Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Câu hỏi lớn sau khi Australia công nhận Vua Charles III là nguyên thủ

Việc Vua Charles III trở thành nguyên thủ Australia lại làm dấy lên câu hỏi lịch sử: Liệu xứ chuột túi có nên từ bỏ quốc vương để trở thành nước cộng hòa hay không.

Vua Charles III anh 1

Sau khi Australia ra đời vào năm 1901, một số tiếng nói ở đây đã kêu gọi nước này độc lập hoàn toàn với Anh bằng cách thay thế chính thể quân chủ lập hiến bằng nền cộng hòa. Theo đó, vị trí nguyên thủ quốc gia Australia, vốn do vua hoặc nữ hoàng Anh nắm giữ, sẽ được thay bằng tổng thống.

Phong trào này từng nổi lên mạnh mẽ trong cuối thế kỷ XX, với đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý về nền cộng hòa vào năm 1999. Sau khi cuộc trưng cầu dân ý thất bại, phong trào cộng hòa mất đà tiến nhưng vẫn luôn thường trực tại Australia.

Tuy nhiên, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II và sự tấn phong của Vua Charles III trong tuần qua một lần làm sống lại câu hỏi liệu Australia có cần một vị quốc vương đại diện hay không.

Phong trào cộng hòa luôn thường trực

Australia chính thức cắt quan hệ pháp lý với Vương quốc Anh sau Đạo luật Australia vào năm 1986, khiến Anh mất quyền làm luật cho xứ chuột túi. Nhưng Australia vẫn là nước trong khối Thịnh vượng chung, với quân vương Anh là nguyên thủ quốc gia mang tính tượng trưng.

Đại diện cho quân vương Anh tại Australia là một vị toàn quyền, hiện là ông David Hurley. Vị trí toàn quyền có một số thẩm quyền như công nhận luật do nghị viện thông qua, giải tán nghị viện, và thậm chí là sa thải thủ tướng trong một số trường hợp nhất định.

Vua Charles III anh 2

Toàn quyền David Hurley đại diện cho quân vương Vương quốc Anh tại Australia. Ảnh: AAP.

Tuy Australia có mối quan hệ gần gũi về văn hóa với Vương quốc Anh, những người ủng hộ ý tưởng cộng hòa cho rằng Australia nên có nguyên thủ quốc gia được chọn ra từ các công dân sống trên mảnh đất này.

Peter FitzSimons, lãnh đạo Phong trào Cộng hòa Australia (ARM) - tổ chức hoạt động để Australia trở thành nền cộng hòa, khẳng định đây là vấn đề “phẩm giá quốc gia”.

“Quyền lực nên nằm trong tay một người được bầu lên một cách dân chủ ở Australia, không phải thuộc về người có huyết thống hoàng gia từ ngày còn đế chế Anh”, ông FitzSimons nói với Financial Times.

Trong số 54 nước thuộc khối Thịnh vượng chung, 34 nước hiện theo mô hình chính thể cộng hòa. Nước chuyển đổi gần nhất là Barbados vào năm 2021, khi nước này bỏ phiếu xóa tư cách nguyên thủ của nữ hoàng. Australia nằm trong nhóm thiểu số chưa thay đổi. Các nước vùng Caribe khác cũng thể hiện ý định tương tự.

Trong khi đó, các nhóm bảo hoàng lập luận rằng vấn đề cần tập trung ở đây không phải là về sự độc lập của Australia, mà là về sự ổn định chính trị.

Philip Benwell, Chủ tịch Liên minh Bảo hoàng Australia, cho rằng mô hình quân chủ lập hiến tạo ra hàng rào an toàn giúp bảo vệ Australia trước hệ thống mà ở đó tổng thống phải tuân theo ý chí của các chính trị gia.

“Vấn đề không phải là về chế độ quân chủ hay các cá nhân nào đó. Nó là về hệ thống bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta. Chế độ quân chủ lập hiến mang lại sự ổn định, đồng thời ngăn chặn hành vi can thiệp chính trị và thay đổi hiến pháp liên tục”, ông Benwell chia sẻ.

Vua Charles III anh 3

Hoa và lời nhắn gửi tại Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Canberra của Australia. Ảnh: AAP.

Bước ngoặt then chốt

Năm 1999, Australia từng tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này, với kết quả 55% người đi bỏ phiếu đã chối bỏ ý tưởng chuyển sang nền cộng hòa.

Tuy cuộc trưng cầu thất bại, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là việc ngay trong nội bộ phong trào cộng hòa cũng chưa thống nhất sẽ dùng mô hình cộng hòa nào sau khi xóa bỏ vị trí nguyên thủ của quân vương. Phong trào cộng hòa bị hụt hơi từ đó.

Tới năm 2022, việc ông Anthony Albanese - lãnh đạo Công đảng - trở thành thủ tướng Australia đã thổi làn gió mới cho phong trào cộng hòa. Tại Australia, Công đảng cùng đảng Xanh chính thức ủng hộ ý tưởng cộng hòa.

Tháng 6, Thủ tướng Albanese bổ nhiệm ông Matt Thistlethwaite làm trợ lý bộ trưởng phụ trách công tác đưa Australia trở thành nước cộng hòa. Đây là lần đầu tiên chính phủ Australia có vị trí như vậy.

Ba tháng sau, việc Vua Charles III lên ngôi càng tiếp thêm năng lượng cho tiếng nói của người theo chủ trương cộng hòa. Họ cho rằng sẽ có thêm nhiều người Australia sẵn sàng cân nhắc thay đổi khi triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II đã kết thúc. Chính ông Thistlethwaite cũng từng nói sẽ không có thay đổi trong cuộc đời của nữ hoàng.

Vua Charles III anh 4

Thủ tướng Australia đánh dấu Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Người dân Australia vốn có mối quan hệ thân thiết với cố nữ hoàng. Trong suốt 70 năm trị vì, bà đã kết nối với Australia theo cách chưa một vị quân vương nào trước đó có thể làm được.

Năm 1954, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành quân vương trị vì duy nhất tới thăm Australia. Ước tính 70% người dân Australia đã có mặt để xem nữ hoàng trong chuyến đi kéo dài 2 tháng qua gần 60 thị trấn và thành phố. Tổng cộng, nữ hoàng thăm Australia 16 lần, lần cuối là vào năm 2011.

Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị quân vương duy nhất xuất hiện trên đồng tiền của Australia vào năm 1966, thời điểm nước này thay thế tiền Anh.

“Dưới sự trị vì của nữ hoàng, Australia đã trưởng thành, trở thành nước chín chắn, độc lập”, ông FitzSimons nói.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Chỉ vài tiếng sau khi sự ra đi của nữ hoàng được thông báo vào ngày 9/9, Adam Bandt, lãnh đạo đảng Xanh, có bài đăng chia buồn trên Twitter.

“Xin người yên nghỉ, Nữ hoàng Elizabeth II. Suy nghĩ của chúng tôi hướng về gia đình bà và toàn bộ những ai yêu mến nữ hoàng”, ông Bandt viết. Nhưng ngay cuối bài, ông Bandt khẳng định “Australia lúc này cần tiến về phía trước” và “cần trở thành một nền cộng hòa”.

Tương tự, tổ chức ARM của ông FitzSimons cũng bày tỏ thương tiếc với nữ hoàng nhưng không quên khẳng định bà “luôn tỏ rõ thái độ rằng tương lai nền quân chủ ở Australia là vấn đề chỉ người dân Australia có thể quyết định”.

Vua Charles III anh 5

Nữ hoàng trong chuyến thăm Australia lần cuối vào năm 2011. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, câu hỏi về nền cộng hòa trước mắt vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Khi được hỏi về ý định tổ chức trưng cầu dân ý sau tang lễ của nữ hoàng, Thủ tướng Anthony Albanese đã khẳng định đây không phải lúc bàn tới vấn đề này.

“Hiện không phải lúc thích hợp để nói về thay đổi hiến pháp. Điều thích hợp lúc này là kỷ niệm một đời phụng sự của nữ hoàng”, ông Albanese nói, theo ABC.

Vấn đề cộng hòa cũng không phải ưu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền vị thủ tướng. Ông Albanese nói “ý định trong kỳ này” là tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi hiến pháp theo hướng công nhận quyền lợi của người bản địa Australia.

Tuy nhiên, vị thủ tướng - một người theo chủ trương cộng hòa lâu năm - không loại trừ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này trong tương lai, nhất là nếu Công đảng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Malcolm Turnbull, cựu Thủ tướng Australia và cựu lãnh đạo phong trào cộng hòa, nhất trí rằng lúc này còn quá sớm để tranh luận liệu nước này có nên trở thành nước cộng hòa hay không. Ông nói ít người có thể nhớ được thời gian trước khi có Nữ hoàng Elizabeth II.

“Chúng ta có thể không phải đều là người chủ trương bảo hoàng, nhưng chúng ta đều là người ủng hộ Nữ hoàng Elizabeth”, ông Turnbull nói.

Bốn người con của Nữ hoàng Elizabeth II rước linh cữu mẹ ở Scotland Vua Charles III cùng 3 người em là Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward đi sau xe đưa linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II đến nhà thờ St Giles ngày 12/9.

Tuyên bố bất ngờ sau khi quốc đảo Caribe công nhận Vua Charles III

Bên cạnh Antigua và Barbuda, đa số quốc gia Caribe trong Khối thịnh vượng chung đều không giấu ý định trưng cầu dân ý để trở thành nước cộng hòa.

Phía sau việc nhiều nước nhận Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia

Việc Vua Charles III sẽ lãnh đạo khối Thịnh vượng chung ra sao là một trong những vấn đề được quan tâm nhất kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm