Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cắt lỗ hay bắt đáy khi chứng khoán giảm kỷ lục?

Các chuyên gia cho rằng lực bán trên thị trường hiện nay như dòng thác đổ và vẫn còn rất mạnh. Việc mua hay bán thời điểm này phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư.

Cat lo hay bat day khi chung khoan giam ky luc? anh 1

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây. Chỉ số lớn nhất thị trường VN-Index đã giảm một mạch hơn 17% từ vùng đỉnh gần nhất trên 1.524 điểm xuống mức 1.265 điểm sáng ngày 26/4.

Đáng chú ý, đà giảm mạnh hơn 17% này của thị trường chứng khoán chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 tháng với nhiều phiên giảm điểm kỷ lục. Như trong phiên ngày 25/4, chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước có thời điểm đã rơi gần 80 điểm, trong phiên đang diễn ra, thị trường chứng khoán cũng ngập trong sắc đỏ với mức giảm gần 40 điểm tại sàn HoSE và hơn 12 điểm tại sàn HNX.

“Ngày thứ 2 đen tối” là tựa đề báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Mirae Asset khi nhận định về thị trường chứng khoán phiên 25/4 và giai đoạn vừa qua.

Theo đó, sau 3 tuần giảm điểm liên tục, kịch bản cũ tiếp tục diễn ra khi VN-Index lao dốc mạnh sau phiên ATO. Càng về sau, tâm lý của nhà đầu tư càng trở nên hoảng loạn và đẩy mạnh bán hàng loạt cổ phiếu với giá sàn, khiến thị trường rơi sâu, đánh dấu phiên giao dịch giảm điểm mạnh thứ 2 lịch sử, chỉ sau phiên 28/1/2021.

Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đã rơi về mức âm 5, thể hiện trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn và hệ số P/E của VN-Index đang là 14,7 lần.

Cat lo hay bat day khi chung khoan giam ky luc? anh 2

Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua chuỗi phiên giảm điểm kỷ lục. Ảnh: Việt Linh.

Vì sao chứng khoán giảm kỷ lục?

Theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội (đề nghị giấu tên), phiên giảm điểm kỷ lục ngày 25/4 vừa qua bắt nguồn từ xu hướng giảm mạnh những phiên trước đó của thị trường và khi sức chịu đựng của các nhà đầu tư đã đến giới hạn, cổ phiếu đã bị bán ra ồ ạt.

“Đây là hành động có quá trình, tức là cả giai đoạn giảm từ 1.524 điểm xuống 1.400 điểm, rồi đến 1.300 điểm, nhiều người không chịu được quá các mốc chỉ số này đã chấp nhận bán bằng mọi giá”, vị giám đốc môi giới chia sẻ.

Bên cạnh đó, thị trường giảm điểm mạnh phiên hôm qua và dự kiến trong cả hôm nay còn có nguyên nhân từ việc chứng khoán Trung Quốc sụt giảm.

Theo đó, Việt Nam hiện có nhiều dòng vốn và hoạt động kinh tế liên quan tới thị trường Trung Quốc, những quan hệ kinh tế và vốn này ít ảnh hưởng tới cá nhân nhưng lại ảnh hưởng nhiều với các tổ chức lớn. Do vậy, sự kiện chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh cũng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức.

Chia sẻ về nguyên nhân cốt lõi dẫn tới đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán, vị chuyên gia cho rằng có 2 yếu tố chính là tiền tệ và cung cầu cổ phiếu. Trong đó, cung cầu cổ phiếu gắn với các nhà đầu tư “cá mập” và nhỏ lẻ.

Cụ thể, trong khoảng 2 năm qua, khi thị trường tăng từ 900 điểm lên 1.500 điểm, tương đương gần 70%, lượng lớn cổ phiếu đã được chuyển giao từ các “cá mập” sang nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là giai đoạn thị trường tăng từ 1.300-1.400 điểm lên 1.500 điểm.

Cat lo hay bat day khi chung khoan giam ky luc? anh 3

Diễn biến chỉ số VN-Index trong một tháng qua. Nguồn: Tradingview.

Các cổ phiếu được sang tay này cộng với các đợt phát hành mới đang khiến lượng cổ phiếu do nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ rất lớn và chỉ cần một tâm lý đám đông nào đó thì lực bán ra trên thị trường sẽ rất nhanh và mạnh.

Yếu tố thứ 2 là tiền tệ, giai đoạn thị trường chứng khoán tăng điểm 2 năm qua trùng với giai đoạn chi phí vốn rẻ, dòng tiền dễ dãi. Tuy nhiên, từ quý I/2022, dòng tiền trên thị trường đã bắt đầu đảo chiều, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Vì vậy, thị trường tiền tệ đã có xu hướng đảo chiều và dòng tiền trên các thị trường khác đang bị rút ra.

Vị giám đốc môi giới còn cho rằng dòng tiền trên thị trường chứng khoán còn đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư đang nghi ngờ về khả năng vỡ nợ trái phiếu của Tân Hoàng Minh cùng một số doanh nghiệp khác có thể tạo ra hiệu ứng domino khiến tất cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt hay xấu đều cháy thanh khoản hoặc bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

“Nhà đầu tư đồng loạt đi rút trái phiếu doanh nghiệp, không rút được của Tân Hoàng Minh thì sẽ rút của doanh nghiệp khác. Khi dòng tiền rút khỏi thị trường trái phiếu, sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường khác, đặc biệt là thị trường có tính thanh khoản cao như chứng khoán”, vị này chia sẻ.

Khi gặp khó khăn về thanh khoản, các tổ chức có nguồn tiền trên thị trường chứng khoán sẽ phải rút về để chuẩn bị đáp ứng. Như vậy, lượng tiền bị rút khỏi thị trường chứng khoán là rất mạnh và chủ yếu xuất phát từ các tổ chức, sau đó mới tới nhà đầu tư cá nhân.

Cắt lỗ hay bắt đáy?

Nhận định về xu hướng thị trường, vị giám đốc môi giới công ty chứng khoán này cho biết thị trường hiện tại như dòng thác đổ và khi dòng thác đổ xuống với khối lượng mạnh hiện nay, rất khó để ngăn cản. Vì vậy, việc dự đoán vùng nào là vùng đáy chỉ mang tính chủ quan và khó chính xác.

“Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng gia tốc giảm đợt này vẫn còn rất mạnh, nên xác suất để có lực đỡ chặn lại là rất ít, trừ trường hợp có nhiều phiên giảm kỷ lục như ngày 25/4 thì thị trường sẽ nhanh chạm đáy hơn. Và khi chạm đáy thị trường sẽ bật rất mạnh”, ông nói.

Với quán tính bán trên thị trường rất lớn hiện nay, vị chuyên gia cho biết nếu cắt lỗ thì đã quá muộn, nhưng mua vào cũng không thể khẳng định thị trường đã chạm đáy.

Tuy nhiên, ông cho rằng chứng khoán là thị trường có thể mua bất kỳ lúc nào. Bán ngày hôm nay có thể mua lại vào ngày mai, dù chịu lỗ 5-7% nhưng việc mua lại với giá đắt hơn này có thể coi là chi phí bảo hiểm cho danh mục đầu tư, để khi thị trường tiếp tục rơi mạnh, danh mục sẽ không bị ảnh hưởng lớn.

Cat lo hay bat day khi chung khoan giam ky luc? anh 4

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư tại các phiên thị trường giảm sốc như ngày 25/4 vừa qua. Ảnh: Nam Khánh.

“Quan trọng nhất là còn tài sản thì phải giữ bằng được. Hiện tại, cần áp dụng nguyên tắc không để mất tài sản trước khi nghĩ tới chuyện kiếm được tiền”, vị giám đốc môi giới nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần xác định rằng thị trường chứng khoán rồi sẽ đi lên, thị trường giảm mạnh thì lên cũng sẽ mạnh. Theo đó, nhà đầu tư cũng có thể chờ thị trường hồi phục để bán.

“Hướng là như vậy nhưng hành động thế nào còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân, khẩu vị rủi ro mỗi người, rất khó để đưa ra lời khuyên ở thời điểm thị trường tiêu cực như hiện tại”, vị này nhấn mạnh.

Giám đốc khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng phiên giảm mạnh ngày 25/4 với thanh khoản thấp cho thấy lực cầu rất yếu và tâm lý các thành phần tham gia thị trường khá hoảng loạn, bán tháo bằng mọi giá.

Theo đó, mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ đang tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng đám đông. Vì vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể chọn lọc mua vào gia tăng trạng thái cổ phiếu ở các phiên giảm điểm mạnh này.

Dưới góc độ kỹ thuật, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng chỉ số VN-Index có thể hồi phục theo đà rút chân của nến ngày 25/4. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng chỉ số này sẽ lùi lại kiểm tra mốc tâm lý 1.300 điểm một lần nữa do lượng cổ phiếu bắt đáy ngày 21/4 đã sẵn sàng để bán. Lượng cổ phiếu lớn này nhiều khả năng sẽ cản trở nhịp hồi phục của thị trường.

“Trường hợp chỉ số VN-Index cân bằng quanh ngưỡng 1.300 điểm và tạo nền tích lũy với khối lượng thấp, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng trở lại”, chuyên gia tại SSI Research khuyến nghị.

Nhóm VN30 lấy lại sắc xanh

Thị trường chứng khoán có thời điểm giảm gần 50 điểm sau khi mở cửa giao dịch sáng 26/4. Càng về cuối, nhóm VN30 phục hồi và lấy lại sắc xanh, thanh khoản hơn 4.000 tỷ đồng.

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán toàn cầu lao dốc do những lo ngại về các lệnh phong tỏa mới ở Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm