- VN-Index giảm mạnh ngay sau khi mở cửa.
- Nhóm cổ phiếu VN30 hầu hết đều "nằm sàn".
- Dòng tiền bắt đáy đổ vào cổ phiếu tài chính và bất động sản.
-
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường
Mở đầu phiên giao dịch sáng 26/4, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Toàn sàn có 291 mã giảm giá, chỉ có 48 mã tăng giá. Trên sàn Hà Nội, tình trạng tương tự cũng diễn ra, khi 118 mã giảm giá. Tính đến 9h30, VN-Index đã mất 28 điểm so với ngày 25/4, xuống mốc 1.285 điểm. Đây cũng là mốc thấp nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái.
-
Toàn bộ nhóm cổ phiếu VN30 "nằm sàn".
Toàn bộ nhóm cổ phiếu thuộc nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ. Các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, NVL, MSN, MWG... đều "nằm sàn". Đến khoảng 9h40, thị trường tiếp tục xấu đi nhanh chóng khi đã mất 40 điểm chỉ ít phút sau khi mở cửa giao dịch. Khối lượng giao dịch đạt khoảng 3.800 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trong nhóm VN30 chiếm khoảng 50% toàn thị trường.
-
Khối ngoại tăng cường mua ròng
Khối lượng mua ròng sáng nay vào khoảng 449 tỷ đồng, trong đó tâp trung chính các các cổ phiếu như DGC, DPM, HPG, DCM, BHV…Trong khi đó khối lượng bán ròng chỉ khoảng 35 tỷ đồng.
-
Dòng tiền bắt đáy đổ vào cổ phiếu tài chính và bất động sản
Không xuất hiện bất cứ nhóm ngành nào có dấu hiệu đi ngược xu hướng hiện tại, phần đa đều giảm trên 3%. Trong đó, nhóm tài chính đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 1.450 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền bắt đáy đang thu hẹp dần đà sụt giảm của nhóm tài chính và bất động sản.
Lượng thanh khoản trên cả hai sàn HoSE và HNX đều vượt trội so với phiên hôm qua. Riêng HoSE đến nay ghi nhận hơn 5.200 tỷ đồng giá trị giao dịch, gấp đôi thời điểm cùng kỳ phiên 25/4.
-
Thị trường dần phục hồi
Tính đến 10h, VN-Index xuất hiện dấu hiệu phục hồi. Việc một số bluechips trong VN30 xanh trở lại đã giúp VN-Index thu hẹp đà sụt giảm còn -13 điểm. Toàn thị trường có 175 mã giảm, 836 mã lấy lại tham chiếu, 551 mã giảm giá.
Dẫn đầu khối lượng giao dịch là nhóm các cổ phiếu VPB, MBB, HPG, ACB… Trong khi đó, cổ phiếu VHM, FPT, MSN, EIB vẫn giảm mạnh, ảnh hưởng nhiều nhất đến đà giảm của VN-Index. Thanh khoản toàn thị trường đạt 8.000 tỷ đồng.
Sau 2 phiên tăng mạnh, thậm chí kịch trần, cổ phiếu “họ FLC” bắt đầu chững lại và giao dịch quanh tham chiếu. Trong khi đó, cổ phiếu “họ Louis” vẫn không thay đổi tình trạng nằm sàn.
-
Thanh khoản cao trong nhóm tài chính, nguyên vật liệu và công nghiệp
VN-Index chứng kiến sự giằng co giữ dội giữa phe bán và phe mua. Chỉ số này tăng giảm liên tục và đón nhận dòng tiền lớn. Thanh khoản tập trung vào bốn ngành tiêu biểu là tài chính (2.060 tỷ đồng), nguyên vật liệu (1.253 tỷ đồng), công nghiệp (1.293 tỷ đồng và bất động sản (1.023 tỷ đồng).
Nhóm năng lượng, công nghệ thông tin và tiêu dùng không có nhiều đột phá. HPG, VPB, FPT, DIG, DPM, TCB đang là những cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường.
-
Khối ngoại bán ra cổ phiếu VHM, NVL, VCB
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dần lấy lại thế kiểm soát và xuất hiện một số mã tăng trưởng dương như BID, MBB, VPB, ACB. Mặt khác, VCB và CTG đang giảm trên 2%.
Một số cổ phiếu bất động sản đầu cơ như DIG, CII, CEO, L14 đang chật vật thoát khỏi giá sàn trong khi nhóm vốn hóa lớn như DXG, NVL đã quay về tham chiếu.
Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng hơn 580 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm này đang đẩy mạnh xả các cổ phiếu như VHM, NVL, VCB.
-
Thanh khoản nhóm VN30 vượt 4.000 tỷ đồng
Rổ VN30 bất ngờ lấy lại sắc xanh khi tăng 0,14% và thanh khoản vượt 4.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá lên 15 đơn vị và chỉ còn 14 cổ phiếu giảm. Những mã nhanh chóng phục hồi trở lại là HDB, BID, MBB, VPB, VIC, VRE, HPG, AVB, NVL.
Việc nhiều cổ phiếu trụ đảo chiều đã giúp VN-Index trở về mốc trên 1.300 điểm. Hiện chỉ số này chỉ giảm khoảng 4 điểm (0,31%).
-
17 cổ phiếu nhóm VN30 tăng điểm
Xu hướng thị trường chính thức đảo chiều khi phiên giao dịch sáng dần đến giờ nghỉ trưa. Tương tự VN-Index, các chỉ số khác như HNX và UPCoM cũng đang thoát khỏi xu hướng sụt giảm. Lượng mã tăng dương áp đảo tại rổ VN30. Sự phục hồi của dòng ngân hàng như BID, VPB, MBB, SAB, TCB, ACB và một số cổ phiếu khác như BCM, VRD, VIC đang là yếu tố kéo vực thị trường.
Khối ngoại vẫn tích cực đẩy mạnh mua ròng lên 625 tỷ đồng, khớp lệnh 23,49 triệu cổ phiếu.
-
Chuyên gia VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý
Các chuyên gia VinaCapital cho rằng việc giảm điểm chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện như vụ việc FLC, Tân Hoàng Minh, trong khi kinh tế vĩ mô không có nhiều thông tin tích cực và tình hình thế giới nhiều biến động.
VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Công ty quản lý quỹ tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Các chuyên gia VinaCapital khuyến nghị nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn. Như Warren Buffett đã từng khuyên: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi".
-
308 mã tăng giá
Phiên giao dịch sáng 26/4 kết thúc với nhiều diễn biến nhanh và bất ngờ. Nhìn chung, sau khi trải qua gần 2 giờ đồng hồ chìm trong sắc đỏ, sự xuất hiện của khối ngoại cùng dòng tiền bắt đáy đã giúp thị trường thoát khỏi cơn bĩ cực. Từ việc rớt hơn 50 điểm và mất mốc 1.270 điểm, VN-Index nay chỉ giảm còn 3,8 điểm (-0,29%) xuống 1.307 điểm, HNX giảm 2,55 điểm (-0,76%) và UPCoM giảm 0,62 điểm (0,62%).
Thanh khoản toàn thị trường đạt 15.200 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Khối ngoại hoạt động năng nổ khi mua ròng hơn 665 tỷ đồng, tập trung vào những mã ngành dầu khí, hóa chất, phân bón như DPM, DGC, GMD, PVD, DCM. Thị trường ghi nhận 308 mã tăng giá, 793 mã giữ tham chiếu và 461 mã giảm giá. Số mã tăng trần và nằm sàn lần lượt là 17 và 46. Rổ VN30 có 12 mã tăng, 15 mã giảm và 3 mã giữ tham chiếu.
Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VCB, góp công lớn trong việc làm trụ đỡ thị trường. Một số bluechips khác như VIC, MWG, VNM, VRE sau khi rớt mạnh đầu phiên cũng phục hồi trở lại để kéo chỉ số. Trên sàn Hà Nội, hai cổ phiếu đầu cơ là L14 và CEO đang dẫn đầu mức ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số. Tương tự hai phiên gần nhất, nhóm chế biến thủy hải sản như ACL, AAM, ANV, CMX, IDI, FMC… tiếp tục sụt giảm mạnh và nằm sàn hàng loạt.