu theo quy định trên, chất lượng chuyên môn các trận đấu sẽ được nâng tầm. Hai quân bài có chuyên môn cao vẫn tốt hơn năm cầu thủ trung bình.
Các CLB cần có hệ thống tuyển dụng chuyên nghiệp. Chiêu mộ cầu thủ qua Youtube hoặc nghe theo lời những người đại diện không phải giải pháp hay.
Trong năm 2021, tôi nhận thấy bóng đá Việt Nam chào đón hai HLV ngoại xuất sắc là Kiatisuk Senamuang và Mano Polking. Họ là 'tài sản lớn' của giải đấu. Những nhà cầm quân này không chỉ có chuyên môn giỏi, mà còn trung thực và liêm chính.
Ông Steve Darby từng là cựu HLV tuyển nữ Việt Nam và giành HCV tại SEA Games 2001. Sau đó, ông dẫn dắt tuyển bóng đá nam Thái Lan, U23 Thái Lan, Lào.