Động thái của ông Gaston Browne, Thủ tướng Antigua và Barbuda, khi nói về kế hoạch trưng cầu dân ý trong ngày 10/9 có thể thu hút sự chú ý trong bối cảnh vương triều mới của Vua Charles III chỉ mới bắt đầu. Tuyên bố được đưa ra ngay sau một buổi lễ địa phương xác nhận ông Charles III là nguyên thủ quốc gia của nước này.
Tuy nhiên, đây không phải ý định mới được thảo luận. Thực tế quốc đảo này đã công khai việc muốn trở thành một nước độc lập khi Nữ hoàng Elizabeth II vẫn tại vị, dù những lần trước đây không nói về một mốc thời gian cụ thể.
Antigua và Barbuda, quốc đảo có dân số dưới 100.000 người, không đơn độc với ý định này. Phần lớn các nước Caribe trong Khối thịnh vượng chung đã để ngỏ khả năng trở thành một nước có nguyên thủ riêng.
Ông Browne khẳng định việc trở thành một nước cộng hòa là "bước cuối cùng để hoàn thành tiến trình độc lập nhằm đảm bảo chúng ta thực sự là một quốc gia có chủ quyền". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý "không phải là một hành động thù địch" và sẽ không liên quan đến việc rút lại tư cách thành viên Khối thịnh vượng chung.
Tín hiệu được báo trước
"Có lẽ trong vòng 3 năm tới", ông Browne nói hôm 10/9 về mốc thời gian nước này sẽ trưng cầu dân ý để trở thành nhà nước cộng hòa.
Nhiều nước Khối thịnh vượng chung lập tức công nhận tân vương Charles III là nguyên thủ quốc gia, song không có nghĩa lập trường tách khỏi chế độ quân chủ Anh và tiến tới nhà nước cộng hòa ở một số nước sẽ thay đổi, đặc biệt là làn sóng tách khỏi hoàng gia Anh ở các nước vùng Caribe.
Hồi tháng 4, Hoàng tử Edward, con út của Nữ hoàng Elizabeth II, cùng vợ là bà Sophie đã đến thăm Antigua and Barbuda như một phần của hoạt động hoàng gia mừng Đại lễ Bạch kim của nữ hoàng Anh.
Bá tước và nữ bá tước xứ Wessex tặng quà cho thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne trong chuyến thăm vào tháng 4. Ảnh: AFP. |
Tại cuộc gặp với thủ tướng quốc đảo Caribbean, truyền thông bắt gặp được sự gượng gạo của Hoàng tử Edward trước các câu hỏi của ông Browne, theo Guardian.
Ông Browne nói rằng đất nước sẽ quyết định cắt đứt quan hệ với chế độ quân chủ và trở thành nước cộng hòa “một ngày nào đó”. Hoàng tử Edward đã đáp rằng: “Tôi đã không ghi chú, do đó tôi sẽ không đưa cho ông lời hồi đáp đầy đủ. Nhưng cảm ơn ông về sự đón tiếp ngày hôm nay”.
Câu trả lời như một lời đùa của Hoàng tử Edward đã nhận sự chỉ trích khi nhiều người cho rằng vị bá tước xứ Wessex đã kiêu ngạo. Bên cạnh Antigua and Barbuda, đảo quốc Saint Kitts và Nevis cũng công bố kế hoạch xem xét lại chế độ quân chủ sau chuyến thăm của ông Edward.
Dấu ấn hoàng gia giảm dần
Trước chuyến thăm của vợ chồng Hoàng tử Edward, làn sóng ủng hộ cắt đứt quan hệ với nền quân chủ Anh đã dấy lên sau chuyến thăm của Hoàng tử William và Công nương Catherine hồi tháng 3.
Hai vợ chồng đã vấp phải sự chỉ trích sau hình ảnh bắt tay với đám đông phía sau hàng rào ở Jamaica, hình ảnh bị cho là gợi lại những khoảnh khắc đáng quên thời thuộc địa. Người biểu tình khi đó cũng kêu gọi Anh bồi thường cho những tổn thương đã gây ra với các nước thuộc địa cũ ở những thế kỷ trước.
Hình ảnh Công nương Catherine bắt tay với đám đông phía sau hàng rào gây tranh cãi. Ảnh: Reuters. |
Những tranh cãi đã khiến Điện Buckingham lo ngại. Trở về Anh sau chuyến công du hồi tháng 3, Hoàng tử William thừa nhận thể chế quân chủ Anh tại Caribe có lẽ chỉ còn được tính bằng ngày.
Tính đến thời điểm Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, bà là nguyên thủ của 8 quốc gia ở vùng Caribe. Trong đó 6 nước - gồm Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Saint Kitts và Nevis, Jamaica và Grenada - đã công khai ý định có một nguyên thủ riêng.
Tại khu vực này, Guyana cùng Trinidad và Tobago đã cắt quan hệ với chế độ quân chủ Anh từ những năm 1970. Trường hợp mới nhất trong Khối thịnh vượng chung là Barbados, cũng ở Caribbean, vào tháng 11/2021.
Bản thân ông Browne hôm 10/9 nói quyết định trưng cầu dân ý không chịu sức ép từ hiện tượng trên. Tuy vậy, thực tế chỉ ra xu hướng tách khỏi quân chủ Anh tại Caribbean đang chiếm đa số.